Đằng sau căng thẳng leo thang liên quan đến vấn đề Ukraine

PV |

Căng thẳng leo thang giữa Nga-Ukraine hiện nay một phần là do phương Tây đã nói dối Moskva về việc không mở rộng NATO hơn nữa.

Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận. Ảnh: Skynews

Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận. Ảnh: Skynews

Alexey Gromyko, Giám đốc Viện Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IE RAS), bình luận trên trang web của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) mới đây rằng, các cuộc thảo luận hiện tại giữa Nga và NATO xoay quanh việc Moskva yêu cầu NATO đưa ra các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý: cụ thể là NATO không tiếp tục mở rộng về phía Đông, điều này sẽ dẫn đến việc hủy bỏ quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh NATO Bucharest năm 2008 trong đó xác định Ukraine và Gruzia “sẽ trở thành thành viên của NATO”.

Theo ông Gromyko, sẽ rất hữu ích nếu làm sáng tỏ những điểm cơ bản khiến Nga quan ngại an ninh sâu sắc liên quan đến Ukraine. Moskva cho rằng Liên Xô đã bị lừa dối trong vấn đề mở rộng NATO.  Căng thẳng leo thang giữa Nga-Ukraine hiện nay một phần là do phương Tây đã "lừa dối" Moskva về việc không mở rộng NATO hơn nữa.

Các nhà lãnh đạo Nga sau năm 1991 đã bày tỏ mối quan ngại nhiều lần về sự mở rộng của NATO, trong đó có cả các bức thư của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin gửi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào tháng 10/1993 và sau đó vào tháng 12/1994. Các đề xuất của Nga không chỉ giới hạn trong các tuyên bố chính trị. Ví dụ, năm 2009, Moskva đã đưa ra dự thảo Hiệp ước An ninh châu Âu có tính ràng buộc pháp lý. Nga đưa ra vấn đề này là vì trong quá khứ, tất cả những cam kết không chính thức về việc mở rộng NATO đã bị phá vỡ.

Tuy nhiên, một lập luận phổ biến của phương Tây phản đối dự thảo hiện tại của Nga là khó có thể đạt được một đảm bảo ràng buộc pháp lý như vậy, khi Điều 10 hiến chương Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định rằng các thành viên, theo quyết định nhất trí, có thể mời bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác tham gia.

Không có sự bảo đảm ràng buộc về mặt pháp lý của NATO, vậy những lựa chọn nào có thể khiến Nga hài lòng?

Nga đánh giá cao tình trạng trung lập mà một số quốc gia ở châu Âu duy trì. Thật vậy, sẽ rất khó để bác bỏ thực tế rằng, vị thế quốc tế của Phần Lan, Áo hay Thụy Sĩ sẽ thấp hơn nhiều nếu không nhờ chính sách trung lập của họ. Hơn nữa, có thể nói rằng an ninh của các quốc gia này còn cao hơn an ninh của một số nước thành viên NATO. Vì vậy, tại sao không xem xét một lựa chọn trung lập, chẳng hạn đối với Ukraine, Moldova hoặc Gruzia, được hỗ trợ bởi các hiệp ước quốc tế nhất định giống như trường hợp của Áo?

Một lựa chọn dự phòng khác sẽ là sự mở rộng của NATO đi kèm với các điều kiện đã được áp dụng cho Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây - tức là quân đội hoặc cơ sở hạ tầng quân sự của NATO không được triển khai trên lãnh thổ nước này.

Ngoài ra, một lựa chọn tiềm năng khác có thể là tạm hoãn tư cách thành viên mới, chẳng hạn trong 15-20 năm, điều này sẽ không làm suy yếu Điều 10 của hiến chương NATO. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã được 16 năm là một quốc gia ứng cử viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng không nước nào trong EU muốn Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành thành viên trong tương lai gần.

Về Ukraine, nhiều người cho rằng nước này yếu hơn nhiều so với Nga và không có khả năng phát động hay duy trì một cuộc tấn công quy mô lớn chống lại Nga. Tuy nhiên, Nga lo ngại hai vấn đề. Thứ nhất, không có gì đảm bảo rằng sớm hay muộn một nước thứ ba sẽ không quyết định bán hoặc triển khai ở Ukraine các hệ thống tấn công sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của Nga. Thứ hai, Ukraine có thể tấn công không phải Nga mà là khu vực Donbas, như cựu Tổng thống Poroshenko đã làm vào năm 2015, để tìm cách giải quyết vấn đề bằng các phương tiện quân sự, đồng thời lôi kéo NATO vào cuộc đối đầu quân sự với Nga.

Ngược lại, Nga chắc chắn sẽ không đồng ý hạn chế việc cơ động lực lượng quân sự trên lãnh thổ của mình. Đây sẽ là một vấn đề đối với Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) mới. Một câu hỏi khác là thế nào được coi là "gần biên giới Ukraine"? Hiện tại, việc triển khai hầu hết binh sĩ Nga, được các nguồn tin phương Tây mô tả là "ở gần", cách biên giới tối thiểu 200-300 km. Có nghĩa là quân đội Nga sẽ bị cấm tiếp cận biên giới của mình trong phạm vi gần 400-500 km?

Trong khi đó, ở phía bên kia biên giới có hơn 100 nghìn quân Ukraine đang tập trung gần khu vực Donbas. Một điều đáng lưu ý, các bản đồ mà phương tiện truyền thông phương Tây thường đăng tải là những địa điểm mà lực lượng quân sự Nga đóng quân hoặc triển khai trên lãnh thổ của Nga, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào về việc bố trí binh lực của Ukraine. Điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội Ukraine được lệnh tấn công Donbas, giống như Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili ra lệnh tấn công Tskhinval năm 2008? Rõ ràng là Moskva sẽ không bao giờ để Kiev chiếm Donbas bằng vũ lực, phá hủy toàn bộ nền tảng của tiến trình chính trị dựa trên các thỏa thuận Minsk-2 năm 2015, vốn đã trở thành một phần Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông Gromyko cho rằng, hiện tại có những tín hiệu trái ngược nhau đến từ mọi phía, có thể được hiểu theo nhiều cách. Một số người cho rằng ngoại giao là một sự lãng phí thời gian. Tuy nhiên, hầu hết các nhà hoạch định chính sách hàng đầu ở Moskva, Washington và các cường quốc ở châu Âu dường như muốn tham vấn và đối thoại hơn nữa, cả công khai và bí mật. Trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí ở châu Âu, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, Mỹ và NATO đã thông báo rằng họ sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với Nga.

Tình hình căng thẳng ở khu vực Baltic và khu vực Biển Đen cần phải giảm leo thang khẩn cấp và lâu dài. Các bên cũng nên đạt được một thỏa hiệp về vấn đề mở rộng NATO theo cách làm hài lòng cả hai phía, mặc dù mỗi bên phải có những nhượng bộ cần thiết. Tóm lại, các nhà ngoại giao phương Tây và Nga, cả dân sự và quân sự, cần thời gian để tiếp tục công việc của họ, điều này có tầm quan trọng sống còn, chuyên gia Gromyko kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại