Vào ngày 21/11, ông Mugabe, 93 tuổi, đã chính thức từ chức Tổng thống, qua đó chấm dứt 37 năm cầm quyền. Quyết định từ chức của ông bị các tướng lĩnh ép buộc nhằm cho phép ông Mnangagwa, người từng là cánh tay phải của ông Mugabe, được chọn là lãnh đạo tiếp theo của đất nước chứ không phải là bà Grace, vợ của ông Mugabe.
Ông Mnangagwa đã có bài phát biểu trước công chúng nói rằng ông hứa đất nước Zimbabwe sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Ông Mnangagwa cho biết ông sẽ đại diện cho “những người Zimbabwe yêu nước” và rằng cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức vào năm 2018 như đã định.
Ông cũng thề sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng trong chính quyền Zimbabwe. Tuy nhiên, ông không đề cập đến vấn đề nhân quyền và rằng ông kêu gọi người Zimbabwe “hãy để những sự kiện quá khứ đi vào dĩ vãng”.
Trong quá khứ, từ năm 1983 đến 1987, chính quyền Harare đã tiến hành một cuộc thanh trừng sắc tộc đối với người dân tộc Ndebele. Ước tính đã có 20.000 người bị giết trong hoạt động này với cớ họ phản đối chính quyền Harare.
Mặc dù ông Mugabe là người chỉ đạo chiến dịch này, song ông Mnangagwa khi đó là Bộ trưởng An ninh Quốc gia và từng gọi người Ndebele là “những con gián” và thề sẽ “không để chúng tồn tại lâu trên thế giới”.
Ông Mnangagwa phủ nhận có liên quan đến chiến dịch thanh trừng sắc tộc trên, song nhiều chuyên gia cho rằng so với ông Mugabe ông cũng không tốt đẹp hơn. “Ông ta đã giành quyền lực từ tay quỷ dữ, song điều đó không có nghĩa là tôi coi ông ta như đấng cứu thế”, ông Patson Dzamara, một nhà hoạt động chính trị có người anh trai mất tích sau một cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2015 cho biết. “Quá nhiều người đã bị giết, tra tấn hoặc bị bắt bỏ tù và những người trong chính quyền mới này là những người đã gây ra điều đó”.
Zimbabwe đã xảy ra nhiều vụ đàn áp chính trị bằng vũ lực cũng như bị cáo buộc vi phạm nhân quyền phần lớn đối với những người hoạt động chính trị. Một vụ truy quét đối với đảng đối lập Phong trào Thay đổi vì Dân chủ (MDC) đã khiến nhiều lãnh đạo đảng này bị bắt bớ, đánh đập và bị giết hại. Ông Mnangagwa được cho là chủ mưu của hoạt động này.
Gần đây, một cuộc đình công nhằm đấu tranh chống lại tình trạng tham nhũng và kinh tế yếu kém đã khiến hàng trăm người bị bắt. Một số nguồn tin cho rằng, cũng chính những người đã tổ chức phong trào đình công đã tiến hành biểu tình yêu cầu ông Mugabe từ chức.