Dâu tây là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng có tác dụng bảo vệ sức khỏe mạnh mẽ. Chúng có hàm lượng calo thấp, giàu chất xơ và dồi dào chất chống oxy hóa và polyphenol.
Một cốc dâu tây chứa hơn 100% mục tiêu tối thiểu hàng ngày đối với vitamin C hỗ trợ miễn dịch. Ngoài chức năng như một chất chống oxy hóa phòng chống lại bệnh tật và tuổi tác, vitamin C còn giúp tạo ra collagen và duy trì sức khỏe của da.
Dâu tây cũng rất giàu các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm khác. Đây là một lý do tại sao các loại quả mọng, bao gồm cả dâu tây, có liên quan đến sức khỏe của não.
Trong một nghiên cứu, những phụ nữ lớn tuổi tiêu thụ ít nhất 1-2 khẩu phần dâu tây mỗi tuần (với một khẩu phần khoảng 8 quả dâu tây nguyên quả) đã giảm thiểu mất chức năng nhận thức.
Chúng là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng giúp quản lý lượng đường trong máu và cải thiện sức khỏe tim mạch.
I. Dâu tây chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một khẩu phần 100g dâu tây tươi chứa khoảng 32 calo. Điều này làm cho chúng trở thành một loại thực phẩm có hàm lượng calo thấp. Bạn có thể ăn những thứ này mà không lo tăng cân. Dâu tây không chứa chất béo và một cốc chứa khoảng 3g chất xơ.
Dâu tây chủ yếu bao gồm nước (91%) và carbohydrate (7,7%). Chúng chỉ chứa một lượng nhỏ chất béo (0,3%) và protein (0,7%).
Các chất dinh dưỡng trong 100g dâu tây:
- Lượng calo: 32
- Nước: 91%
- Chất đạm: 0,7g
- Carb: 7,7g
- Đường: 4,9g
- Chất xơ: 2g
- Chất béo: 0,3g
Các chất dinh dưỡng khác trong dâu tây:
- 1g protein (2% giá trị hàng ngày)
- 4mg vitamin C (149% giá trị hàng ngày)
- 6mg mangan (29% giá trị hàng ngày)
- 5mcg folate (9% giá trị hàng ngày)
- 233mg kali (7% giá trị hàng ngày)
- 8mg magiê (5% giá trị hàng ngày)
- 3mcg vitamin K (4% giá trị hàng ngày)
II. Dâu tây có tác dụng gì?
1. Dâu tây giúp cải thiện chức năng tim
Dâu tây chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho tim như axit ellagic và flavonoid như anthocyanin, catechin, quercetin và kaempferol. Theo một nghiên cứu, các hợp chất phenolic này giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bằng cách ức chế sự hình thành cholesterol toàn phần và LDL (có hại).
Dâu tây rất giàu chất xơ và vitamin C, một cặp chất dinh dưỡng tuyệt vời để giảm stress oxy hóa, có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Thêm vào đó, dâu tây là một nguồn cung cấp kali dồi dào, đã được chứng minh là giúp bảo vệ chống lại bệnh tim. Kali có thể giúp hỗ trợ giảm huyết áp, vì nó giúp giảm tác động của natri lên huyết áp.
Một nghiên cứu năm 2013 cho biết, tăng cường thực phẩm giàu kali đồng thời giảm lượng natri tiêu thụ có thể giúp hỗ trợ giảm nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ.
Một nghiên cứu khác của Trường Y Harvard cho thấy, những phụ nữ trẻ và trung niên ăn 3 cốc dâu tây hoặc quả việt quất mỗi tuần giảm nguy cơ bị đau tim tới 34%. Hàm lượng anthocyanins có thể cao trong quả mọng làm giãn mạch máu, giúp hỗ trợ giảm huyết áp và ngăn ngừa các vấn đề tim mạch. Hàm lượng chất xơ cao, vitamin C và folate trong dâu tây tạo thành bộ ba lý tưởng cho sức khỏe tim mạch. Chúng có thể hỗ trợ làm giảm lượng cholesterol trong động mạch và mạch máu.
Dâu tây bảo vệ tim bằng cách giảm viêm, tăng cường cholesterol tốt HDL, bảo vệ chống lại quá trình oxy hóa cholesterol xấu LDL (tiền thân của việc làm cứng động mạch) và cải thiện tuần hoàn.
2. Hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư
Dâu tây cũng là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời. Nó đã được xếp hạng trong 10 loại trái cây hàng đầu về khả năng chống oxy hóa và đây có thể là lý do chính mà chúng có thể giúp hỗ trợ ngăn ngừa ung thư.
Các chất chống oxy hóa giúp chống lại sự hình thành khối u, ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư. Thường xuyên ăn các loại quả mọng, bao gồm cả dâu tây, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bao gồm ung thư thực quản và ung thư phổi.
3. Hỗ trợ quản lý bệnh đái tháo đường
Ăn dâu tây có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2 vì dâu tây có chỉ số đường huyết thấp, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh đã xác nhận.
Một nghiên cứu khác do Viện Nghiên cứu Y tế Canada tài trợ cho thấy, ăn dâu tây cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở những người mắc đái tháo đường.
Ăn dâu tây vào cuối bữa ăn đã được chứng minh là giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và lượng insulin. Điều đó chuyển thành năng lượng tinh thần và thể chất ổn định hơn. Nó cũng có thể giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, béo phì và bệnh tim.
4. Duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa, tăng khả năng miễn dịch
Chất xơ trong dâu tây giúp duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa bằng cách hỗ trợ sự phát triển của hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Điều này ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch, chống viêm và cải thiện tâm trạng.
Thực phẩm giàu chất xơ và nước như dâu tây sẽ chống lại khí gas trong ruột gây đầy hơi. Và bởi vì dâu tây là một nguồn cung cấp kali tuyệt vời - một chất dinh dưỡng chống lại natri gây đầy hơi trong chế độ ăn uống của bạn. Do chứa nhiều chất xơ, dâu tây giúp tăng cường tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Chúng có thể đặc biệt tốt cho trẻ em.
Vitamin C có trong dâu tây và nhiều loại trái cây khác, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp chữa ho và cảm lạnh thông thường. Một cốc dâu tây có thể đáp ứng nhu cầu vitamin C hàng ngày của bạn.
5. Tăng cường chức năng não
Thường xuyên ăn dâu tây có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở phụ nữ lớn tuổi, mà các nhà nghiên cứu cho rằng do hàm lượng flavonoid cao (hay còn gọi là chất chống viêm có trong thực vật).
Dâu tây rất giàu i-ốt, vitamin C và chất phytochemical, giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh.
Kali có trong dâu tây, được biết là có liên quan đến việc cải thiện chức năng nhận thức bằng cách tăng lưu lượng máu đến não.
Nghiên cứu của Harvard cho thấy rằng tiêu thụ nhiều flavonoid, đặc biệt là từ quả việt quất và dâu tây, làm giảm tỷ lệ suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi.
III. Lưu ý khi tiêu thụ dâu tây để tốt cho sức khỏe
1. Bạn nên ăn bao nhiêu dâu tây mỗi ngày?
Một khẩu phần dâu tây là một cốc dâu tây cắt lát hoặc khoảng 8 quả dâu tây nguyên quả. Vì một khẩu phần chỉ có khoảng 50 calo, nếu bạn tiêu thụ tới 4 khẩu phần cũng chỉ tương đương với 200 calo. Lượng khuyến cáo là không nên tiêu thụ quá 4 cốc mỗi ngày. Thông thường chỉ 1/2-1 cốc là đủ.
Tuy nhiên, việc ăn dâu tây nguyên quả và cắt lát hoặc xay nhuyễn chúng sẽ làm ảnh hưởng tới các chất dinh dưỡng có trong dâu tây. Khi nước ép được chiết xuất, chất xơ đã được đưa ra ngoài và điều đó có tác dụng khác. Nếu không có chất xơ, nước ép dâu tây thực sự có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn thay vì ổn định chúng.
2. Cách lựa chọn và bảo quản dâu tây
Khi bạn chọn dâu tây, hãy tìm những quả có màu đỏ đều, căng mọng và thơm. Chọn những quả còn nguyên cuống và lá tươi chứng tỏ dâu tươi mới hái. Tốt nhất là nên ăn loại dâu tây được trồng và thu hái tại địa phương và ăn sống trong thời gian ngắn nhất.
Dâu tây có mức độ thuốc trừ sâu cao nhất, theo USDA, vì vậy hãy mua trái cây hữu cơ và được trồng tại địa phương là tốt nhất. Chọn dâu tây hữu cơ được trồng tại địa phương vì chúng an toàn để ăn và có hương vị ngọt ngào. Loại dâu tây nhập khẩu từ nước ngoài có quanh năm. Tuy nhiên, chúng rất dễ hỏng và có thể bị ngâm hóa chất bảo quản.
Bạn có thể loại bỏ phần lớn dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất tồn đọng trong dâu tây bằng cách rửa chúng nhiều lần dưới vòi nước chảy. Sau đó ngâm với nước lọc pha chút muối loãng hoặc giấm trong 5 phút.
Muốn bảo quản dâu tây trong tủ lạnh, bạn cần cho vào túi giấy và cất trong ngăn đựng rau hoặc dùng hộp nhựa thoáng khí cất phía bên phần cánh tủ nơi hơi lạnh ít nhất để tránh quả bị đông cứng. Với cách bảo quản này bạn có thể sử dụng chúng trong một tuần hoặc đông lạnh nguyên quả trong hộp kín và bảo quản trong tối đa 6 tháng.
3. Tác dụng phụ của dâu tây
Dâu tây được coi là an toàn để tiêu thụ mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc về lượng tiêu thụ của mình nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu . Dâu tây được coi là một trong những chất làm loãng máu tự nhiên. Ăn quá nhiều dâu tây khi đang dùng thuốc có thể làm loãng máu quá mức. Vì vậy, hãy tránh ăn nhiều hơn một cốc dâu tây mỗi ngày.