Bạo hành y tế ở Việt Nam dưới góc nhìn của GS gốc Việt đang công tác tại Úc

GS Nguyễn Tuấn (Đại học New South Wales - Australia) |

GS Nguyễn Văn Tuấn - ĐH New South Wales (Australia) cho rằng giải pháp nhờ công an hỗ trợ, lập bốt công an trong bệnh viện để chống bạo hành y tế của Bộ Y tế là điều không thể.

Bức tranh bạo hành y tế trên thế giới như nào?

Tình trạng bạo hành nhân viên y tế ở Việt Nam đang là vấn đề thời sự. Nhưng tôi ngạc nhiên hai điều về cách nhận thức vấn đề và giải pháp.

Nhiều người, ngay cả trong giới y tế, nghĩ rằng tình trạng nhân viên y tế bị hành hung chỉ xảy ra ở VN, nơi y đức cũng là một vấn đề. Giải pháp mà người ta đề nghị là đặt bốt công an trước bệnh viện. Tôi nghĩ cần phải xem xét và bàn lại cả hai điều này.

Trước hết là khái niệm bạo hành y tế. Trong môi trường lao động, người ta có khái niệm "workplace violence" (thậm chí thành thuật ngữ viết tắt là WPV) để chỉ tình trạng nhân viên bị bạo hành.

Giới nghiên cứu chia bạo hành y tế thành hai nhóm: đỏ và đen. Bạo hành đỏ là dùng ngôn từ (kể cả điện thoại, email và truyền thông xã hội) để nhục mạ, xúc phạm nhân viên y tế.

Bạo hành đen là đe doạ bằng hung khí với mục tiêu gây thương tích. Hung khí ở đây bao gồm súng, dao, kéo, ống chích, v.v.

Khoảng 30% ca bạo hành thuộc nhóm bạo hành đen. Do đó, khi nói "bạo hành y tế" tôi đề cập đến hai loại bạo hành trên.

Bạo hành y tế ở Việt Nam dưới góc nhìn của GS gốc Việt đang công tác tại Úc - Ảnh 1.

14 vụ hành hung nhân viên y tế ở toàn quốc trong hai năm là con số sai.

Báo VNexpress cho biết trong hai năm 2013-2014 "đã có 14 vụ hành hung nhân viên y tế tại các bệnh viện trong cả nước, thậm chí dẫn đến tử vong". Tôi cho rằng đó là một con số sai. Sai nghiêm trọng.

Bạo hành nhân viên y tế rất phổ biến (đặc biệt trong khu cấp cứu), và không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn khá phổ biến ở các nước tiên tiến.

Ở Trung Quốc, Australia, Mỹ, gần 70% y tá và bác sĩ bị ít nhất một lần bạo hành. Ở Mỹ, số ca bạo hành y tế lên đến 5 triệu mỗi năm. Ở Trung Quốc, người ta ước tính rằng số ca bạo hành đen tính quân bình trên mỗi bệnh viện là khoảng 30.

Chỉ riêng bang Nam Australia, mỗi năm đã xảy ra hàng ngàn trường hợp bạo hành y tế. Tôi nghĩ nếu được làm nghiên cứu đàng hoàng thì số ca bạo hành y tế ở Việt Nam sẽ cao gấp trăm lần con số 14.

Nguy cơ nhân viên y tế bị bạo hành còn cao hơn cả nguy cơ ở cảnh sát và những người quản giáo tại trại tạm giam.

Ở Australia, đã có trường hợp bạo hành làm cho y tá tử vong. Một trường hợp khác, bọn côn đồ bắt cóc y tá vào rừng và hành hung và hãm hiếp. Còn bạo hành đỏ thì nhiều vô số kể.

Do đó, ở Australia và Mỹ, bệnh viện được xếp vào nhóm môi trường lao động nguy hiểm nhất, nguy hiểm hơn cả nhà tù.

Không thể đặt bốt công an ở trước bệnh viện

Vấn đề ở Việt Nam là thiếu nghiên cứu khoa học. Hầu như bất cứ vấn đề gì, người ta chỉ phản ảnh trên báo chí, đề nghị "cấp trên" giải quyết, và cấp trên lại đưa ra quyết định kiến nghị cấp cao hơn nữa.

Mà, cấp trên và cấp trên trên chỉ ra chỉ thị "làm rõ" bằng miệng hay bằng giấy, chứ chẳng giải quyết gì cả. Đáng lí ra trước tình trạng này, giới y tế phải nghiên cứu cho có hệ thống, tìm ra nguyên nhân, thủ phạm là ai, nạn nhân là ai, yếu tố liên quan là gì... Phải có những chứng cứ khoa học này thì mới bàn đến giải pháp.

Ở nước ngoài, người ta làm nghiên cứu và qua những nghiên cứu, chúng ta có những thông tin có ích cho việc phòng chống bạo hành y tế.

Tìm giải pháp để phòng chống và ngăn ngừa bạo hành y tế là vấn đề khó khăn. Rất khó. Ngay cả ở các nước tiên tiến như Mỹ, tuy đã có nhiều giải pháp đề ra, nhưng trong thực tế thì chính giới y bác sĩ ít tham gia.

Bạo hành y tế ở Việt Nam dưới góc nhìn của GS gốc Việt đang công tác tại Úc - Ảnh 3.

GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales - Australia.

Những giải pháp này bao gồm đề ra chính sách "Zero tolerance", huấn luyện, xây phòng trú ẩn, triển khai hệ thống báo động, cách li bệnh nhân và thân nhân nguy hiểm.

Một số bệnh viện còn đặt máy rà soát (như loại dùng ở phi trường) để phòng ngừa người đem hung khí vào bệnh viện. Tôi nghĩ những giải pháp này có thể thực hiện ở Việt Nam.

Không bao giờ có và cũng chẳng ai nghĩ đến ý tưởng đặt bốt công an trước bệnh viện! Giải pháp đặt bốt công an ở bệnh viện không phải là giải pháp văn minh, vì nó phản ảnh suy nghĩ bạo động.

Tôi nghĩ vấn đề bạo hành y tế ở Việt Nam cần phải có nghiên cứu khoa học. Không cần đến "dự án cấp nhà nước" mà chỉ cần bệnh viện chủ động cho phép là có thể làm và làm ngay.

Bác sĩ luyện võ chống bạo hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại