Bác sĩ BV Nhi Trung ương: Đây là thủ phạm khiến nhiều trẻ "nấm lùn" mà cha mẹ không ngờ

Ngọc Minh |

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 30 - 50 trẻ tới khám do chậm tăng trưởng chiều cao.

Ăn uống đủ chất, vận động hàng ngày trẻ vẫn không thể cao

Thời điểm hơn 6 tuổi, chiều cao của bé T.V.M (tại Hải Phòng) chỉ cao 94cm. Trong suốt thời gian trước đó, gia đình bé M đã tìm đủ mọi cách để tăng trưởng chiều cao cho con, nhưng không mang lại kết quả.

Sau khi, bé M được khám và được chẩn đoán chậm tăng trưởng chiều cao là do thiếu hóc môn tăng trưởng.

Bé M đã được điều trị hóc môn tăng trưởng kết quả rất khả quan. Năm thứ nhất bé đã tăng được 14cm, năm thứ 2 tăng 10 cm, năm thứ 3 tăng 7,5 cm, năm thứ 4 tăng 6 cm, năm thứ 5 tăng 6,5 cm.

Hiện nay, bé M đã hơn 11 tuổi chiều cao đã đạt 139cm.

Bác sĩ BV Nhi Trung ương: Đây là thủ phạm khiến nhiều trẻ nấm lùn mà cha mẹ không ngờ - Ảnh 1.

Trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng cần phải được can thiệp sớm, ảnh BVCC.

Cũng tương tự như trường hợp bé M, đó là bé N.L.A khi 17 tháng tuổi, chiều cao chỉ 59 cm, trong khi đó chiều cao trung bình của độ tuổi này 74 -86 cm. Sợ con "nấm lùn" nên gia đình bé A, đã tìm mọi cách bổ sung dinh dưỡng, vận động để giúp con tăng trưởng chiều cao.

Tuy nhiên, chiều cao của bé A không hề cải thiện. Gia đình bé A đã cho tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám, bé được chẩn đoán thiếu hóc môn tăng trưởng. Đây là "thủ phạm" khiến cho bé A không thể tăng trưởng chiều cao.

Sau 5 năm, điều trị hóc môn chiều cao của bé A đã cải thiện rất tốt. Hiện nay, bé A, 5 tuổi chiều cao đã đạt 101cm.

Chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hóc môn

TS.BS Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội Tiết-Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, trung bình mỗi ngày, các bác sĩ tại khoa tiếp nhận từ 30-50 bệnh nhân đến khám chậm tăng trưởng chiều cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như: suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng.

Trong đó thiếu hóc môn tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng, tỉ lệ mắc bệnh khoảng 1/4000 – 1/10.000 trẻ.

Theo bác sĩ Khánh, hóc môn tăng trưởng rất cần thiết để giúp cơ thể trẻ phát triển chiều cao. Trẻ em thiếu hóc môn tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch.

Trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng nếu không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành.

Năm 2005, Bệnh viên Nhi đã tiến hành điều trị hóc môn tăng trưởng cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, đến nay đã có trên 900 trẻ điều trị.

Kết quả trẻ cải thiện chiều cao rất tốt, năm đầu trẻ tăng trung bình 10 -12 cm, năm thứ 2 tăng trung bình 7 – 9 cm, các năm sau đó tăng trung bình 6 cm.

Trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. 

Bác sĩ Khánh khuyến cáo: "Ở bất kỳ thời điểm nào cha mẹ khi thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường và tốc độ tăng trưởng chậm thì nên đưa con đi khám bác sĩ.

Cần điều trị đúng thời điểm, đúng liều, tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại".

Trẻ bị thiếu hóc môn tăng trưởng nếu không được điều trị, chỉ có chiều cao trung bình chỉ từ 135 – 145 cm.

Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại