*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thế giới ngày 26/1 tiếp tục có nhiều diễn biến mới.
Trong thông báo được đưa ra vào sáng nay (26/1), Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand yêu cầu công dân của nước này đang có mặt tại Ukraine cần theo dõi các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế để cập nhật thông tin vì tình hình an ninh có thể thay đổi trong thời gian ngắn, VOV đưa tin.
Nếu xét thấy việc hiện diện tại đây là không cần thiết, công dân nên rời đi bằng phương tiện thương mại vì khả năng chính phủ cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho người dân ở Ukraine là rất hạn chế.
New Zealand hiện không thiết lập đại sứ quán mà chỉ duy trì lãnh sự danh dự tại Ukraine và Bộ Ngoại giao và Thương mại của nước này xác nhận hiện có 13 công dân đăng ký với chính phủ là đang có mặt tại Ukraine.
Khuyến cáo mới nhất của New Zealand được đưa ra sau khi các quốc gia như Mỹ, Anh và Australia đã có động thái tương tự và các nước này đang triển khai kế hoạch di tản một số nhân viên làm việc tại các đại sứ quán ở Ukraine được xác định là không thiết yếu cùng với các thành viên gia đình.
Căng thẳng leo thang giữa Nga-Ukraine hiện nay một phần là do phương Tây đã nói dối Moskva về việc không mở rộng NATO hơn nữa.
Alexey Gromyko, Giám đốc Viện Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IE RAS), bình luận trên trang web của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) mới đây rằng, các cuộc thảo luận hiện tại giữa Nga và NATO xoay quanh việc Moskva yêu cầu NATO đưa ra các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý: cụ thể là NATO không tiếp tục mở rộng về phía Đông, điều này sẽ dẫn đến việc hủy bỏ quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh NATO Bucharest năm 2008 trong đó xác định Ukraine và Gruzia "sẽ trở thành thành viên của NATO".
Theo ông Gromyko, sẽ rất hữu ích nếu làm sáng tỏ những điểm cơ bản khiến Nga quan ngại an ninh sâu sắc liên quan đến Ukraine. Moskva cho rằng Liên Xô đã bị lừa dối trong vấn đề mở rộng NATO. Căng thẳng leo thang giữa Nga-Ukraine hiện nay một phần là do phương Tây đã "lừa dối" Moskva về việc không mở rộng NATO hơn nữa.
Các nhà lãnh đạo Nga sau năm 1991 đã bày tỏ mối quan ngại nhiều lần về sự mở rộng của NATO, trong đó có cả các bức thư của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin gửi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào tháng 10/1993 và sau đó vào tháng 12/1994. Các đề xuất của Nga không chỉ giới hạn trong các tuyên bố chính trị. Ví dụ, năm 2009, Moskva đã đưa ra dự thảo Hiệp ước An ninh châu Âu có tính ràng buộc pháp lý. Nga đưa ra vấn đề này là vì trong quá khứ, tất cả những cam kết không chính thức về việc mở rộng NATO đã bị phá vỡ.
Tuy nhiên, một lập luận phổ biến của phương Tây phản đối dự thảo hiện tại của Nga là khó có thể đạt được một đảm bảo ràng buộc pháp lý như vậy, khi Điều 10 hiến chương Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định rằng các thành viên, theo quyết định nhất trí, có thể mời bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác tham gia.
Không có sự bảo đảm ràng buộc về mặt pháp lý của NATO, vậy những lựa chọn nào có thể khiến Nga hài lòng?
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Mỹ đã chuẩn bị cho việc chuyển hướng nguồn cung khí đốt tự nhiên sang châu Âu trong trường hợp dòng chảy từ Nga bị cắt, nhằm triệt tiêu vũ khí kinh tế mạnh nhất của ông Putin.
Mỹ quyết diệt "vũ khí" kinh tế của Nga
Khi lo ngại về một cuộc tấn công Ukraine ngày càng tăng, các quan chức Mỹ cho biết hôm thứ Ba rằng họ đang đàm phán với các nhà cung cấp toàn cầu và hiện tin tưởng rằng châu Âu sẽ không bị mất năng lượng đột ngột để sưởi ấm vào giữa mùa đông.
"Để đảm bảo châu Âu có thể vượt qua mùa đông và mùa xuân, chúng tôi dự kiến sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo nguồn cung thay thế đáp ứng phần lớn sự thiếu hụt," một quan chức cấp cao cho biết.
Việc chuẩn bị cho việc cung cấp khí đốt số lượng lớn là nằm trong chiến dịch của Mỹ và đồng minh châu Âu nhằm thể hiện một mặt trận đoàn kết và gắn bó nhằm chống lại kế hoạch tấn công Ukraine của Nga.
Tổng thống Joe Biden cho biết hôm thứ Ba rằng ông sẽ xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với Tổng thống Nga.
Ukraine khuyên người dân "ngủ ngon"
Các nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi bình tĩnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Oleksii Reznikov, nói với quốc hội rằng một cuộc xâm lược sẽ không xảy ra. Ông nói rằng "cho đến ngày hôm nay, không có cơ sở để tin rằng" một cuộc xâm lược sắp xảy ra.
"Đừng lo lắng, hãy ngủ ngon," ông Oleksii Reznikov, nói. "Không cần phải đóng gói hành lý của bạn."
Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây
Ngày 26/1, Điện Kremlin ra tuyên bố cho rằng bất kỳ động thái nào của phương Tây nhằm trừng phạt cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là hành động phá hoại mang tính chính trị, không đem lại hiệu quả, thậm chí phản tác dụng trong nỗ lực giảm căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine, theo Báo Tin tức.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh các chính trị gia Mỹ đề cập đến khả năng trừng phạt nhằm vào cá nhân Tổng thống Putin là chưa đủ hiểu biết về vấn đề này vì các quan chức cấp cao Nga bị cấm nắm giữ tài sản ở nước ngoài.
Tuyên bố của Điện Kremlin được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Nga nếu nước này có hành động quân sự nhằm vào Ukraine, điều mà Moskva luôn bác bỏ. Đặc biệt, Mỹ và Anh có thể cân nhắc áp đặt trừng phạt nhằm vào cá nhân Tổng thống Putin.
Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Washington bày tỏ quan ngại rằng các loại vũ khí mà Mỹ đang chuyển tới Ukraine có nguy cơ rơi vào tay các lực lượng thánh chiến và khủng bố. Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine thông báo chuyển giao cho Kiev 300 tên lửa Javelin và 79 tấn trang thiết bị hỗ trợ an ninh cho lực lượng vũ trang Ukraine. Hiện 3 lô hàng trong gói viện trợ 200 triệu USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn đã đến Ukraine.
Theo số liệu từ chính quyền thành phố Jakarta, có 90 trường học đã phải đóng cửa sau khi có ít nhất 135 ca mắc Covid-19. Mặc dù các cụm lây truyền trong trường học ngày một gia tăng, song Phó Thống đốc Jakarta, ông Admad Riza Patria cho biết, việc học tập trực tiếp với 100% công suất vẫn được tiếp tục bởi thành phố nằm trong khu vực Giới hạn hoạt động cộng đồng cấp 2, đủ điều kiện để duy trì các lớp học.
Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia ngày hôm qua (25/1) cho biết, khu vực Jabodetabek gồm thủ đô Jakarta và các thành phố vệ tinh là những khu vực có số ca mắc biến thể Omicron cao nhất thời điểm này. Dựa trên báo động của Bộ Y tế, Hiệp hội Giáo dục và Giáo viên Indonesia kêu gọi chính sách 100% học tập trực diện tại Jabodetabek phải dừng lại ngay lập tức vì sự an toàn và sức khỏe của học sinh và các nhà giáo dục.
Chính quyền Tổng thống Biden đang làm việc với các nước châu Âu và những công ty năng lượng lớn để chuẩn bị cho kịch bản Nga tấn công Ukraine, một sự kiện có thể dẫn đến thiếu hụt khí tự nhiên ở châu Âu, một quan chức trong chính quyền cấp cao Mỹ cho biết ngày 25/1.
Quan chức này cho biết những cuộc thảo luận trên đang được lên kế hoạch để chuẩn bị cho những sự kiện bất ngờ nếu cuộc tấn công của Nga phá hủy cơ sở hạ tầng khí tự nhiên hoặc Tổng thống Vladimir Putin đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách cố ý cắt giảm nguồn cung khí đốt sang các nước châu Âu.
"Chúng tôi đang làm việc với các quốc gia và công ty trên thế giới để đảm bảo an ninh năng lượng và làm giảm những cơn sốt giá ảnh hưởng tới cả người dân Mỹ và kinh tế toàn cầu", quan chức này nhận định, đồng thời cho biết các cuộc trao đổi đã diễn ra một vài tuần.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Triều Tiên vừa phóng 2 vật thể, được nhận định là tên lửa hành trình ra bờ biển phía Đông của nước này.
Đây là vụ thử tên lửa thứ 5 của Bình Nhưỡng trong tháng này, cho thấy tần suất phóng thử lớn và hiếm gặp trong những năm trở lại đây. Vụ phóng diễn ra ngay sau lời kêu gọi ngừng khiêu khích từ phía Mỹ.
Tên lửa hành trình Triều Tiên khai hỏa (trái) và trên đường bay trong ảnh được công bố tháng 9/2021. Ảnh: KCNA.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời Tham mưu trưởng Liên quân nước này cho biết, Triều Tiên hôm nay (25/1) đã phóng 2 vật thể bay được cho là tên lửa hành trình. Quân đội Hàn Quốc đang đánh giá, phân tích vụ việc. Vụ phóng này là vụ phóng tên lửa thứ 5 trong tháng của Triều Tiên, diễn ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa và hòa bình của trên Bán đảo Triều Tiên bế tắc trong một thời gian dài.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ngành xe điện có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ khủng hoảng Nga-Ukraine.
Hiện nay, pin lithium là loại pin được sử dụng phổ biến nhất trên các mẫu ô tô điện. Theo số liệu từ phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne, Mỹ, một bộ pin lithium-ion chứa khoảng 8kg lithium, 35kg niken , 20kg mangan và 14kg coban .
Theo insideevs (trang web chuyên đưa tin về xe điện), giá niken đã đạt mức cao nhất trong hơn 11 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng kết hợp với tình trạng khan hiếm hàng tồn kho. Nhưng đó không phải là tất cả. Trên Sàn giao dịch kim loại London, giá niken đạt 23.565 USD/tấn, tăng 1,8% so với quý trước.
Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, nơi giao dịch hợp đồng kỳ hạn kim loại màu, cổ phiếu niken được giao dịch nhiều nhất đạt mức cao kỷ lục 176.280 nhân dân tệ, tương đương 27.796 USD/tấn. Hiện tượng này xảy ra giữa thời điểm căng thẳng biên giới giữa Nga và Ukraine ngày càng gia tăng và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới lĩnh vực ô tô điện.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo Dân trí, Nga cáo buộc Mỹ và NATO đã điều động hàng loạt vũ khí và cố vấn tới quốc gia láng giềng Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng leo thang dồn dập những tuần qua.
Mỹ tăng cường chuyển vũ khí cho Ukraine trong thời gian qua (Ảnh: Reuters).
Phái đoàn thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc đã phát đi tuyên bố cho biết, Ukraine đã và đang "ngập tràn" vũ khí từ Mỹ và NATO, cũng như hàng loạt các cố vấn từ các nước phương Tây.
"Mỹ và các nước có chung quan điểm - với tâm lý bài Nga - nói rằng việc Nga triển khai quân đội (gần biên giới Ukraine) là nguyên nhân gốc rễ của mọi vấn đề. Tuy nhiên, họ quên mất rằng tất cả những tranh cãi trong thời gian qua là về việc lực lượng Nga được triển khai trên lãnh thổ của Nga", tuyên bố cho hay.
"Điều này trái ngược với việc các hệ thống vũ khí của Mỹ và NATO, cũng như hàng loạt cố vấn đang "ngập tràn" ở Ukraine và các nước gần biên giới Nga. Cũng không có lời giải thích nào cho việc Hải quân Mỹ đang làm gần khu vực ven biển Nga tại Biển Đen khiến căng thẳng dâng cao", Nga cho biết thêm.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận rằng, họ không có ý định triển khai lực lượng quân sự Mỹ hoặc NATO ở Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng khẳng định rằng họ sẽ không đưa lực lượng chiến đấu tới Ukraine, nhưng sẽ không thỏa hiệp về vấn đề mở rộng của khối.
Người dân Bắc Kinh đang phải đối mặt với các đợt phong toả đột ngột khi thủ đô Trung Quốc kiên quyết ngăn chặn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 trước Thế vận hội mùa đông.
Người dân quận Xichen, Bắc Kinh, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 hôm 25/1. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, phong toả là một phần của chiến lược "không khoan nhượng" với COVID mà Trung Quốc đã kiên quyết theo đuổi trong nỗ lực "diệt" tận gốc các ca lây nhiễm ngay từ đầu đại dịch. Trước thềm Thế vận hội mùa đông 2022, chiến lược này đang được siết chặt hơn. Tại Bắc Kinh, người dân lo ngại họ có thể phải đối mặt với các đợt phong toả cục bộ diễn ra đột ngột.
Tại cộng đồng dân cư Anzhen cách Làng Thế vận hội khoảng 2 km, nhiều người dân đã được yêu cầu ở trong nhà từ sáng 23/1 cho đến chiều 25/1. Chính quyền địa phương thông báo một tòa nhà vẫn bị phong toả. Dù chưa có thông tin xác nhận số ca nhiễm trong khu vực, nhưng tất cả mọi người đều được yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Giới chức cho biết họ sẽ triển khai đợt xét nghiệm lần thứ 2 vào ngày 27/1 tới. Cư dân phải tiếp tục theo dõi sức khỏe cá nhân trong 2 tuần sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo VnExpress, quan chức ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào quyền của các nước trên Biển Đông và đưa ra yêu sách chủ quyền bất hợp pháp.
"Với danh nghĩa thực thi các yêu sách hàng hải rộng lớn và bất hợp pháp của mình ở Biển Đông , Trung Quốc đang can thiệp vào các quyền và tự do, bao gồm quyền và tự do hàng hải mà tất cả quốc gia đều có", quyền phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề đại dương, ngư nghiệp và địa cực Constance Arvis nói ngày 24/1.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép trong ảnh chụp tháng 3/2020. Ảnh: CSIS.
"Mỹ dứt khoát bác bỏ những tuyên bố bất hợp pháp này và bất cứ sự can thiệp nào liên quan, nhắc lại rằng Trung Quốc không đưa ra được cơ sở pháp lý chặt chẽ nào cho yêu sách hàng hải rộng lớn của mình", Arvis nói, khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông "không có cơ sở trong luật pháp quốc tế". Bà cho biết Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động cưỡng chế tại khu vực.
Jung Pak, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ kiêm lãnh đạo Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, khẳng định Mỹ cam kết với khu vực và sẽ duy trì các quyền của đồng minh lẫn đối tác. "Mỹ và Nhật Bản đưa ra cam kết rất vững chắc về tự do hàng hải và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác", Jung Pak cho biết.
Trung Quốc đơn phương vẽ ra cái gọi là "đường 9 đoạn" nhằm nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông. Nước này còn bồi đắp và quân sự hóa trái phép nhiều đảo nhân tạo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Mỹ nhiều lần phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực, cáo buộc nước này quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng. Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 công bố tài liệu 47 trang bác bỏ cơ sở địa lý và lịch sử liên quan đến các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngày 25/1, Tổng thống V.Putin đã gặp gỡ các vận động viên của đội tuyển quốc gia Nga qua cầu truyền hình. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, Nga và Trung Quốc cùng phản đối tẩy chay và chính trị hóa thể thao.
Trong cuộc gặp với các vận động viên của đội tuyển quốc gia, Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh rằng, các cuộc thi đấu quốc tế lớn cũng là một sự kích thích cho việc phổ biến các môn thể thao trong xã hội.
Ông coi nhiệm vụ chính của họ là lôi kéo càng nhiều công dân tham gia thể thao và tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, những cách tiếp cận này được chia sẻ bởi những người tổ chức Thế vận hội sắp tới, những người bạn Trung Quốc.
Tổng thống Putin tuyên bố: "Chúng tôi cùng nhau phản đối việc tẩy chay và chính trị hóa thể thao. Chúng tôi ủng hộ các giá trị truyền thống của Olympic, trước hết là bình đẳng và công bằng".
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Bộ Y tế Philippines hôm 25/1 xác nhận, dòng phụ của biến thể Omicron có tên BA.2 hay còn gọi là dòng “tàng hình” đã xuất hiện và nhanh chóng chiếm ưu thế ở Philippines.
Trong thông báo ngày hôm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết, dòng phụ BA.2 đã trở nên phổ biến ở hầu hết các khu vực trên toàn Philippines, trong khi dòng phụ BA.1 được phát hiện ở tám khu vực, phổ biến nhất ở Bicol và trong bệnh phẩm của những người từ nước ngoài trở về.
Điểm kiểm tra thẻ vaccine tại Taguig. (Nguồn: Philstar)
Omicron "tàng hình" đã được phát hiện ở 49 quốc gia, chiếm phần lớn các trường hợp gần đây ở một số quốc gia như Vương quốc Anh, Đan Mạch, Thụy Điển và Ấn Độ. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh đã chỉ định dòng phụ BA.2 là một biến thể đang được điều tra khi các trường hợp mắc dòng này đang gia tăng.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng dọc biên giới giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic đã tuyên bố Zagreb sẽ rút binh lính khỏi các nhóm quân NATO đồn trú trong khu vực nếu xảy ra xung đột toàn diện, RT đưa tin.
Phát biểu trên sóng truyền hình, nhà lãnh đạo Croatia cho hay, ông thấy có "thông tin rằng NATO - chứ không phải 1 quốc gia riêng rẽ, không phải Mỹ - đang tăng cường hiện diện và điều tàu trinh sát".
Ông Milanovic nhấn mạnh: Chính quyền Zagreb "chẳng liên quan gì tới chuyện này và chúng tôi sẽ không can dự, tôi đảm bảo điều đó với các bạn".
"Chúng tôi không chỉ không cử quân đội mà trong trường hợp tình hình leo thang, chúng tôi sẽ rút đến binh lính cuối cùng của Croatia [về nước]", ông Milanovic nói, "Chuyện này không liên quan gì tới Ukraine hay Nga, cũng chẳng liên quan gì tới biến chuyển trong chính trị Mỹ hay Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông ấy - mà tôi vốn ủng hộ".
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo VOV, Nga đã vận chuyển 20 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho Cuba bao gồm thuốc, quần áo bảo hộ và xi lanh y tế. Đây là chuyến hàng viện trợ thứ năm Nga hỗ trợ Cuba kể từ tháng 12 năm ngoái.
Chủ tịch Cuba Diaz Canel đã cảm ơn Tổng thống Vladimir Putin về sự hợp tác quốc tế của Nga, một đồng minh chiến lược và nước bạn bè của người dân Cuba.
Chủ tịch Cuba Diaz Canel đã cảm ơn Tổng thống Vladimir Putin về sự hợp tác quốc tế của Nga (Ảnh: Sputnik).
Năm ngoái, Nga đã vận chuyển bốn chuyến máy bay chở thực phẩm, thuốc và thiết bị y tế nhằm giúp người dân Cuba vượt qua các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và lệnh cấm vận của Mỹ gây ra.
Không chỉ viện trợ nhân đạo cho Cuba, Nga hiện đang thực hiện 4 dự án với sự phối hợp của Chương trình phát triển Liên hợp quốc nhằm giúp nâng cao năng lực, tạo cơ hội việc làm và tăng khả năng phục hồi sau thảm họa ở một số địa phương của Cuba.
Theo Dân trí, Ukraine đã trấn an người dân, kêu gọi họ không cần lo lắng hay chuẩn bị đồ đạc, đồng thời nói rằng "chưa có cơ sở để tin rằng Nga sắp có hành động quân sự" với Kiev.
Xe quân sự Nga di chuyển trên cao tốc ở bán đảo Crimea (Ảnh: AP).
AP đưa tin, các lãnh đạo Ukraine đã trấn an người dân rằng lo ngại về việc Nga sắp có thể động binh là không xảy ra, dù họ cho rằng mối đe dọa là có thật và chuẩn bị nhận khí tài từ Mỹ để nâng cao năng lực quốc phòng.
Phương Tây cáo buộc Nga đưa 100.000 quân tới gần Ukraine trong những tuần gần đây để chuẩn bị có hành động quân sự với nước láng giềng. Nga mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc, đồng thời đề nghị Mỹ và NATO thực hiện các động thái cần thiết để không đe dọa tới an ninh của Nga, ví dụ như không mở rộng khối liên minh quân sự về phía đông.
Các nỗ lực ngoại giao giữa các bên đã bất thành, và căng thẳng đang tiếp tục leo thang. NATO tuyên bố đang nâng cao năng lực phòng thủ ở khu vực biển Baltic và Mỹ yêu cầu 8.500 quân trong tình trạng cảnh giác cao độ để sẵn sàng tới châu Âu nếu cần thiết.
Theo VnExpress, ông Biden cho biết ông có thể áp lệnh trừng phạt trực tiếp với ông Putin nếu Tổng thống Nga ra lệnh tấn công Ukraine, giữa lúc căng thẳng tăng nhiệt.
"Đúng vậy, tôi sẽ xem xét khả năng đó", Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời phóng viên hôm 25/1, khi được hỏi liệu ông có cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin nếu Nga tấn công Ukraine hay không. Ông chủ Nhà Trắng nói thêm rằng từng nhấn mạnh với Putin về "những hậu quả" nếu Ukraine bị tấn công.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 24/1. Ảnh: AFP.
Mỹ nhìn chung hiếm khi áp đặt trừng phạt với các lãnh đạo nước ngoài, nhưng tình huống này từng xảy ra. Cựu tổng thống Donald Trump đã trừng phạt Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vào năm 2017 và lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei vào năm 2019.