Bầu Đức vs Hoàng Anh Tuấn: Đừng để đám trẻ nó cười cho

Hà Quang Minh |

Ngay sau khi U20 Việt Nam phải rời U20 World Cup, bầu Đức lên tiếng chê bai HLV Hoàng Anh Tuấn. Ông Tuấn "con" tất nhiên chẳng ngồi im chịu đừng và thế là tấn "hài kịch" bắt đầu.

Từ ngày mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số trở thành một thế lực dẫn dắt dư luận, tạo ra các tranh cãi trong cộng đồng, phải thừa nhận đôi khi mọi thứ giống như một cái chợ.

Một ông Phó Chủ tịch quận đi dẹp vỉa hè cũng gây cãi nhau trên khắp các diễn đàn. Một thắng thua của trận bóng đá quốc tế ở xứ nảo xứ nào cũng tạo các "cuộc chiến bàn phím". Trong cái hỗn độn ấy, chuyện U20 và Hoàng Anh Tuấn thất bại ở VCK U20 World Cup trở thành "mồi" để dư luận "nhậu" cũng là quá bình thường.

Chúng ta không thể ngăn cản trào lưu của đám đông, vì bản chất đám đông là vô danh. Khi người ta gạt bỏ định danh của mình để nhân danh số đông, đó là khi người ta có thể sẽ bàn cãi mà chẳng cần đến lý lẽ.

Với nhiều người trong chúng ta, lý lẽ là đa số, lý lẽ là kẻ nào mạnh hơn kẻ ấy nắm chân lý. Tất nhiên, khen hay chê là quyền cá nhân của riêng mỗi người nhưng thực sự, không ít người đã lạm quyền ấy một cách quá mức.

Nhưng khi những người có danh phận, có địa vị dùng cái chính danh của mình, không nhân danh đám đông, nhưng lại lợi dụng vào sự ủng hộ của đám đông, để buông lời khen – chê một cách thiếu hợp lý, thậm chí bất chấp lý lẽ, thì chúng ta cần phải suy nghĩ lại.

Bầu Đức vs Hoàng Anh Tuấn: Đừng để đám trẻ nó cười cho - Ảnh 1.

Chuyện bầu Đức chê Hoàng Anh Tuấn là một điển hình tiêu biểu. Đúng là ở cương vị một người yêu bóng đá Việt, đặc biệt là bóng đá trẻ (tạm cho là vậy đi), khi nhìn thấy U20 Việt Nam không ghi nổi bàn thắng nào ở hai trận cầu mà lẽ ra họ có thể có bàn thắng, thậm chí là có 3 điểm (trận gặp New Zealand và Honduras), sự tiếc nuối có thể khiến chúng ta bật ra lời chê.

Cái chê của ông Đoàn Nguyên Đức, vì thế, cũng bình thường thôi. Nó không khác gì chúng ta xem xong một trận Man United hay Arsenal đá, và chúng ta chê cầu thủ của họ quá dở khi bỏ lỡ cơ hội mười mươi. Cái chê ấy dễ được lắng nghe và dễ được chấp nhận bởi người nghe.

Nhưng U20 Việt Nam thì lại khác. Đó là một đội bóng tâm điểm mà ai cũng theo dõi thời gian qua. Và vì thế, việc ông Đức chê Hoàng Anh Tuấn, vốn dĩ đang là thần tượng của nhiều người, tất yếu sẽ tạo nên một trường sóng gió ồn ào qua những ngón tay gõ bàn phím.

Và Hoàng Anh Tuấn cũng phản ứng lại, trong một bài phỏng vấn, trên báo Công An Nhân Dân. Hoàng Anh Tuấn nói:

"Ở VFF bây giờ, một ông Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông thì không được nói, một ông Phó Chủ tịch phụ trách tài trợ thì mấy năm trời gần như không tìm được bản hợp đồng nào - vậy ngồi vào đấy để làm gì?" và nó không khó để chúng ta hiểu mũi dùi chĩa vào ai.

Bầu Đức vs Hoàng Anh Tuấn: Đừng để đám trẻ nó cười cho - Ảnh 2.

Thực tế, ở cương vị một HLV đầu tiên đưa tuyển U20 Việt Nam đoạt vé tham dự VCK World Cup, khi nhận lời chê vỗ mặt theo kiểu đại ý "chả làm được trò trống gì", Hoàng Anh Tuấn hoàn toàn có quyền bực bội và phản ứng.

Hoàng Anh Tuấn cũng là con người, mà con người thì phải có cảm xúc. Chúng ta không có quyền cấm, hoặc chỉ trích cảm xúc của một người khi họ nhận thấy những việc mình làm không được ghi nhận bởi người có chức trách trực tiếp, mà thay vào đó chỉ là những lời nói đầy tổn thương.

Cái chuỗi tranh đi, cãi lại ấy sẽ khó mà dứt, nếu một bên không biết nhún mình lại. Nó thành ân oán rồi mà. Đã là ân oán, con người ta lúc nào cũng mong trả cho sòng phẳng, dù thực tế, không bao giờ trả được sòng phẳng bởi hành vi kéo theo hành vi thành một cái chuỗi vô tận.

Giữa bầu Đức và Hoàng Anh Tuấn, sẽ chỉ cần một sự kiện nào phát sinh thành cái cớ thôi, chắc chắn họ sẽ lại lao vào cuộc tranh cãi, chỉ trích vốn chỉ bị bỏ dở, trì hoãn thôi chứ không phải đã được hóa giải hoàn toàn.

Sau ngày U20 về nước, lần đầu tiên tôi có dịp được nói chuyện điện thoại, qua video phone với Quang Hải. Tôi tiếc cho Hải vì cú dứt điểm đẹp ở trận Honduras lại đen đủi không thành bàn. Hải nói, rất tếu táo:

"Thiếu ít nước béo anh ạ. Thầy Chiến bảo em, thầy linh cảm hôm nay có bàn, dứt điểm mu lai má ngoài. Hơi thiếu tí mu lai má ngoài, không thì ăn bàn rồi". Câu nói đùa ấy, cùng nụ cười trẻ trung của cậu khiến tôi tin Hải còn hồn nhiên lắm, dù trên sân, nhiều người đều nói Hải thuộc loại "dị".

Bầu Đức vs Hoàng Anh Tuấn: Đừng để đám trẻ nó cười cho - Ảnh 3.

Hãy để những cầu thủ như Quang Hải được tin vào bậc cha chú như HLV Hoàng Anh Tuấn và ông Đoàn Nguyên Đức.

Những cầu thủ như Hải, mới trải qua một giải đấu lớn, mới được tham dự một cuộc tập huấn với điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất, có thể nói là "xịn" nhất trong đời cầu thủ của họ tính cho tới nay. Bao giờ họ sẽ lại có một cơ hội như thế nữa? Khó nói lắm. Và bao giờ mới có một lứa trẻ kế cận họ được trải qua những ấn tượng tương xứng như thế đây? Cũng khó nói lắm.

Bầu Đức vs Hoàng Anh Tuấn: Đừng để đám trẻ nó cười cho - Ảnh 4.

Sau U20 là gì? Sau U20 chính là lúc phải đi trả lời những câu hỏi khó ở trên. Làm cách nào để các lứa đội tuyển Việt Nam được tập huấn trong những điều kiện chuyên nghiệp như U20 đã có ở Đức nhưng là ngay tại quê nhà mình?

Đó mới là một trong những việc cần làm, chứ không phải chuyện mổ xẻ một nỗi "tiếc" rồi cãi nhau như mổ bò.

Các cầu thủ chỉ biết tin vào những quan chức bóng đá, những HLV mà thôi. Họ tin rằng những người ấy sẽ lo cho họ, để họ có thể tốt lên, mạnh hơn, yên tâm hoàn toàn khi theo nghiệp quần đùi áo số.

Nhưng nếu những người hữu trách ấy, thay vì làm việc, lại chỉ nói và nói, cãi và cãi, chắc chắn, lực lượng cầu thủ sẽ ngày một mất lòng tin. Mà khi cầu thủ còn mất lòng tin vào nền bóng đá thì mong chi người hâm mộ sẽ tin?

Thế nên, bầu Đức ơi, Hoàng Anh Tuấn ơi, quay lại với công việc đi. Mình là bậc cha chú của những cầu thủ trẻ, mình là hình ảnh tiêu biểu cho nền bóng đá chuyên nghiệp mà các cầu thủ trẻ hướng tới. Đừng cãi vã kiểu ấy nữa, kẻo bọn nhỏ nó cười cho. Mất hết cả "sang trọng"…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại