Trong đầu bạn, đâu đó khoảng giữa đôi mắt có một vùng não vô cùng nhỏ. Nó chỉ chứa khoảng 20.000 tế bào (trong tổng số... 100 tỉ của cả não bộ). Tuy nhiên, nhỏ mà "có võ", vì vùng não này có thể can thiệp đến gần như... mọi thứ trong cơ thể: hormone, vận hành nội tạng, xử lý nhận thức, và cả chu kỳ ngủ.
Bộ phận ấy là nhân trên chéo - SCN (suprachiasmatic nucleus), nhưng với người bình thường, chúng ta biết đến nó bằng một cái tên khác: đồng hồ sinh học.
Trong một cuốn sách của mình, giáo sư Till Roenneberg từ Viện tâm lý Y học thuộc ĐH Ludwig Maximilians (Munich, Đức) đã trình bày một khám phá về chiếc đồng hồ này. Theo đó, đồng hồ sinh học của cơ thể có liên hệ mật thiết với ánh sáng từ Mặt trời.
Roenneberg đã thử nghiệm điều này bằng cách giam một số người trong hầm tối, không một chút ánh sáng. Kết quả cho thấy, đồng hồ sinh học của họ dần thay đổi: họ tưởng tượng một ngày dài hơn, thức lâu hơn, và ngủ cũng lâu hơn.
Tuy nhiên, một điều thú vị là những người mù cũng gặp phải hiện tượng này nếu nhốt họ trong bóng tối, vì dù không nhìn thấy gì, nhãn cầu vẫn gửi thông tin về ánh sáng đến cho não bộ. Chỉ khi nạn nhân không còn mắt nữa, khái niệm về thời gian của họ mới mất đi mà thôi.
Đồng hồ sinh học và đồng hồ xã hội
Ta hiểu rằng mỗi người đều có một chiếc đồng hồ sinh học, và nó vận hành theo ánh sáng Mặt trời. Nhưng Roenneberg chỉ ra một thực tế ở thế giới hiện đại, chúng ta còn một chiếc đồng hồ khác phải tuân theo.
Nó được đeo trên tay, gắn trên tường, đặt trên điện thoại... hay rất nhiều vật dụng khác và quyết định thời gian chúng ta phải thức dậy, di chuyển, làm việc.
Chúng ta thức dậy và làm việc theo cái gọi là "đồng hồ xã hội"
Đó là chiếc đồng hồ xã hội - theo cách gọi của Roenneberg, và dường như chiến thắng trong trận chiến giữa 2 loại đang thuộc về nó. Nhưng quan trọng hơn, Roenneberg cảnh báo rằng việc cả thế giới phụ thuộc vào chiếc đồng hồ xã hội đang khiến nhân loại gặp nguy hiểm.
Có lẽ bạn đã từng nghe đến thuật ngữ "jet lag" - ám chỉ việc cơ thể mỏi mệt do chênh lệch múi giờ sau các chuyến bay dài.
Và với Roenneberg, con người mỗi ngày đều phải đối mặt với sự chênh lệch tương tự, giữa đồng hồ xã hội và những gì cơ thể thực sự mong muốn. Ông gọi đó là "social jet lag" (tạm dịch là chênh lệch xã hội).
Với social jet lag, bạn luôn sống một cuộc đời "lệch múi giờ", và kèm theo đó là nhiều hệ lụy xấu.
Nạn nhân của "social jet lag" có xu hướng hút thuốc nhiều hơn, rượu bia nhiều hơn, và luôn khao khát caffeine. Đồng thời, cơ thể họ có nguy cơ mất cân bằng hormone cao, cảm xúc dễ thay đổi, và khó tập trung hơn. Đó là chưa tính đến nguy cơ béo phì.
"Nếu bạn đang hơi thừa cân, có thể đó là do việc sống trái với đồng hồ sinh học gây ra." - Roenneberg cho biết. Và thực tế thì "2/3 dân số đang thức dậy ở giữa chu kỳ ngủ thực sự của con người."
Cách thế giới ngày nay vận động đang khiến nhiều người trong chúng ta phải thức rất muộn, và đương nhiên đây là điều không hề tốt. Chiếc đồng hồ trong não muốn bạn ngủ muộn, dậy muộn, nhưng đồng hồ xã hội không cho phép điều đó.
Tùy theo tính chất của công việc, bạn buộc phải có mặt ở nơi làm việc trước 8h, tức là thức dậy và chuẩn bị sẵn sàng ngay từ 6h sáng. Hệ quả, múi giờ thực sự của bạn bị lệch đi.
Theo Roenneberg, chúng ta đang chứng kiến jet lag diễn ra mỗi ngày mà chẳng cần phải đi đâu xa. Ngay từ thời điểm thức dậy, múi giờ của bạn đã bị lệch. Và thế là jet lag cứ tiếp diễn, từ nhà đến nơi làm việc, và nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế.
"Đồng hồ xã hội yêu cầu phải thật năng suất, đồng hồ sinh học thì vẫn đang tìm kiếm chăn ấm nệm êm, còn chúng ta buộc phải tìm kiếm sự cân bằng giữa chúng."
Hậu quả xấu từ việc chênh lệch múi giờ
Trong Internal Time - một cuốn sách khác của Roenneberg, ông có đề cập đến hậu quả xảy ra khi múi giờ của bạn không tương thích với cơ thể.
Đầu tiên là mệt mỏi, rồi giảm đi khả năng tập trung, khả năng nhận thức, và cả các kỹ năng vận động. Kế đó là hormone tiêu hóa bị lệch đi, rồi nội tạng hoạt động thiếu đồng bộ, dẫn đến chuyện cả hệ thống bị chệch hướng.
Trên thực tế, con người chưa bao giờ biết đến hiện tượng lệch múi giờ cho đến khi máy bay (jet) được phát minh ra. Thậm chí, chúng ta còn chẳng biết múi giờ là gì trước khi tạo ra tàu hỏa.
Ngày trước, nếu đi thuyền dọc theo bờ biển Đại Tây Dương, đồng hồ sinh học sẽ có thời gian để điều chỉnh. Khi có đồng hồ, thời gian được đặt theo Mặt trời. Nhưng khi di chuyển bằng tàu hỏa tại các quốc gia như Mỹ, bạn sẽ phải đặt lại đồng hồ liên tục.
Vậy là đến năm 1884, khái niệm múi giờ mới ra đời, trong đó Trái đất được chia thành 24 múi giờ khác nhau. Nhưng cũng kể từ đó, mối liên hệ giữa con người và Mặt trời trở nên yếu hơn.
Con người đang ngày càng "chênh múi giờ"
Giấc ngủ của con người đang ngày càng ngắn lại, và đó có thể là lợi thế để kiếm tiền trong thời đại này. Vấn đề là đi kèm với đó, chúng ta thức rất muộn và dậy rất sớm - tất nhiên sẽ gây xáo trộn đồng hồ sinh học và làm "múi giờ xã hội" ngày càng lệch đi.
Nhưng tại sao? Theo Roenneberg, đó là hệ quả của công nghệ hiện đại. Chúng ta dành cả ngày trong văn phòng, tiếp xúc với một thứ ánh sáng yếu hơn Mặt trời. Đêm xuống, ta vẫn ngồi trong phòng, dưới một thứ ánh sáng mạnh hơn ánh trăng rất nhiều. Sự khác biệt ấy, xét trên nhiều góc độ, là rất lớn.
Chúng ta không có đủ ánh sáng để cơ thể hiểu trời đã sáng, cũng như không đủ bóng tối để biết giờ đang là ban đêm.
Đồng hồ sinh học không còn nhận được những tín hiệu rõ ràng như xưa. Trong khi thực sự đối với việc vận hành cơ thể, những chiếc đồng hồ treo tường kia không có nhiều ý nghĩa. Và đó là lý do làm nên sự chênh lệch múi giờ ngày càng lớn giữa cơ thể và xã hội.
Ngủ không đủ giấc gây ra những hậu quả kinh hoàng cho cơ thể
Kết
Vấn đề ở đây là gì? Roenneberg cho biết, chúng ta thực sự cần tìm cách tôn trọng đồng hồ sinh học của bản thân. Cơ thể của chúng ta có thể học cách để thích nghi, nhưng nó cần được đảm bảo thời lượng ngủ.
Đối với Roenneberg, con số lý tưởng cần có của một giấc ngủ là 8h/đêm, và bạn phải bằng mọi cách sao cho đủ con số ấy. Có thể sử dụng băng bịt mắt để ngăn ánh sáng nhân tạo, hoặc dẹp bỏ công việc, đồ công nghệ trước khi quyết tâm nhắm mắt.
Ngoài ra, một số phương pháp giúp bạn dễ ngủ có thể tìm thấy tại ĐÂY.
Nếu như ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy 16h còn lại trong ngày thực sự rất hữu dụng.
Nguồn: Telegraph, BBC