Bà chữa "mẹo" dân gian, cháu sơ sinh xuất huyết suýt mất mạng

Vân Hồng |

Cháu vừa sinh suýt bị mất mạng vì bài thuốc "mẹo" dân gian của bà. Đây là tiếng chuông báo động trước tình trạng dùng thuốc dân gian sai cách gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Bà "chữa mẹo" dân gian khiến cháu vừa sinh bị chảy máu dạ dày

Mẹo dân gian là những bài thuốc chữa bệnh cổ xưa được truyền từ đời này qua đời khác. Đây là cách chữa bệnh hiệu quả của người xưa nhưng không đồng nghĩa vẫn đúng ở thời hiện đại.

Có nhiều bài thuốc dân gian rơi vào tình trạng "tam sao thất bản" hoặc đã được y học chứng minh là phản khoa học nhưng nhiều người có thể vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn "mù quáng" áp dụng.

Mới đây, một trẻ sơ sinh ở Trung Quốc đã phải nhập viện với triệu chứng xuất huyết dạ dày. Khi được biết là bé vừa được bà "chữa mẹo" theo một bài thuốc dân gian khiến cho bác sĩ vô cùng tức giận.

Một y tá tại Bệnh viện Nhi ở Trung Quốc kể, vào một đêm cô làm nhiệm vụ trực ca, khi đã khuya gần chuyển sang sáng thì xuất hiện một gia đình bế trẻ sơ sinh đến vừa vào vừa khóc.

Cô hỏi tình trạng của bé thì người nhà nói rằng bà của bé đã cho bé uống nước Hoàng liên – một loại thuốc "mẹo" dân gian dành cho trẻ sơ sinh uống để phòng bệnh khi lớn lên.

Sau khi uống thuốc "mẹo" này, bé bắt đầu có biểu hiện nôn trớ, không chịu bú sữa. Một lúc sau thì bé bắt đầu nôn nhiều lên, nôn ra chất lỏng gồm sữa và những sợi máu.

Không những thế, bé liên tục quấy khóc và nhất định không chịu ngủ, lúc này cả nhà thấy hoảng sợ và lập tức ôm bé vào bệnh viện.

Bà chữa mẹo dân gian, cháu sơ sinh xuất huyết suýt mất mạng - Ảnh 1.

Hình ảnh người nhà đưa bé vào bệnh viện (Ảnh: Internet)

Được biết trước đó, em bé sơ sinh xuất hiện triệu chứng vàng da, lưỡi của bé cũng có hiện tượng biểu hiện rõ ràng của bệnh vàng da.

Theo bà của bé, ngày xưa mỗi lần có ai bị bệnh này, bà nghe nói họ đều áp dụng bài thuốc dân gian là uống nước Hoàng liên (một loại cây vàng đắng để chế xuất thuốc Berberin).

Đây là bài thuốc có ý nghĩa "khổ trước sướng sau" hoặc là "nếm cay đắng trước rồi ngọt ngào sẽ đến" mà nhiều người cùng thế hệ bà vẫn hay áp dụng.

Để thực hiện việc này một cách "suôn sẻ", bà đã âm thầm tự nấu một bát thuốc rồi cho bé uống với mong ước sau này bé sẽ khỏe mạnh, tránh được bệnh về đường ruột.

Thậm chí, bà cũng không biết là trẻ sơ sinh sẽ được uống bao nhiêu, và nghĩ rằng đây là thuốc đông y cổ truyền nên có uống nhiều một chút chắc cũng chẳng làm sao.

Bà cho biết, lúc cho bé uống cũng rất dễ dàng và không thấy bé kháng cự gì cả, một lúc có thể uống luôn mấy thìa.

Nghe câu chuyện mà bà của bé kể, bác sĩ gần như nổi giận lôi đình nói rằng, không hiểu sao một em bé mới sinh dạ dày còn non yếu như vậy lại có thể cho uống thứ thuốc này.

Sau khi sơ cứu và kiểm tra tổng thể, bác sĩ cho biết, may mắn thay em bé chỉ bị xuất huyết dạ dày, chưa đe dọa đến tính mạng. Tất nhiên, hậu quả về sau như thế nào thì chưa thể biết được.

Bà chữa mẹo dân gian, cháu sơ sinh xuất huyết suýt mất mạng - Ảnh 2.

May mắn là bé chỉ xuất huyết dạ dày, chưa gây nguy hiểm tính mạng (Ảnh: news.cn)

Áp dụng bài thuốc dân gian sai cách có thể gây họa

Bác sĩ trực bệnh viện sơ cứu cho bé cho biết thêm, tình trạng người lớn cho trẻ sơ sinh uống thuốc "mẹo" khi vừa chào đời với mục đích phòng các loại bệnh là không hiếm. Cách chữa bệnh dân gian đó không phải là hoàn toàn nguy hại.

Tuy nhiên uống như thế nào, liều lượng bao nhiêu mới chính là điều quan trọng.

Bà chữa mẹo dân gian, cháu sơ sinh xuất huyết suýt mất mạng - Ảnh 3.

Cả bát thuốc hoàng liên chữa "mẹo" cho bé đã phản tác dụng (Ảnh: Chinatimes)

Có không ít người đã cho trẻ sơ sinh uống thuốc đắng để "giã tật" nhưng ở mức độ rất nhỏ, kiểu như nhúng đầu thìa cho bé mút tượng trưng, chứ không phải nấu cả bát lên cho bé uống như vậy.

Đây là ví dụ tồi tệ trong việc chăm sóc trẻ một cách thiếu tỉnh táo khiến cho sinh mạng của trẻ trở nên rất mong manh.

Là bậc làm cha mẹ, bạn nhất định phải hiểu rõ những lợi íchtác hại khi lựa chọn các phương pháp chăm sóc trẻ, để luôn đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Tránh những phương pháp dân gian đã lạc hậu hoặc quá liều lượng, có thể vô tình là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của trẻ bất cứ lúc nào.

*Theo Health/TT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại