Bị ung thư dạ dày nhưng từ chối phẫu thuật vì 'sợ': Bỏ lỡ giai đoạn vàng điều trị bệnh

Lê Liên |

Phát hiện ung thư dạ dày từ 3 năm trước, tuy nhiên bệnh nhân từ chối phẫu thuật vì 'sợ'. Đến khi có biến chứng nặng nề, bệnh nhân mới đi cấp cứu tại bệnh viện thì đã muộn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ chối phẫu thuật vì "sợ"

Phát hiện ung thư dạ dày năm 2019 sau một lần tình cờ đi khám bệnh, bà L.T.A (84 tuổi trú tại Bắc Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh) được bác sĩ tư vấn nhập viện điều trị. Tuy nhiên bà A đã từ chối phẫu thuật vì "sợ". Bà A về nhà tự điều trị bằng các bài thuốc nam. Chỉ đến khi bệnh ngày chuyển biến xấu, bà A mới đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) để điều trị trong tình trạng đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn, gầy yếu, sụt cân.

Bà A được chẩn đoán ung thư dạ dày lan rộng biến chứng hẹp môn vị trên cùng với tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường. Bà A đã được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt ¾ dạ dày, kèm theo vét hạch.

Theo bác sĩ khoa Phẫu trị - Xạ trị và Y học hạt nhân Bệnh viện, nếu bà A nhập viện ngay sau khi phát hiện bệnh thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn và khả năng tiến triển, phục hồi, tiên lượng tốt hơn. Nhưng bà A lại từ chối điều trị. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng hơn và di căn, bà A mới nhập viện điều trị thì tuổi đã rất cao (84 tuổi) cùng nhiều bệnh lý nền. Việc này đặt ra thách thức với các bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật để thời gian phẫu thuật phải thực hiện nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh đó là khả năng tiến triển, hồi phục sau phẫu thuật cũng rất khó khăn.

Ung thư dạ dày là một bệnh hay gặp ở người trên 50 tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu, hàng năm, trên toàn thế giới có khoảng trên 1 triệu người mắc ung thư dạ dày và 796.000 người chết vì căn bệnh này. Về số ca mắc, ở nam giới, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 4 sau ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư đại tràng. Ở nữ giới, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 7 sau ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp, ung thư thân tử cung và ung thư cổ tử cung.

Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 ở cả nam và nữ sau ung thư gan và ung thư phổi. Ung thư dạ dày gây tử vong nhiều là do bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn không còn sớm. Tại các nước Phương Tây, mặc dù y học tiến bộ nhưng 80% bệnh nhân ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật hoặc còn khả năng phẫu thuật nhưng lại tái phát trong vòng 5 năm, vì thế mà tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 5 - 10% số trường hợp.

Bị ung thư dạ dày nhưng từ chối phẫu thuật vì sợ: Bỏ lỡ giai đoạn vàng điều trị bệnh - Ảnh 1.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân A. Ảnh: BVCC.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư có yếu tố di truyền, tuy nhiên với tỷ lệ nhỏ. Một số yếu tố khác dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm bệnh nhân bị viêm teo niêm mạc dạ dày, polyp dạ dày, viêm loét dạ dày có nhiễm vi khuẩn HP…

Hiện nay, do áp lực công việc và cuộc sống, nhiều người thường xuyên bị căng thẳng. Bên cạnh đó, chế độ ăn quá cay, ăn nhiều thịt nướng, thịt ướp muối, thực phẩm có chứa chất bảo quản không cho phép, thừa cân, béo phì… cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày.

TS Đặng Quốc Ái, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết: "Hiện nay, việc chẩn đoán ung thư dạ dày không khó, đơn giản là nội soi dạ dày và sinh thiết tổn thương. Song hầu hết người bệnh ung thư dạ dày đến viện trong giai đoạn muộn, đã có biến chứng, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn".

TS Quốc Ái cho hay việc phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm là yếu tố quyết định hiệu quả điều trị. Ở giai đoạn sớm, bác sĩ có nhiều phương pháp điều trị, bệnh nhân có thể chỉ cần nội soi, cắt hớt niêm mạc dạ dày.

Với các giai đoạn sau, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày hoặc toàn bộ, vét hạch (phẫu thuật triệt căn). Sau phẫu thuật, tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, bệnh nhân có thể được xạ hoặc hoá trị.

Với những bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật triệt căn, chỉ có thể phẫu thuật điều trị triệu chứng và chăm sóc giảm nhẹ, kết quả điều trị ít khả quan.

Nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư

Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo người dân để phát hiện sớm ung thư dạ dày thì cần tiến hành khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần. Ung thư dạ dày không có triệu chứng đặc hiệu nên khi có các dấu hiệu bất thường như đầy hơi chướng bụng, đau bụng, ợ hơi, ợ chua, nôn ra thức ăn, đại tiện phân đen, gầy sút cân không rõ nguyên nhân... cần đến các cơ sở y tế thăm khám để nhận được tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá hoặc ung bướu.

Bên cạnh đó người bệnh cần tin tưởng và thực hiện theo phác đồ điều trị ung thư của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc nam, hay sử dụng sản phẩm chức năng… là phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng về tác dụng điều trị ung thư. Việc chẩn đoán muộn khiến người bệnh bỏ lỡ "giai đoạn vàng" của điều trị. Điều trị muộn có thể tốn kém kinh tế hơn, tiên lượng kém hơn và nhiều khi sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại