"Yếu tố nhạy cảm" trong kế hoạch của ông Zelensky khiến phương Tây dè dặt giữa thời khắc trọng yếu

Thi Anh |

Theo Reuters, kế hoạch 5 điểm của ông Zelensky được đưa ra vào một thời điểm trọng yếu trong cuộc xung đột.

Nội dung chính

  • Ông Zelensky hối thúc phương Tây ủng hộ lời mời Ukraine gia nhập NATO
  • Phương Tây tiếp cận thận trọng trong giai đoạn đặc biệt

Lời mời gia nhập NATO - yếu tố nhạy cảm

Ngày 17/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày "kế hoạch chiến thắng" của mình cho các nhà lãnh đạo châu Âu, hối thúc họ hậu thuẫn lời kêu gọi của ông về lời mời Ukraine gia nhập NATO, Reuters đưa tin. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo từ 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, ông Zelensky cũng kêu gọi các nước tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

"Lời mời tức thì cho Ukraine gia nhập NATO sẽ mang tính quyết định. [Tổng thống Nga Vladimir] Putin cần thấy rằng những tính toán địa chính trị của ông ấy là vô giá trị", ông Zelensky nói với các nhà lãnh đạo của các nước EU, trong đó phần lớn là thành viên của NATO.

Ông Zelensky lập luận rằng NATO có thể phát lời mời ngay bây giờ, còn việc trở thành thành viên thực sự có thể diễn ra sau này.

Theo Reuters, kế hoạch 5 điểm của ông Zelensky được đưa ra vào một thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột, khi lực lượng của Moscow đạt nhiều tiến triển ở phía Đông Ukraine, mùa đông lạnh lẽo với tình trạng cắt điện sắp đến và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây bất ổn cho sự hỗ trợ từ phía phương Tây trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có dấu hiệu cận kề nào cho thấy các đồng minh quyền lực nhất của Kiev sẵn lòng ủng hộ những yếu tố nhạy cảm nhất của kế hoạch - chẳng hạn như lời mời gia nhập NATO - ngay cả khi họ cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Vì sao phương Tây thận trọng?

Tại trụ sở NATO, nơi ông Zelensky có lịch trình ghé thăm trong ngày, Tổng thư ký Mark Rutte tái khẳng định cam kết của liên minh rằng "Ukraine sẽ là thành viên của NATO trong tương lai" nhưng chưa thể đưa ra thông tin chính xác về thời điểm.

"Câu hỏi này là về mốc thời gian... Tôi không thể trả lời được điều đó ngay bây giờ, vào lúc này", ông Rutte nói với các phóng viên tại buổi khai mạc cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng NATO.

Ông Rutte cho biết, 32 thành viên của NATO sẽ phải nghiên cứu chi tiết kế hoạch của ông Zelensky. Nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc vào Mỹ, quốc gia đang nắm quyền chủ đạo và hiện vẫn chưa sẵn lòng gửi lời mời gia nhập cho Ukraine.

Các quan chức NATO cho biết họ không mong đợi một lời mời gửi đến Ukraine trong thời gian tới, đặc biệt là khi Mỹ đang bận rộn trong những tuần cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng và các lãnh đạo châu Âu đang chờ xem cuộc bầu cử sắp tới có thể thay đổi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương như thế nào, Washington Post cho hay.

Những chuyến thăm liên tục của nhà lãnh đạo Ukraine đã thành công trong việc đẩy vấn đề mời gia nhập NATO lên cao trong chương trình nghị sự, nhưng cho đến nay, những bên hậu thuẫn lớn nhất cho Kiev ở phương Tây vẫn đang tiếp cận vấn đề một cách thận trọng.

"Lúc này không phải là lúc chúng tôi bàn thảo về việc đưa ra lời mời trong ngắn hạn", Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith nói với báo giới ngày 16/10, "Nhưng như mọi khi, chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc trò chuyện với bạn bè của chúng tôi ở Ukraine để trao đổi với họ về những cách mà họ có thể tiếp tục thực hiện nhằm tiến gần hơn với liên minh này".

Trong khi đó, một số đồng minh thân cận nhất của Kiev tại khu vực Baltic đã lên tiếng hậu thuẫn sáng kiến của ông Zelensky. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Laurynas Kasciunas còn ủng hộ lời kêu gọi cho Ukraine có tư cách thành viên NATO ngay lập tức.

Về phần mình, Nga đã lên án kế hoạch của ông Zelensky và cho rằng nhà lãnh đạo Ukraine đang tìm cách thúc đẩy NATO vào một cuộc xung đột trực tiếp với Moscow. Trước đó, Tổng thống Putin từng nói rằng, khả năng gia nhập NATO của Ukraine là "mối đe dọa cơ bản" đối với an ninh của Nga.

Theo Reuters, NATO khẳng định Ukraine sẽ trở thành thành viên nhưng liên minh này cho rằng không thể làm như vậy trong thời điểm giao tranh vì điều này sẽ trực tiếp kéo NATO vào xung đột với Nga.

Bên cạnh lời mời gia nhập NATO, trong kế hoạch của mình, ông Zelensky tiếp tục kêu gọi các nước cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để đánh sâu vào lãnh thổ Nga và ủng hộ một "gói răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện" ở Ukraine để phòng thủ trước các mối đe dọa từ Nga.

"Chúng tôi đề xuất đặt một gói răn đe trên lãnh thổ Ukraine để buộc Nga tham gia vào các cuộc đàm phán thực sự hoặc tạo điều kiện phá hủy các mục tiêu quân sự của họ", ông Zelensky nói, không tiết lộ chi tiết về "gói răn đe" này.

Kế hoạch của ông Zelensky cũng đề nghị phương Tây tham gia phát triển tài nguyên khoáng sản của Ukraine và đề xuất thay thế một số lực lượng của Mỹ ở châu Âu bằng binh lính Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại