LTS: Bệnh biến không phải là bệnh quá xa lạ trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam bệnh bạch biến vẫn chưa được nhiều người biết tới và có những sự kỳ thị không đáng có với người không may mắc phải.
Bạch biến không phải là bệnh truyền nhiễm, không ảnh hưởng tới sức khoẻ chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Người bạch biến vẫn có quyền sống và yêu thương như tất cả người khác.
Vì thế, để tăng nhận thức trong cộng đồng về bệnh này, ngày 24-25/6 tới đây, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị bạch biến Quốc tế, diễn ra tại Hà Nội. Nhân dịp này, Báo điện tử Trí Thức Trẻ thực hiện tuyến bài: Bạch biến - nỗi đau từ sự kỳ thị.
11 tuổi tôi có một vùng da lạ sáng màu trên người
Con số 11 tuổi là mốc đánh dấu cuộc đời của chị Trịnh Thị Thảnh (sinh năm 1991, tại Chương Mỹ, Hà Nội) bước sang một hướng rẽ mới, phải đối diện với căn bệnh "kỳ lạ", da trắng bệch từng mảng.
Chị Thảnh chia sẻ: "Lúc đó, ở cổ tôi xuất hiện một vùng da "lạ" có màu sắc trắng hơn da trên cơ thể. Nhưng sau đó vùng da trắng đó lan dần lên trên mặt. Đến khi tôi học lớp 9 thì một số da vùng má và trán bị đổi màu trắng kỳ lạ".
Chị Thảnh tự tin chụp một kiểu ảnh không trang điểm, ảnh NVCC.
Trong suốt quãng thời gian đó bố mẹ chị Thảnh đã đưa chị đi điều trị khắp nơi, từ y học hiện đại, đến y học cổ truyền, nhưng kết quả là vô vọng. Những vùng da trắng bệch lan rộng không thể kiểm soát được.
Vào thời điểm lên cấp 3, cũng là quãng thời gian "khủng hoảng" nhất của chị Thảnh, khi đối diện với căn bệnh bạch biến. Chị bắt đầu tự ti, sống khép mình, chị lo sợ khi lên trường mới gặp bạn mới, thầy cô mới với khuôn mặt khác biệt không giống ai sẽ làm mọi người sợ.
Trong suốt thời gian nghỉ hè năm lớp 9, những nỗi lo sợ khiến cho nước mắt của chị đã không ngừng rơi. Và chị Thảnh cũng không biết rằng bạch biến tiến triển nhanh khi bị stress.
"Tình cờ tôi nhìn vào gương, tôi hốt hoảng nhận ra vùng da bạch biến đã lan khắp mặt, cổ và cả tay chân. Tôi sợ hãi không hiểu chuyện gì đang xảy ra và vì sao nó lại lan nhanh đến vậy. Mãi sau này tôi mời biết, stress sẽ làm cho bệnh phát triển nhanh hơn", chị Thảnh nói.
Với khuôn mặt "trắng bệch" ngày đầu tiên chị Thảnh đến trường mới (trường cấp 3) đều khiến các bạn chú ý tới. Chị cảm giác mình như là một "sinh vật lạ". Sau ngày hôm đó chị đã nghỉ học, chị đóng cửa nằm trong nhà khóc.
Chị Thảnh chia sẻ: "Tôi đã nghĩ bỏ học vì sợ bạn bè, thầy, cô nhìn thấy khuôn mặt khác biệt của mình. Bố mẹ tôi khuyên như thế nào tôi cũng không muốn đi học lại.
Tôi sợ phải nghe những lời hỏi thăm của hàng xóm kiểu như: bệnh gì lạ vậy, bệnh này có lây không …".
Người giúp chị Thảnh thoát khỏi vũng lầy tâm lý hoảng sợ về căn bệnh "kỳ lạ" không ai khác chính là bố mẹ. Ánh mắt dịu dàng của mẹ, những lời động viên của bố, anh chị em trong gia đình đã giúp chị Thảnh thức tỉnh.
"Tôi không thể trốn tránh thực tại, tôi là một người bạch biến. Tôi thay đổi suy nghĩ không còn sợ căn bệnh của mình nữa. Vì chính bản thân tôi sợ mình, thì sẽ chẳng có ai dám tới gần tôi", chị Thảnh nói.
Sau thời gian, bị khủng hoảng tinh thần chị Thảnh đã lên lại dây cót cho cuộc sống. Chị Thảnh đi học trở lại vui vẻ và thoải mái hơn. Vì bạn bè không còn chỉ trỏ bàn tán, các bạn đã tới làm quen và chơi với chị nhiều hơn.
Chị Thảnh tâm sự: "Tôi cảm giác mình không còn bị xa lánh như một tháng trước đây. Đi học bạn bè trong lớp đã hòa đồng hơn với tôi. Về nhà hàng xóm không còn soi mói hỏi chuyện. Tôi không còn nghĩ tới căn bệnh của mình nữa".
Sợ khi có người ngỏ lời yêu
Chị Thảnh bị bạch biến thể lan toả, ảnh NVCC.
Cuộc sống của chị Thảnh đã trôi qua trong sự bình yên khi mà không ai nhắc tới nỗi đau bệnh tật của chị. Nhưng cuộc sống không như mong muốn vết thương lòng ngày xưa về căn bệnh bạch biến lại cứa sâu, đầy đau đớn.
"Tôi rất sợ khi có ai đó nói lời yêu vì người đàn ông đó có thể thông cảm với bệnh của tôi, nhưng gia đình họ thì không. Bởi vì, tôi đã từng yêu và đã từng bị gia đình của người yêu từ chối", chị Thảnh nói.
Cũng chính vì lý do đó mà chị Thảnh gần như khép lòng mình lại. Mãi sau này chị mới mở lòng với một người đàn ông kiên trì 8 năm theo đuổi, hiện là chồng chị bây giờ.
Trước khi chị về gặp gia đình anh, anh đã làm tâm lý cho bố mẹ cho nên buổi ra mắt diễn ra rất suôn sẻ, không ai trong gia đình hỏi về bệnh của chị.
Chị Thảnh cho biết, chị là người may mắn có được hạnh phúc gia đình, được bố mẹ chồng và chồng yêu thương hết mực. Vì đâu đó trên đất nước Việt Nam rất nhiều trường hợp bệnh nhân bạch biến bị kỳ thị và không được may mắn như chị.
Bài tiếp theo: 1 sợi tóc bạc nốt chấm trắng, bố mẹ đớn đau khi biết con mắc căn bệnh không có thuốc khỏi hoàn toàn
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.