Admin trang Chống bạo hành y tế: "Cán bộ y tế cần được đảm bảo an toàn khi hành nghề"

BBT |

Nếu bạn làm trong ngành Y mà dung túng, thờ ơ thì nạn bạo hành là mồi lửa đốt cháy tính nhân văn ở môi trường y tế. Điều này thì cũng khiến cho bệnh nhân hứng chịu hậu quả nhiều.

Hỏi: Thưa bà Thu Hà, là admin trang Chống bạo hành y tế, bà có đề xuất giải pháp đồng bộ nào để hạn chế tình trạng bạo hành đang gia tăng tại các bệnh viện không? 

Admin trang Chống bạo hành y tế: Cán bộ y tế cần được đảm bảo an toàn khi hành nghề - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Văn Sơn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), bị đánh rách giác mạc hồi tháng 10/2017.

BS Nguyễn Thu Hà: Tôi mong muốn Quốc hội ban hành Luật phòng chống bạo hành nhân viên y tế nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho các cơ sở y tế. Ngoài ra, những sai phạm của cán bộ y tế, nếu có sẽ bị xử lý kỹ thuật ở các mức độ khác nhau, thậm chí buộc thôi việc.

Trên hết là cán bộ y tế cần được đảm bảo an toàn trong khi hành nghề, mọi sự xâm phạm, bạo hành về mọi lời nói hay vũ lực cần phải được lên án, tẩy chay và xử lý bằng những việc làm cụ thể hơn.

Đặc biệt, hình phạt cho tội bạo hành trong môi trường y tế cần được tăng lên, có tòa án phân xử rõ ràng. Phía nhân viên y tế được nghề nghiệp bảo vệ, phía bệnh nhân thì luật sư có đào tạo y khoa phân xử. Tăng bảo hiểm nghề y cho nhân viên y tế, thêm ngành luật y tế trong trường luật.

Tăng chi phí y tế lên tới mức thực tế, tránh quá tải và bảo đảm nguồn thu cho các bệnh viện vận hành, tự chủ tài chính. Tạo điều kiện cho bệnh viện tư nhân phát triển. Đảm bảo đời sống cho nhân viên y tế. Đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, giảm chờ đợi. Tăng chất lượng khám chữa bệnh.

Minh bạch thông tin cho bệnh nhân, người nhà. Gỡ bỏ rào cản gây chênh lệch năng lực chuyên môn giữa tuyến bệnh viện trung ương và cơ sở để bệnh nhân, bác sĩ không đổ về bệnh viện lớn, giảm quá tải.

Hỏi: Tôi có theo dõi chuyện đôi co giữa bảo hiểm và y tế về chuyện chụp X-quang cái chân. Chụp phim nhiều lần thì hình như phía bảo hiểm không quyết định chuyên môn nhưng lại được quyết định chi phí, dẫn đến "trói chân trói tay" bác sĩ khi chỉ định chuyên môn?

Chuyện này có phổ biến không? Quyền lợi của người bệnh có bị ảnh hưởng không khi 2 bên bảo hiểm và y tế không có tiếng nói chung?

BS Nguyễn Thu Hà: Thẳng thắn một điều là các bác sĩ đang bị "trói chân trói tay". Bảo hiểm y tế gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân như bạn nói.

Một cán bộ của bảo hiểm y tế đã nói: "Cái cổ chân và bàn chân có cách nhau bao xa mà các bác sĩ chụp tận 2 phim".

Câu trả lời đó đã làm cho các bác sĩ bị "trói chân trói tay". Vì cổ chân, bàn chân chụp ở 2 tư thế khác nhau. Cổ chân thì chụp thẳng nghiêng, còn bàn chân chụp thẳng chếch. Ngoài ra, xương gót dù ở bàn chân nhưng cũng chụp bằng tư thế khác. Bảo hiểm y tế nói vậy khác nào nói bác sĩ vẽ ra để ăn tiền. Điều này vô tình làm ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, thậm chí cản trở, không chẩn đoán được đúng tổn thương.

Hỏi: Tôi có trao đổi với một số bác sĩ thì được biết, thực chất mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ chỉ là mối quan hệ chuyên môn. Còn vấn đề chi phí chữa bệnh là do bảo hiểm xã hội quyết định. Nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân bức xúc với về chuyện chưa chữa bệnh đã đòi tiền (tạm ứng).

Bảo hiểm xã hội đóng vai trò gì mà lại bắt bác sĩ đi thu tiền trong khi lẽ ra họ chỉ phải làm việc chuyên môn thôi dẫn đến bệnh nhân bức xúc oan cho bác sĩ?

BS Nguyễn Thu Hà: Tôi phản đối sự độc quyền của bảo hiểm y tế trong quy định trần đơn thuốc, các dịch vụ cận lâm sàng. Bảo hiểm y tế không liên quan đến ngành y, nhưng vì có chữ y tế phía sau nên người bệnh hiểu sai. Tưởng bảo hiểm y tế là của y tế ban ra.

Tôi đề xuất cán bộ bảo hiểm tự thanh toán quyền lợi với người bệnh (người tham gia bảo hiểm). Nhân viên y tế chỉ là cầu nối trong việc chỉ định, điều trị, theo dõi, chăm sóc và kê đơn. Bảo hiểm không có quyền khống chế, bắt bác sĩ thay thuốc theo danh mục do trần bảo hiểm y tế quy định.

Không cho nhân viên bảo hiểm mặc áo blouse giống như nhân viên bệnh viện. Đổi tên bảo hiểm y tế là bảo hiểm ốm đau (hoặc tên khác) nhưng không nên 2 chữ "y tế" phía sau chữ "bảo hiểm" gây hiểu lầm cho người dân. Bảo hiểm tự ứng tiền để điều trị cho bệnh nhân.

Hiện tại, bệnh viện đang bỏ tiền túi điều trị trước cho bệnh nhân, nhưng trong quá trình quyết toán mà vô tình sai phạm từ lỗi chính tả đơn thuốc, chỉ định không đúng, không sát bệnh… thì sẽ bị dừng lại. Không xuất toán. Có những bệnh viện không xuất toán đến cả chục tỷ. Tình trạng bây giờ khiến các bệnh viện đang tự bỏ tiền túi ra, làm việc không công cho bảo hiểm y tế.

Hỏi: Thưa bác sĩ, thẳng thắn mà nói, bác sĩ đã bao giờ chứng kiến trường hợp người thầy thuốc quấy nhiễu, "hành" bệnh nhân chưa?

Theo bác sĩ, những trường hợp như vậy có phổ biến không và có phải nguyên nhân chính gây ra sự bức xúc, mất cảm tình của bệnh nhân với nhân viên y tế? Trong trường hợp như vậy bệnh nhân nên xử sự ra sao để tránh sự nổi nóng dẫn đến bạo hành?

Admin trang Chống bạo hành y tế: Cán bộ y tế cần được đảm bảo an toàn khi hành nghề - Ảnh 2.

BS Nguyễn Thu Hà: Có đôi lần tôi chứng kiến đồng nghiệp nhận phong bì bệnh nhân. Và khi không được đáp ứng nhu cầu, bệnh nhân lại nổi nóng, làm loạn lên. Lúc đó tôi phải nhờ một bạn bên chăm sóc tư vấn y tế mời bệnh nhân đó vào phòng riêng để hỏi thăm và dịu cơn giận.

Nếu để người ta phản ứng trong khu vực khám bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý đến những bệnh nhân khác.

Song song đó, tôi cũng gọi điện cho đồng nghiệp vào phòng để nói chuyện với bệnh nhân. Tôi đã làm trung gian để giải quyết khúc mắc của đôi bên. Sau đó sự việc đã được giải quyết.

Nói chung tùy trường hợp chúng ta sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Riêng trường hợp trên, tôi cũng nói với hai người là nếu cả hai không giải quyết, tôi sẽ báo cáo cho cấp lãnh đạo của bệnh viện để xử lý. Bản thân chỗ tôi làm việc cũng đã có một bác sĩ phải nghỉ việc do gợi ý thu thêm tiền của bệnh nhân để bỏ túi.

Xem thêm:

Vì đâu bác sĩ bị bệnh nhân bạo hành?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại