ThS.BS Châu Tố Uyên, khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 cho biết, thời điểm cận Tết Nguyên đán 2019, số bệnh nhi nhập viện tại khoa tương đối đông. Nhiều trường hợp trẻ bị tiêu chảy, viêm ruột mà theo lời kể của phụ huynh xuất phát từ vấn đề ăn uống.
Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1.
Cho trẻ ăn Tết thả cửa, cha mẹ coi chừng hại con
Mấy ngày trước khi đi làm về, chị Võ Thị Thảo (công nhân, quê Nghệ An) tự nấu cháo cho bé Nguyễn Xuân Hải (7 tháng tuổi) ăn. Tuy nhiên sau khi dùng bữa tối, con trai chị bắt đầu ói. Triệu chứng này kéo dài liên tục khiến người mẹ phải đưa con vào BV Nhi Đồng 1 điều trị.
Trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp.
Ở giường bên cạnh là bé Nguyễn Hoàng Cương (2 tuổi, ngụ Tân Bình). Chú của bệnh nhi cho biết, chị gái bé Cương đi học ở trường mầm non rồi ăn cháo và bị tiêu chảy cấp. Sau khi về nhà, hai chị em có ăn chung thức ăn và bé trai bắt đầu bị bệnh như chị.
Bác sĩ Uyên cho biết thời điểm sau Tết trẻ thường nhập viện đông.
Còn con trai 9 tháng của chị Lê Thị Kiều Hoa thì đi cầu phân đen liên tục mấy ngày sau khi người nhà pha sữa công thức cho uống.
"Bé cũng vừa mới điều trị bệnh sốt xuất huyết nên điều trị mấy ngày rồi mà giờ sức khỏe khá yếu và vẫn còn sốt", gia đình cho biết
Bác sĩ Uyên cho biết, trẻ nhập viện những ngày qua thường mắc những bệnh như tiêu chảy cấp, viêm ruột. Một số trường hợp có liên quan đến chuyện ăn uống. Nếu nặng hơn trẻ có thể bị sốc phản vệ sau khi dị ứng thức ăn.
Có trường hợp trẻ rối loạn tiêu hóa do ăn cháo, uống sữa công thức.
"Tiêu chảy cấp do nhiều nguyên nhân gây ra như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng… Trẻ thường được điều trị chủ yếu là bù dịch Oresol, kẽm, bổ sung men tiêu hóa, dùng thuốc hạ sốt…" – bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Uyên, thời điểm hiện tại trẻ nhập viện tương đối đông nhưng thường đông nhất là sau dịp Tết Nguyên đán. Trẻ được gia đình cho về quê chơi, cho ăn uống nhiều thức ăn không kiểm soát nên dễ xảy ra các vấn đề ở đường tiêu hóa.
Cụ thể, ngộ độc ăn uống thường do thức ăn để quá lâu, nhất là thịt cá, thức ăn chứa thành phần là protein vì chúng dễ hư sau 2 giờ chế biến và để bên ngoài không bảo quản.
Có trẻ còn bị viêm ruột ssau rối loạn tiêu hóa.
Do đó bác sĩ khuyên phụ huynh nên cho trẻ ăn đồ tươi. Hạn chế uống nước ngọt nhiều và cẩn trọng với nước uống ở lề đường, nhất là nước đá vì không kiểm soát được nguồn nước làm ra.
Ngoài ra, những thức ăn như thịt kho trứng, khổ qua là các món ăn hâm đi hâm lại nhiều lần trong dịp Tết cũng nên được chú ý cách bảo quản để không gây ảnh hưởng đến trẻ nnho3 và người già, những người có hệ tiêu hóa kém.
Cụ thể, để bảo quản chúng cần chia nhỏ và bỏ vào ngăn đông chứ không để ngăn lạnh thông thường, sau đó rã ra ăn dần.
Bác sĩ khuyên phụ huynh hạn chế cho trẻ uống nước ngọt, ăn thức ăn hâm đi hâm lại nhưng bảo quản không đúng cách.
"Thức ăn khi chế biến cần rửa và ngâm kỹ để ra hết chất độc, dụng cụ chế biến phải đảm bảo vệ sinh. Phụ huynh khi cho con ăn uống ngoài đường nên chọn những nơi đảm bảo vệ sinh, ăn đúng giờ, uống đủ nước.
Vẫn duy trì thói quen ăn uống thông thường chứ không nên tăng khẩu phần ăn quá nhiều, không ăn nhiều món ngọt, thức ăn giàu dầu mỡ ngày Tết sẽ dễ gây rối loạn tiêu hóa" – bác sĩ chia sẻ.
Tết nên ăn gì?
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, chuyên gia dinh dưỡng cho biết Tết là dịp để họp mặt gia đình, bạn bè, người thân nên thường có những bữa tiệc linh đình.
Do đó người dân cần biết cách lựa chọn thức ăn phù hợp với sức khỏe của mỗi người.
Với người thừa cân, béo phì cần hạn chế thực phẩm giàu năng lượng, giàu chất béo, cholesterol, đường như các món chiên, quay, xào, nước ngọt...
Hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo.
Khi ăn bánh chưng, thịt kho trứng với nước dừa thì nên chọn thịt nạc, hạn chế ăn mỡ và da, ăn ít trứng. Hạn chế ăn tim, gan, cật, óc… do có nhiều cholesterol.
Nên dùng các thực phẩm có nhiều chất xơ, năng lượng thấp như rau các loại, trái cây ít ngọt (thanh long, cam, bưởi, táo, đu đủ chín…).
Nên ăn nhiều rau củ, trái cây.
Nên chọn món ăn nhiều rau mà không cần chế biến nhiều như bánh tráng cuốn, lẩu thập cẩm, rau tươi trộn dầu giấm. Thay các loại bánh mứt bằng rau câu trái cây ít đường hoặc các lọai hạt như hướng dương, hạt dẻ, hạt bí, rau củ các loại sấy... Ngoài ra, người thừa cân nên tăng vận động, đi dạo nhiều để tiêu hao năng lượng.
Với người gầy nên giữ bữa ăn điều độ, chú ý thêm những bữa phụ với các loại sữa và chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, bánh flan), trái cây & các loại hạt nhiều dầu béo (hạt điều, đậu phộng, hạt dẻ, hướng dương…).
Lẩu thập cẩm, thức ăn chứa nhiều rau thích hợp ăn ngày Tết.
"Trái cây thập cẩm trộn sữa chua mát lạnh là món ăn ngon và rất giàu dinh dưỡng cho người cần tăng cân" – bác sĩ Hạnh gợi ý.
Còn với người cao tuổi nên ăn cá nhiều hơn thịt, hạn chế ăn thịt mỡ do khó tiêu hóa. Nên chọn các món hấp, kho lạt, canh.
Hạn chế các loại dưa cải muối chua, dưa món, củ kiệu, thực phẩm chế biến sẵn (thịt hộp, lạp xưởng…) vì có nhiều muối, dễ gây tăng huyết áp.
Tránh ăn nhiều các loại bánh mứt ngọt, thay bằng trái cây tươi ít ngọt, rau củ và trái cây sấy khô với vị ngọt tự nhiên.