Trong cả hiệp 1 trận gặp Honduras lẫn hiệp 1 trận gặp New Zealand, có hơn một tình huống các cầu thủ tấn công nhận bóng trong tư thế dứt điểm thuận lợi, nhưng tất cả những cú sút đều đi chệch khung thành. Đấy chính là những biểu hiện điển hình của sự căng thẳng.
Mặc dù đã được làm "công tác tư tưởng" rất kỹ, đã được tập trận với những đối thủ cao to vượt trội trong chuyến tập huấn dài ngày tại Đức cùng trận giao hữu rất bổ ích với U.20 Argentina nhưng các cầu thủ vẫn không hoàn toàn hết "ngợp" trong lần đầu tiên dự một sân chơi vĩ đại như World Cup.
Thế nên nhiều người mới tiếc nuối: chỉ cần các cầu thủ tự tin hơn một chút, dứt điểm chính xác hơn một chút thì chúng ta đã có 3 điểm, hoặc ít nhất là 1 bàn thắng để đời.
Cầu thủ Đội tuyển U.20 Việt Nam luôn thi đấu hừng hực lửa.
Xin được nhấn mạnh: tiếc chứ không trách, vì mọi trách cứ trong trường hợp này đều bất nhẫn. Một đội tuyển trẻ ở một trong những khu vực bóng đá yếu kém nhất thế giới rốt cuộc đã có mặt ở World Cup, và đã có 1 điểm đầu tiên mang về, đấy là một kết quả đáng khen lắm rồi.
Nhưng điều đáng khen hơn là ngay cả khi "choáng" nhất và "ngợp" nhất thì tất cả các cầu thủ cũng tuyệt đối không có ý định buông xuôi. Trái lại, họ vẫn gắng gượng thi đấu với tất cả những nỗ lực cao nhất có thể của mình.
Hình ảnh tiền đạo Đinh Thanh Bình bị chấn thương nặng, các bác sĩ đề nghị phải ra sân nhưng vẫn cố ngồi dậy, giơ ngón tay cái về phía ban huấn luyện xin được tiếp tục thi đấu đã nói lên tất cả.
Cần nhấn mạnh, sau tình huống chấn thương này, Thanh Bình vẫn "bị" đưa ra đường biên dọc, và tại đấy, các bác sĩ liên tục nói với Bình: "Không đá được đâu", nhưng Bình vẫn nằng nặc đòi đá, rồi như thể chỉ đợi lúc các bác sĩ không kịp giữ mình để chạy nhanh vào sân, quyết chơi đến cùng.
Một chuỗi những hình ảnh xúc động ấy đủ nói lên tinh thần U.20 là đáng quý, đáng trân trọng như thế nào.
Từ câu chuyện "tinh thần U.20", tôi chợt nhớ lại những trận đấu quốc tế của bóng đá Việt Nam trong năm nay. Hãy nhìn lại xem, hai CLB đại diện cho Việt Nam là Hà Nội và Quảng Ninh đã đá AFC Cup với một tinh thần như thế nào?
Đã đành cả hai cùng bị loại, nhưng vấn đề không hẳn là bị loại hay đi tiếp, mà là trong khi Quảng Ninh thua toang hoác một đại diện Singapore trên sân Mỹ Đình, trong một trận đấu mà cả hai hàng phòng ngự đều đá như "mời ông xơi" thì CLB Hà Nội cũng lặp lại điều tương tự trên đất Philippines.
Có nghĩa, hai CLB này không cho thấy một tinh thần thi đấu máu lửa, hết mình như lẽ ra phải thế.
Đấy là còn chưa nói cũng ở sân chơi AFC Cup, đã từng có một nhóm 9 cầu thủ của một CLB Việt Nam trắng trợn... bán mình cho quỷ dữ. Còn với Đội tuyển U.22 Việt Nam, trận giao hữu bạc nhược mới đây trước U.20 Argentina chẳng phải đã rung lên một hồi chuông lớn về sự xuống cấp tinh thần đó sao?
Rõ ràng, trong khi U.20 Việt Nam vừa ghi được điểm 10 về ý chí, tinh thần ở sân chơi World Cup thì một số đại diện Việt Nam đã thể hiện điều ngược lại ở những sân chơi quốc tế. Và, phải nói thẳng rằng cái điều "ngược lại" ấy đã làm xấu mặt bóng đá Việt Nam ghê gớm.
Phải làm gì để giữ "tinh thần U.20" cho không chỉ Đội tuyển U.20? Phải làm gì để từ nay trở đi, mỗi khi tham gia các sân chơi quốc tế như AFC Cup, SEA Games, AFF Cup, vòng loại Asian Cup..., tất cả các đại diện Việt Nam dẫu có thua về chuyên môn, đẳng cấp thì cũng không được thua về ý chí tinh thần?
Mong là "lửa" của U.20 sẽ có sức lan toả với cả một nền bóng đá!
Lời khen từ báo giới nước ngoài
Sau trận ra quân bất ngờ hoà New Zealand 0-0, U.20 Việt Nam đã nhận được khá nhiều lời khen từ báo giới nước ngoài. Sau trận đấu cuối cùng gặp Honduras, mặc dù thua 0-2, nhưng U.20 Việt Nam cũng được một số tờ báo đánh giá ấn tượng.
Cây viết kỳ cựu Duarden của trang FOX Sports cho biết: "Với những gì đã thể hiện, U.20 Việt Nam xứng đáng có được 1 bàn thắng đầu tiên ở World Cup này". Duarden nhấn mạnh rằng không chỉ trên sân, các cổ động viên Việt Nam cũng gây ấn tượng rất lớn trên khán đài.