Nhiều người làm vườn lâu năm sẽ nói với bạn rằng khu vườn là nơi đem lại niềm vui và cảm giác hạnh phúc cho họ. Và nhiều nghiên cứu mới đã chứng minh rằng cơ thể con người thực sự có được những lợi ích về sức khỏe thể chất và tâm thần nhờ việc làm vườn. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe đó.
1. Giúp cơ thể chống lại bệnh tật
Khi làm vườn, đặc biệt là làm vườn vào buổi sáng, cơ thể tăng cường hấp thụ vitamin D - một trong những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong vòng 30 phút có thể giúp cơ thể tạo ra từ 8.000 đến 50.000 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D, tùy thuộc vào mức độ che phủ quần áo và màu da của bạn.
Vitamin D là chất dinh dưỡng cần thiết cho các chức năng của cơ thể. Điển hình, vitamin D giúp tăng cường sức khoẻ xương và giúp cải thiện hệ miễn dịch.
Ngoài ra, vitamin D cũng được các nhà khoa học chứng minh là có thể giúp phòng tránh nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang,...
Thiếu vitamin D cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến, bệnh tiểu đường loại 2 và chứng sa sút trí tuệ.
Ảnh minh hoạ: Khi làm vườn, đặc biệt là làm vườn vào buổi sáng, cơ thể tăng cường hấp thụ vitamin D - một trong những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
2. Tăng cường thể lực
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết làm vườn cũng là một hình thức tập thể dục. Các hoạt động như cào đất và cắt cỏ nằm trong nhóm bài tập thể dục có cường độ nhẹ và trung bình. Trong khi đó, các hoạt động như cuốc đất có thể được coi là bài tập thể dục cường độ mạnh. Như vậy, công việc làm vườn giúp con người sử dụng các nhóm cơ chính trong cơ thể.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra các hoạt động thể chất khi làm vườn giúp phòng ngừa tình trạng thừa cân béo phì hiệu quả, từ đó giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý.
3. Tốt cho tim mạch
Một lợi ích tuyệt vời của việc làm vườn đối với sức khỏe là giúp ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng cao huyết áp. Thực tế, bạn có thể làm vườn (ví dụ chỉ cần gom hết lá trong vườn) chừng 30 - 45 phút mỗi ngày, duy trì hầu hết các ngày trong tuần với cường độ hợp lý để kiểm soát tình trạng này.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh làm vườn giúp giảm huyết áp, phòng ngừa đột quỵ và nguy cơ nhồi máu cơ tim lên đến 30% ở những người trên 60 tuổi.
Ảnh minh hoạ: Làm vườn cũng là một hình thức tập thể dục tốt cho sức khoẻ và tim mạch.
4. Tăng cường chất lượng giấc ngủ
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania đã chỉ ra rằng những người làm vườn thường có giấc ngủ ngon hơn với thời gian ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm.
Căng thẳng có thể khiến chúng ta khó ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, việc dành thời gian để làm vườn là cách tuyệt vời để giảm bớt căng thẳng bằng cách kết nối với thiên nhiên. Do đó, làm vườn có thể thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn và sâu hơn.
Một nghiên cứu khác của Đại học Oxford cũng phát hiện ra rằng ra ngoài và tiếp xúc với không khí tự nhiên mỗi ngày là cách tốt nhất để điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể. Vì vậy, làm vườn ngoài trời có thể giúp bạn dễ ngủ hơn.
5. Tăng cường trí nhớ
Các bác sĩ chỉ ra rằng tập thể dục giúp cải thiện chức năng nhận thức của não bộ. Có nhiều bằng chứng đã chỉ ra hoạt động làm vườn có thể thúc đẩy sự phát triển của các dây thần kinh có chức năng ghi nhớ trong não.
Các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đã tổ chức các hoạt động làm vườn trong vòng 20 phút cho những người trên 65 tuổi đang được điều trị chứng mất trí nhớ tại một cơ sở nội trú tại quận Gwangjin, Seoul, Hàn Quốc.
Nhóm tham gia bao gồm cả nam và nữ được yêu cầu thực hiện các hoạt động làm vườn như cuốc đất, bón phân, tưới nước, trồng rau,... trong vòng 20 phút. Sau đó, các nhà nghiên cứu phát hiện hoạt động làm vườn giúp tăng hoạt chất dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF). Nồng độ BDNF trong máu tăng giúp thúc đẩy trí nhớ bằng cách tăng sinh tế bào thần kinh trong não bộ.
Trong một đánh giá nghiên cứu năm 2014, các nhà phân tích phát hiện làm vườn giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và có vai trò như một phương pháp điều trị hiệu quả cho những người bị sa sút trí tuệ.
Trên thực tế, ở Hà Lan và Na Uy, những người bị sa sút trí tuệ thường tham gia vào các chương trình Greencare - một dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở khu vực Bắc Âu, nơi họ dành phần lớn thời gian trong ngày để làm việc trong các trang trại và vườn nông sản.
Ảnh minh hoạ: Thực hiện các hoạt động làm vườn như cuốc đất, bón phân, tưới nước, trồng rau,... trong vòng 20 phút giúp tăng cường trí nhớ.
6. Giảm căng thẳng, lo âu
Các nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy làm vườn giúp cải thiện tâm trạng một cách đáng kể. Khi một người dành thời gian để làm vườn, mức độ lo lắng của họ giảm xuống và họ ít cảm thấy chán nản hơn.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2011, những người bị trầm cảm đã được yêu cầu tham gia các hoạt động làm vườn trong 12 tuần. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã đo lường một số khía cạnh sức khỏe tâm thần của họ, bao gồm cả các triệu chứng trầm cảm. Kết quả cho thấy tất cả các triệu chứng này đều được cải thiện đáng kể trong vòng nhiều tháng sau đó.
Ngoài ra, làm vườn cũng giúp bạn giảm căng thẳng. Trong một nghiên cứu vào năm 2011, các nhà nghiên cứu đã cho các tình nguyện viên tham gia tiếp xúc với một số hoạt động gây căng thẳng. Sau đó, các nhà nghiên cứu chia các tình nguyện viên thành 2 nhóm, một nhóm được yêu cầu dành thời gian để đọc sách và nhóm còn lại dành thời gian để làm vườn.
Sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra nồng độ hormone căng thẳng cortisol trong cơ thể của 2 nhóm. Họ nhận thấy rằng mức độ căng thẳng của nhóm làm vườn giảm đáng kể so với nhóm đọc sách.
Ảnh minh hoạ: Làm vườn giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và lo âu.
Lưu ý khi làm vườn
- Chú ý đến hướng dẫn sử dụng của tất cả sản phẩm hóa chất khi làm vườn. Một số loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ dại và phân bón có thể nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách.
- Mang găng tay, kính bảo hộ, quần dài, giày bít mũi và các thiết bị an toàn khác, đặc biệt là khi bạn sử dụng các công cụ sắc nhọn.
- Sử dụng xịt chống côn trùng và kem chống nắng.
- Uống nhiều nước và thường xuyên nghỉ ngơi trong bóng râm để tránh tình trạng say nắng.
- Để các dụng cụ sắc nhọn, hóa chất ra khỏi tầm tay của trẻ em để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Nguồn: Healthline, NewsMedical