Nguyên nhân rất đơn giản: đây là đạo quán lớn nhất của người Hoa theo Đạo giáo (đạo Lão) ở Chợ Lớn (TP HCM), nhưng sau này do chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo người Hoa, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên bảng tên viện đã sửa lại thành "chùa". Do vậy với những người đi ngang qua, đây chỉ là một ngôi "chùa Tàu" có kiến trúc là lạ. Hơn nữa, hoạt động của viện chỉ đóng khung trong một cộng đồng nhỏ người Hoa theo Đạo giáo (số liệu năm 2013 là khoảng 2.000 tín đồ) nên hầu như không mấy người biết đến ngôi đạo quán thờ thần tiên độc đáo này.
Đó là đạo quán Trà Sơn Khánh Vân Nam Viện, thường được gọi tắt là Khánh Vân Nam Viện, tọa lạc gần trăm năm nay tại quận 11, TP HCM. Nơi này là quy mô thu nhỏ của đạo quán Nam Hải Trà Sơn Khánh Vân Thượng Động ở huyện Nam Hải thuộc tỉnh Quảng Đông giáp với tỉnh Giang Môn, Trung Quốc (động-viện-quán chỉ quy mô nhỏ dần của đạo quán). Khánh vân có nghĩa là đám mây ngũ sắc, mây sáng, mây lành, báo hiệu sự xuất hiện của thần tiên.
Sài Gòn vẫn còn không ít đạo quán nhỏ nằm rải rác sâu trong các khu dân cư ở các quận đông người Hoa như quận 5, quận 8, quận 11... Tuy đã “tam giáo đồng nguyên” (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo hòa làm một), nhưng những nghi lễ chính vẫn được thực hiện gần như theo nguyên gốc của Đạo giáo. Các nghi lễ này cũng gần giống hệt nhau trên khắp các quốc gia chịu ảnh hưởng của Đạo giáo, như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam Malaysia, Philippin, Singapore, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Campuchia, Lào và Sri Lanka…
Dịp tháng bảy âm lịch là một trong những lễ lớn nhất. Truyền thuyết Đạo giáo kể rằng Thiên Thọ Vương và ba người con gái của Long vương sinh được ba người con trai, gọi là tam quan. Tam quan đều rất thần thông quảng đại, pháp lực vô biên. Trưởng nam là Thượng nguyên nhất phẩm cửu khí thiên cung tử vi Đại đế (Thiên quan-Vì người ban phúc nên còn được gọi là Phúc thần). Thứ nam là Trung nguyên nhị phẩm thất khí địa quan thanh hư Đại đế (Địa quan-Vì người răn tội nên còn được gọi là Quan xét tội). Con trai thứ ba là Hạ nguyên tam phẩm ngũ khí thủy quan động âm Thái đế (Thủy quan-Vì người diệt họa nên còn được gọi là Quan giải ách).
Rằm tháng bảy là thánh đản (ngày sinh) của Địa quan. Vào ngày này, Địa quan mở ngục cầu xin Ngọc Hoàng và Thái Ất xá tội, cứu khổ cho những người đã chết đang chịu khổ tại các địa ngục được trở về các mộ phần an nghỉ, phù hộ cho con cháu được danh-chức-phúc-thọ và có thể đi đầu thai kiếp khác.
Do vậy người dân đến đền, quán, đình, miếu.., những nơi có thờ Địa quan để làm lễ xin người xá tội cho tổ tiên và người thân.
Trong ngày này, còn có một đại lễ khác xuất phát từ thời cổ đại Trung Quốc, sau này hòa cùng sự tích Mục Kiền Liên mượn công đức của các vị tăng sau khi kiết hạ để chuộc mẹ khỏi kiếp quỷ đói, thoát sanh lên cảnh giới an lạc. Đó là lễ Vu lan bồn.
Do hai đại lễ này cử hành trùng vào một ngày và cùng với sự hòa nhập của ba tôn giáo, dần dần trong dân gian xóa nhòa các ranh giới, hiểu rằng Vu lan bồn cũng chính là dịp địa ngục mở cửa xá tội cho các vong hồn. Trong tháng này người dân vừa báo hiếu, vừa cầu phước cho tổ tiên, vừa cúng tế vật phẩm, thức ăn cho các linh hồn cô quạnh không nơi nương tựa, không người tưởng nhớ.
Tại Trung Quốc cổ đại, tiết Trung nguyên thuở xưa còn là lễ hội mừng thu hoạch, nông sản rất dồi dào. Vào ngày này, dân Trung Hoa cúng tế thịnh soạn để cầu Tam quan ban phước.
Ngày 7/7 còn là một đại lễ khác: lễ Thất tịch, mừng vợ chồng Ngâu trùng phùng. Người dân lập bàn thờ cúng với rất nhiều bánh và trái cây hình tròn (mang nghĩa đoàn viên) để chúc phúc. Đặc biệt không thể quên bó cỏ và bó mạ xanh non thật to để cho con trâu của Ngưu Lang ăn uống chậm rãi no nê nhằm có nhiều thời gian hơn cho đôi uyên ương bên nhau sau một năm xa cách. Do vậy tháng bảy âm lịch hoàn toàn không hề đáng sợ như đã bị hiểu lầm nhiều năm, rằng cô hồn được mở cửa lên dương gian lộng hành, do đó cần kiêng kỵ nhiều thứ và siêng năng cúng tế để “hối lộ” cô hồn đừng quấy nhiễu.
Không hề như vậy. Ngược lại, tháng bảy “Cô hồn” là tháng hết sức đẹp đẽ và nhân bản: đây là thời gian để hiếu kính tổ tiên đồng thời an ủi, thương xót, từ bi với cả những người không quen biết (các vong hồn cô quạnh).
Ở các đạo quán của người Hoa Sài Gòn, bạn sẽ không thấy sự sợ hãi hay kiêng kỵ nào. Khắp nơi, không khí rộn ràng hoan hỉ. Khắp các gia đình, con cháu sum vầy và cùng nhau đến thắp hương, cúng tế và cầu siêu hồi hướng công đức cho tổ tiên.
Tháng bảy Cô hồn nhân ái tại đạo quán độc đáo của người Hoa Chợ Lớn
Trong những ngày này, không gian các đạo quán luôn thánh thót tiếng tiêu, sáo, sênh, phách, đàn tam thập lục, vang rền trống, chuông, ánh lửa nến lung linh trong mờ mịt khói hương. Trong tiếng nhạc lễ và tiếng đọc kinh vang lừng, dòng người đông đúc đi lại xôn xao giữa hàng hàng bài vị đỏ rực với ngồn ngộn thức ăn của trần gian dâng cúng… Bạn phải tận mắt nhìn thấy cảnh tượng đó. Phiêu du và kỳ lạ, thật đó mà ảo đó, cõi âm dường như thực sự mở cửa thông linh với trần gian. Tôi đã nghĩ, quả thực người dương và người âm đang cùng hiện diện bên nhau, chăm sóc, thương yêu, trùng phùng, nhân ái…
Và đó mới là ý nghĩa thực sự của một tháng Bảy lịch âm chứa chan hiếu thảo, nhân ái và mong ước tốt lành.
Lễ khai đàn bắt đầu vào đúng ngọ mùng một tháng bảy. Đạo trưởng và các đạo sĩ và đạo cô vừa liên tục đọc kinh thỉnh các vong linh lên dương gian nhận cúng lễ vừa đi vòng quanh khu vực đặt bài vị để mỗi linh hồn đều được nghe kinh đầy đủ. Dưới bài vị, con cháu dâng cúng la liệt trái cây, hoa tươi, nhang, đèn, các loại bánh bao đặc trưng của người Hoa. Không thể thiếu món đồ chay xào chay gồm năm thứ: bún tàu (miến, bún gạo khô), tàu hủ ky (váng đậu khô, phù chúc), nấm mèo (mộc nhĩ), kim châm, nấm. Năm món này được xem là biểu tượng cho khái niệm “ngũ hành, ngũ tạng” theo quan niệm tu hành của tín đồ Đạo giáo. Ngoài ra theo quan niệm “dương sao, âm vậy”, người nhà còn cúng trà, cà phê, các thức uống thường dùng cho tổ tiên, người thân.
Lễ khai đàn
Mỗi ngày là một buổi lễ khác nhau nhưng luôn được bắt đầu vào buổi trưa hoặc chiều, vì đó là thời gian dành cho linh hồn.
Trai đàn được các đạo quán tổ chức liên tiếp trong tháng. Đạo quán nhỏ tổ chức 3 ngày hoặc 5 ngày. Khánh Vân Nam Viện lớn nhất, năm nào cũng bắt đầu vào trưa mùng một tháng bảy và liên tục suốt bảy ngày, đến chiều mùng sáu làm lễ Qua cầu rồi đưa ông bà về nhà thì hết.
Trước ngày lễ, ai muốn cúng cho người thân đã mất phải đến đăng ký tại Ban hộ tự. Tùy theo chi phí cúng dường, các bài vị sẽ được đặt riêng bằng giấy và tre giống chiếc bia mộ, ghi nhiều nhất là tên 7 thế hệ tổ tiên hoặc người thân. Hoặc có thể chỉ đơn giản in tên tuổi trên tờ giấy hồng dán trên tường, cũng theo từng cỡ một.
Tại các phòng đặt tro cốt trong Viện, người thân đến cúng hết sức đông đúc.
Lễ cúng tổ tiên
Từ trưa mùng một, các đạo cô lập đàn cầu siêu cho vong linh mới qua đời chưa tròn một năm, hoặc qua đời khi còn trẻ, qua đời vì tai nạn... Trước mỗi bài vị đều có hương, nến và mũ áo giấy. Các đạo cô liên tục đọc kinh và làm lễ trước bàn thờ Địa tạng vương bồ tát. Đạo cô chủ lễ sẽ đọc lên tên của từng vong linh được ghi trên các tờ phan. Người thân ngồi dự ở bên ngoài, chung quanh.
Trưa mùng hai tháng bảy là lễ phá cửa địa ngục. Người thân đăng ký làm lễ cho người nhà của mình sẽ dâng hương, nến, mũ áo đặt trước từng bài vị. Năm ngôi nhà nhỏ bằng gỗ dán với miếng ngói vẽ hình mặt quỷ đặt lên trên làm mái đặt xen kẽ giữa những bài vị, tượng trưng cho ngũ vô gián địa ngục (năm địa ngục tượng trưng cho sự trừng phạt thống khổ không bao giờ gián đoạn). Bên trong ngũ vô gián địa ngục đều thắp nến.
Sau khi khai lễ, người nhà tuần tự ôm bài vị người thân vào đặt chung quanh các địa ngục. Các đạo cô vừa đọc kinh vừa đi vòng quanh khu địa ngục nhiều lần. Rồi đạo cô chủ lễ giơ cao cây tích trượng 12 vòng chọc vỡ tấm ngói của một địa ngục, tượng trưng cho một cửa địa ngục đã bị phá. Nghi lễ lặp lại cho đến khi năm cửa địa ngục đều bị phá vỡ.
Tích trượng 12 vòng tượng trưng cho 12 nhân duyên (12 yếu tố liên tục là nguyên nhân và kết quả của nhau, tạo nên vòng luân hồi khiến cho những loài hữu tình cứ vướng mắc mãi trong ấy). Khi các vòng trên tích trượng rung lên tạo thành tiếng kêu loảng xoảng sẽ có sức mạnh phá vỡ các địa ngục.
Lễ phá địa ngục
Khi các địa ngục đều bị phá vỡ, hộ lễ mang từng bài vị vào đặt trong một dãy phòng bằng gỗ dán nhỏ có cửa bằng vải, thắp hương và nến trước từng phòng. Trước từng phòng đều đặt mũ áo bằng giấy mới. Sau đó các bài vị lại được đưa ra đặt trước phòng. Nghi lễ này nghĩa là các vong linh tắm rửa sạch sẽ sau chuỗi ngày ở địa ngục, thay quần áo mới và lên dương gian nghe kinh để hưởng công đức của chư tăng (xem video).
Buổi chiều cuối cùng-mùng bảy tháng bảy là lễ Qua cầu. Ở một đạo quán nhỏ khác cũng gần Khánh Vân Nam Viện, tên là Phi hà động nguyệt canh đường, hai chiếc cầu này làm bằng giấy. Sau khi đọc kinh và làm lễ rất nhiều lần, cuối cùng người thân cầm bài vị theo hướng dẫn của một đạo cô cao tuổi đưa linh hồn người thân chuyển từng bậc qua cầu. Tất cả sau đó được đem hóa trong lửa.
Tại Khánh Vân Nam Viện, cầu Vàng và cầu Bạc làm bằng gỗ, đến giờ lễ sẽ mang ra đặt trong sân. Những người có gửi tro cốt của người thân vào Viện sẽ cầm theo những cây hương to, mỗi cây hương là linh hồn của một người thân. Các đạo sĩ, đạo cô đọc kinh, lên hương, thỉnh lễ suốt khoảng 3 tiếng bên trong viện. Cửa nội viện lúc này được đóng lại. Người dân cầm hương đứng chờ ngoài sân hoặc trong khu bài vị nhưng không được vào chính điện.
Sau khi nghi lễ thỉnh chư tiên và thánh thần kết thúc, các đạo sĩ, đạo cô bắt đầu dẫn lễ cho các linh hồn đi qua cầu Vàng cầu Bạc. Suốt quá trình này, người thân phải giữ cây hương cháy mãi cho đến tận khi xong lễ, mang cây hương vẫn cháy về nhà cắm lên bàn thờ. Linh hồn tổ tiên, người thân sẽ nương theo cây hương đó về lại với con cháu.
Người thân ôm bài vị đi qua cầu, vừa đi vừa rải tiền lẻ cúng cho các ngạ quỷ giữ cầu ở dưới sông để họ được vui vẻ và cho phép linh hồn về với gia đình.
Chúng tôi không tìm được tài liệu nào giải thích cặn kẽ cho cầu Vàng và Bạc, nhưng tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu, có thể hiểu chiếc cầu này xuất phát từ cầu Nại Hà bắc giữa Dương gian và Âm giới. Cầu Nại Hà có 6 loại: vàng, bạc, ngọc, đá, gạch và gỗ, tương ứng với lục đạo luân hồi chuyển kiếp. Việc chỉ đặt cầu Vàng và Bạc để mang bài vị người thân qua cầu nói lên mong muốn được chuyển kiếp vào những kiếp sống no ấm, đủ đầy nhất.
Lễ qua cầu
“Thương yêu đồng loại là thiên tính bẩm sinh của con người, dù còn sống hay đã quá vãng. Đối với những cô hồn không còn người thân thích trên cõi dương trần, trong ngày tết đặc biệt này họ vẫn luôn được mọi người nhớ đến và dâng cúng nhiều phẩm vật để nguôi ngoai nỗi buồn cô quạnh. Và hơn thế nữa dưới ánh hào quang từ bi chiếu rọi của Xá tội Địa quan Thanh hư Đại Đế, họ vẫn luôn được quan tâm ưu ái để được siêu thoát về cõi tiên dứt bỏ chốn hồng trần đầy phiền não ưu tư.”
Tôi mượn lời chia sẻ của một người Hoa đang sống ở Chợ Lớn, thầy giáo dạy tiếng Quảng Đông - Trần Chí Minh để kết thúc câu chuyện nhân văn này.