Binh sĩ Mỹ không phải là mục tiêu của tên lửa Iran
Bình luận trên CNN, cây bút Nick Paton Walsh nhận định, cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhắm vào hai căn cứ không quân Al Asad và Erbil của Quân đội Mỹ ở Iraq vào rạng sáng ngày 8/1 được "thiết kế" để gây ra các thiệt hại ở mức tối thiểu, trong tầm kiểm soát và không hướng đến mục tiêu khiến binh sĩ Mỹ thương vong, bởi Tehran không muốn leo thang chiến tranh.
Về cơ bản người Iran thừa biết rằng, vào đầu giờ sáng, các binh sĩ Mỹ vẫn chưa ngủ dậy, hoạt động trong các căn cứ cũng không quá nhộn nhịp vào buổi sáng. Nếu tấn công vào thời điểm này sẽ không mang lại hiệu quả về mặt chiến thuật.
Fateh-313 tên lửa đạn đạo được Iran sử dụng để tấn công các căn cứ Mỹ vào rạng sáng nay 8/1. Ảnh: tapatalk.
Không những thế Tehran cũng hiểu nếu tấn công họ phải đối mặt với lực lượng phòng không mạnh của Mỹ tại hai căn cứ trên, một khi tên lửa đạn đạo Fateh-313 phải đối đầu với hệ thống phòng Patriot, phần thắng chưa chắc thuộc về Iran.
Do đó các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào rạng sáng nay sẽ không thể giúp Tehran hoàn thành mục tiêu gây thương vong cho người Mỹ, như một số tướng lĩnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ((IRGC) từng tuyên bố trước đó.
Tuy nhiên, đối với giới lãnh đạo Iran mà nói cuộc tấn công trên có ý nghĩa hết sức quan trọng bất kể nó có khiến người Mỹ chịu thiệt hại hay không, bởi sau cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani - Tehran cần cho thế giới cũng như chính người dân của nước này thấy họ không yếu đuối và càng không dễ bị bắt nạt.
Mặt khác mệnh lệnh trả thù cho tướng Soleimani đã được nói ra từ miệng Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei thì càng không thể rút lại, hay nói cho qua chuyện.
Lãnh tụ tối cao Khamenei và các tướng lĩnh IRGC thừa khôn ngoan để hiểu họ không có cơ hội dành chiến thắng trong một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ, do đó một cuộc tấn công bằng tên lửa không gây ra quá nhiều thiệt hại được xem là cách tốt nhất để Tehran giữ thể diện cho mình.
Iran đang âm mưu gì đằng sau vụ tấn công căn cứ Mỹ?
Việc Iran hạn chế tối đa các nguy cơ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ có thể thấy rõ qua báo cáo sơ bộ về thiệt hại của hai căn cứ Al Asad và Erbil sau vụ tấn công, thậm chí phía Mỹ còn chưa ghi nhận được trường hợp thiệt hại về người nào.
Về phần Iran, họ tuyên bố kết thúc các hoạt động quân sự chống lại Mỹ và đã trả thù cho tướng Soleimani, nhưng cũng không quên nhắc khéo nếu Mỹ đáp trả lại họ sẽ đi đến cùng và không ngại chiến tranh. Dựa trên những gì mà Tehran đã làm kế hoạch trả thù của họ nghe chừng có vẻ quá khiêm tốn.
Dù tuyên bố khá hùng hồn thế nhưng kế hoạch trả thù cho tướng Soleimani lại diễn ra khá khiêm tốn. Ảnh: France 24.
Để giải thích cho hành động này của Iran, cây bút Nick Paton Walsh đưa ra 3 nhận định sau:
Đầu tiên, Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei không hiểu rõ quân đội của mình và đánh giá quá cao khả năng của IRGC, và cuộc tấn công trả thù không diễn ra như mong muốn. Điều này về cơ bản khó có thể xảy ra bởi năng lực quân sự của Iran đã được chứng minh quá nhiều lần và họ hoàn toàn có thể khiến Mỹ phải chịu tổn thất nặng bằng một cuộc tấn công bằng tên lửa.
Thứ hai, Iran cố tình kiểm soát thiệt hại của Mỹ trong vụ tấn công khi lựa chọn các mục tiêu cũng như thời gian không phù hợp. Số lượng tên lửa được Iran sử dụng để tấn công cũng không quá nhiều (15 tên lửa), thiệt hại chúng gây ra sẽ không đáng kể.
Một cuộc tấn công như trên đối với Mỹ về cơ bản chấp nhận được cũng như không vượt qua lằn ranh đỏ mà hai bên đã ngầm vạch ra. Nhận định này khá hợp lý vì cả Mỹ và Iran đều không muốn leo thang chiến tranh hay đối đầu quân sự trực tiếp.
Thứ ba, đây có thể là một nỗ lực của Iran khiến Mỹ cảm thấy bản thân an toàn, từ đó đánh giá sai năng lực của Tehran. Lợi dụng sự mất đề phòng của Mỹ, Iran sẽ tung ra đòn tấn công mạnh nhất vào một thời điểm khác.
Để làm được điều này đòi hỏi Iran phải đảm bảo cuộc tấn công rạng sáng 8/1 không gây ra thiệt hại nào quá lớn cho Mỹ. Ngược lại nếu cuộc tấn công khiến Mỹ tổn thất nặng nề sẽ khiến toàn bộ kế hoạch của Iran đổ vỡ, thậm chí còn đẩy nước này vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ.
Theo cây bút Nick Paton Walsh, phản ứng của Tehran đối với cái chết của tướng Soleimani luôn là điều khó dự đoán và chẳng ai có thể lường trước được cuộc đối đầu này sẽ đi đến đâu sau vụ tên lửa Iran tấn công căn cứ Mỹ ở Iraq rạng sáng 8/1.
Truyền thông Mỹ đưa tin về vụ Iran tấn công tên lửa vào các căn cứ Mỹ ở Iraq.