Lựa chọn danh mục đầu tư có trọng điểm
Kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 được Tổng công ty Đường sắt VN xây dựng; Bộ GTVT phê duyệt, trình Chính phủ xin bố trí vốn từ đầu năm 2017.
Khi đó, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, mục tiêu của việc đầu tư này là nhằm nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; Tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h; Từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần.
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Tổng công ty Đường sắt VN đã đề xuất 4 dự án chi tiết với tổng kinh phí dự kiến là 7.000 tỷ đồng.
Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh bao gồm các công trình nâng cấp cải tạo tuyến khoảng 138,69km; Cải tạo cục bộ bình diện có bán kính đường cong nhỏ ảnh hưởng đến dải tốc độ trên các khu gian có điều kiện nâng cao vận tốc với khoảng 10 điểm; Mở thêm đường số 3 đối với 3 ga đường sắt hiện tại chỉ có 2 đường; Kéo dài đường ga đối với 7 ga; Mở mới 1 ga trên các khu gian hạn chế năng lực; Xây hàng rào, đường gom. Sau khi hoàn thành dự án, sẽ tăng năng lực thông qua đoạn Hà Nội - Vinh từ 21 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên xấp xỉ 23-25 đôi.
"Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo an toàn vì trên tuyến hiện còn hàng trăm cầu yếu, hầm yếu và hàng nghìn lối đi tự mở”. Ông Vũ Tá Tùng Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN |
Tương tự, dự án cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn bao gồm: Nâng cấp cải tạo tuyến 173,2km; Cải tuyến 3 điểm có bán kính đường cong nhỏ; Mở thêm đường số 3 tại 2 ga; Kéo dài đường ga tại 9 ga; Mở mới 3 ga; Xây dựng hàng rào, đường gom. Sau khi hoàn thành dự án, sẽ tăng năng lực thông qua từ 19 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên xấp xỉ 23-25 đôi; Nâng cao tốc độ chạy tàu, tổng thời gian dự kiến rút ngắn 60 phút so với hiện tại.
Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô gồm nâng cấp, cải tạo 50,5km; Rà soát các cầu yếu còn lại, cầu không đạt tải trọng rải đều 4,2T/km để cải tạo, nâng cấp đồng nhất tải trọng và tốc độ, dự kiến 111 cầu.
Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo đoàn tàu tăng được trọng lượng thông qua cầu với sức kéo lớn.
Khi đó, tận dụng được công suất đầu máy, sức chở, từ đó nâng được năng lực vận tải hàng hóa tăng thêm được ít nhất 2 triệu tấn/năm; đồng thời xóa bỏ được các điểm chạy chậm do cầu yếu.
Với dự án gia cố hầm yếu kết hợp mở mới ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang sẽ nâng cấp, cải tạo 112,6km, cải tạo 32 điểm bán kính đường cong nhỏ, mở mới ga; Dự kiến nâng cấp, thay thế 11 hầm yếu; Xây dựng hàng rào, đường gom.
Dự án sẽ nâng cao an toàn đường sắt, đề phòng sự cố sập hầm, gây tắc nghẽn giao thông.
“Trong tình hình nguồn vốn còn hạn hẹp hiện nay, chúng tôi lựa chọn danh mục đầu tư trên nguyên tắc đầu tư tập trung, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Xác định các công trình thiết yếu cần đầu tư theo từng dự án cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả khi đưa vào khai thác.
Đặc biệt, ưu tiên các khu đoạn có nhu cầu vận tải cao là khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn, khu đoạn Hà Nội - Vinh, tập trung đầu tư, cải tạo các cầu yếu, hầm yếu, xây dựng hàng rào, đường gom dọc tuyến để xỏa bỏ hàng trăm lối đi tự mở”, ông Tùng nói.
Với 7.000 tỷ, ngành đường sắt hy vọng sẽ cải tạo, nâng cấp được nhiều cầu, hầm yếu như các hầm đường sắt khu vực đèo Hải Vân đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc để nâng tốc độ chạy tàu, đảm bảo an toàn - Ảnh: Thanh Hiếu |
Gấp rút hoàn thành thủ tục
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, mục tiêu tiến độ của 4 dự án trên là năm 2020 phải hoàn thành. Vì vậy cả 4 dự án đều sẽ được triển khai đồng loạt.
Tuy nhiên, theo ông Cảnh, một số thủ tục phải thực hiện lại từ đầu nên sẽ rất mất thời gian.
Ông Cảnh dẫn chứng, kế hoạch đầu tư này đã được Bộ GTVT thông qua và xin ý kiến Bộ KH-ĐT báo cáo chủ trương đầu tư từ tháng 3/2017. Nhưng do lúc đó Quốc hội chưa thông qua chủ trương nên Bộ KH-ĐT chưa cho ý kiến.
“Hiện Quốc hội đồng ý cấp vốn, Bộ GTVT sẽ giao Tổng công ty Đường sắt VN và Ban QLDA đường sắt lập báo cáo chủ trương đầu tư trình Bộ GTVT để lấy ý kiến của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn.
Sau khi có ý kiến của hai Bộ, Bộ GTVT mới phê duyệt báo cáo chủ trương đầu tư; bước tiếp theo là tiến hành lập dự án”, ông Cảnh nói.
Trong 4 dự án trên, có các hạng mục công trình đã được đưa vào các dự án trước, nhưng chưa được bố trí vốn nên quy trình thủ tục vẫn phải tiến hành lại từ đầu.
Đơn cử dự án nâng cao an toàn cầu yếu tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM giai đoạn 2 đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng không có vốn nên tạm dừng.
Ngoài ra, dự án nâng cấp, cải tạo 132 cầu yếu đang thực hiện dở dang, còn 29 cầu cũng phải để lại do không bố trí được vốn. Các cầu trong hai dự án trên đã được đưa vào danh mục 4 dự án này và thực hiện các thủ tục như một dự án mới.
Cũng liên quan đến các thủ tục triển khai dự án, Phó vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) Trần Minh Phương cho biết, Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao Vụ KH-ĐT nghiên cứu tham mưu phương án lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án và yêu cầu phân tích đánh giá cụ thể những thuận lợi, khó khăn khi lựa chọn phương án.
Đồng thời yêu cầu rà soát, nghiên cứu phương án tận dụng các hồ sơ dự án đã có phù hợp với luật định để giảm bớt thời gian triển khai. “Hiện các cơ quan, đơn vị đang khẩn trương tiến hành các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng”, ông Phương nói.