Đối mặt với cuộc sống có nhiều vấn đề căng thẳng, sức khỏe của con người càng ngày càng giảm sút. Đặc biệt, nhiều người gần như luôn trong trạng thái lao lực hoặc mệt mỏi quá sức.
Các chuyên gia sức khỏe cho rằng, để giữ trạng thái luôn sung sức, điều quan trọng nhất là phải biết làm cho cơ thể ở trạng thái cân bằng.
Phương châm sống lành mạnh nhất là hướng đến sự hài hòa. Con người và thiên nhiên buộc phải hài hòa thì mới phát triển bền vững.
Cơ thể cũng vậy, nếu không giữ được sự hài hòa và cân bằng, sẽ dẫn đến những trở ngại vô cùng lớn đối với sức khỏe và sự chịu đựng của cơ thể.
Làm sao để có sức khỏe "vàng"? Câu trả lời của các chuyên gia sức khỏe đó là "sự đúng giờ". Điều chỉnh nhịp sinh hoạt theo giờ giấc cố định là cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe.
1. Nghỉ ngơi đúng giờ
Nghỉ ngơi trong lúc làm việc là khoảng lặng cần thiết để tái tạo sức lực (Ảnh minh họa)
Công việc bận rộn nên thời gian nghỉ ngơi còn không có nói gì đến nghỉ ngơi đúng giờ, điều này thật không dễ thực hiện đối với nhiều người.
Nhưng các chuyên gia nghiên cứu sức khỏe cho rằng, dù bận đến đâu, bạn vẫn phải dành thời gian để nghỉ ngơi và xem đó là một nhiệm vụ bắt buộc.
Khi bạn thấy quá mệt mỏi mới nghĩ đến việc nghỉ ngơi thì đã quá muộn để có thể hồi sức lại như trước đó.
Thời gian kéo dài như vậy khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt quệ, nếu không kịp thời nghỉ ngơi sẽ mất sức không có cơ hội hồi phục lại như cũ.
Thêm nữa, cơ thể là bộ máy hoạt động theo một quy trình hoàn hảo, những thói quen đi ngược với quy luật tự nhiên của cơ thể sẽ khiến cơ thể ngày càng tồi tệ hơn.
Nghỉ ngơi đúng giờ giúp cho cơ thể luôn giữ được nhịp độ đều đặn, tinh thần sảng khoái, trí óc minh mẫn, làm việc hiệu quả hơn.
2. Tập thể dục đúng giờ
Tập thể dục đều đặn trong khung giờ cố định sẽ đẩy lùi rất nhiều bệnh tật (Ảnh minh họa)
Càng ngày càng nhiều người có sức khỏe giảm sút đáng báo động. Tỉ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh càng ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Những căn bệnh trước đây phần lớn xuất hiện ở người già thì ngày nay độ tuổi mắc bệnh càng ngày càng bị trẻ hóa.
Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu, tim mạch và gần đây là các bệnh về cơ xương khớp xuất hiện ở người trẻ mỗi ngày một nhiều thêm.
Các bác sĩ cho rằng, một trong những nguyên nhân phát bệnh sớm là do con người ít tập thể dục, lười vận động, ăn uống quá nhiều, thiếu điều độ.
Các chuyên gia đặc biệt lưu ý những người trẻ tuổi nên chú ý và điều chỉnh cách sống, tạo thói quen tập thể dục thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh hơn.
Tập thể dục đều đặn và đúng giờ hàng ngày có thể đẩy lùi rất nhiều loại bệnh tấn công cơ thể, điều này tốt hơn rất nhiều so với việc bỏ mặc cơ thể đến khi phát bệnh.
3. Uống nước đúng giờ
Không bao giờ nên chờ đến khát mới uống nước (Ảnh minh họa)
Nghe đến lời khuyên này nhiều người cảm thấy khó chịu. Làm sao cần phải uống nước đúng giờ khi cơ thể đã "nhắc" bạn bằng việc cảm thấy "khát"?
Các bác sĩ cho rằng, khi bạn cảm thấy khát, nghĩa là cơ thể đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Khi đó, uống nước chỉ giống như hành động "cấp cứu".
Khi không uống nước đầy đủ và chủ động, cơ thể bị thiếu nước trong quá trình tiêu hóa cũng dẫn đến các bệnh như táo bón, sỏi đường tiết niệu, đặc biệt xảy ra ở những người hay uống rượu.
Uống nước một cách chủ động cũng sẽ giúp phòng ngừa các chứng bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các bệnh nghiêm trọng khác.
Do đó, người cao tuổi, bệnh nhân bị các chứng xơ vữa động mạch, cholesterol cao, bệnh nhớt máu, bệnh tim, đột quỵ, bệnh nhân mạch vành nên uống nước nhiều hơn người bình thường.
Phụ nữ có thai, trẻ em và thanh thiếu niên nên tạo thói quen thường xuyên uống nước để đảm bảo đủ lượng nước cho cơ thể hoạt động thuận tự nhiên.
4. Đi vệ sinh đúng giờ
Cũng giống như khát nước, việc chờ đến lúc thật "buồn" ở mức không chịu được mới đi đại tiểu tiện là một thói quen hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.
Các chuyên gia sức khỏe cho rằng, nếu giữ nước tiểu ở lại trong cơ thể quá lâu, dễ dẫn đến táo bón hoặc bàng quang đầy ứ.
Khi bàng quang, ruột già hoạt động quá mức sẽ bị tổn hại, thậm chí có thể dẫn đến việc các chất độc hại trong nước tiểu và phân bị hấp thụ ngược trở lại vào cơ thể.
Tạo thói quen đi đại tiểu tiện thường xuyên, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy sẽ là cách giữ gìn sức khỏe ổn định.
Đây cũng là giải pháp có thể ngăn ngừa táo bón và làm giảm tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng, tốt cho bệnh nhân bị bệnh trĩ.
5. Đi ngủ đúng giờ
Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ sẽ giúp cơ thể luôn cân bằng, khỏe mạnh (Ảnh minh họa)
Đa phần những người trẻ tuổi không có thói quen đi ngủ đúng giờ, thậm chí họ còn không có cảm giác buồn ngủ, sai lầm hơn là họ chờ có dấu hiệu buồn ngủ mới lên giường.
Trên thực tế, khi bạn cảm thấy dấu hiệu buồn ngủ, nghĩa là cơ thể đã rơi vào trạng thái rất mệt mỏi. Lúc này, não đã xuất hiện trạng thái không thể chịu đựng thêm được nữa mới "bắt" bạn phải khẩn trương lên giường.
Duy trì thói quen ngủ đúng giờ không chỉ có thể bảo vệ não bộ, giúp dễ dàng có giấc ngủ nhanh, cải thiện chất lượng giấc ngủ và làm giảm chứng mất ngủ.
6. Ăn uống đúng giờ
Một số người do bận rộn nên không còn thói quen ăn uống đúng giờ, thậm chí còn không ăn khi không thấy đói. Cách ăn uống như vậy rất dễ làm hỏng dạ dày, suy yếu sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật.
Thức ăn mà bạn ăn vào chỉ tồn tại trong dạ dày khoảng 4-5 giờ đồng hồ, khi đói bụng nghĩa là dạ dày đã hoàn toàn bị rỗng.
Lúc đó, dịch dạ dày trong niêm mạc dạ dày sẽ "tự tiêu hóa", có khả năng gây viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng, rất nguy hiểm tới sức khỏe.
7. Khám sức khỏe định kỳ đúng lịch
Khám sức khỏe định kỳ giúp sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời (Ảnh minh họa)
Để biết sớm những căn nghiêm trọng, cách tốt nhất là lên lịch khám bệnh và thực hiện một cách "đúng giờ hẹn".
Một số bệnh như viêm gan, lao phổi, tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, ung thư là những bệnh có thể biết trước, khám càng sớm, khả năng chữa trị càng cao.
Trong thực tế, nhiều người không có thói quen khám bệnh định kỳ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội cứu sống tính mạng hoặc ít ra cũng có thể chữa khỏi một phần bệnh tật.
*Theo MOP