Rodrigo Duterte, tân Tổng thống của Philippines, đã quen với việc được người khác kính nể.
Khi còn là Thị trưởng thành phố miền Nam Davao, nơi luật pháp một thời không được coi trọng, cuộc chiến chống buôn bán ma túy của ông đã được triển khai một cách sâu rộng, để lại kha khá những cái xác găm đầy đạn, "sản phẩm" của cả cảnh sát lẫn các biệt đội hành quyết mà ông Duterte lập ra để thanh trừng những kẻ dính líu đến ma túy mà không cần qua quy trình xét xử thông thường.
Khi đó, chính ông Duterte vẫn hay cưỡi mô-tô lướt qua những con phố, trên người khoác một khẩu súng trường.
Nhưng chiều ngày 12/7, ông có vẻ rất khó chịu, một phụ tá thân cận của Duterte cho biết. Tổng thống Philippines cảm thấy Trung Quốc đang đùa cợt với mình.
Bản "yêu sách" của Trung Quốc
Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được công bố khi phiên họp nội các Philippines đang diễn ra. Và sau màn vỗ tay đầy phấn khởi thì việc đầu tiên phải làm là ra thông cáo. Một Bộ trưởng bỗng lên tiếng: Tối qua ông ta đã ăn tối cùng đại sứ Trung Quốc.
Duterte lập tức chú ý tới chuyện đó. "Anh đã làm gián điệp cho Trung Quốc rồi à?", ông hỏi bằng giọng châm chọc.
Ông Duterte trong phiên họp nội các.
Sau đó, vị Bộ trưởng này đưa ra một danh sách dài (từ Đại sứ Trung Quốc) liệt kê chi tiết những điều mà Bắc Kinh khuyến cáo Philippines nên - và không nên nói - khi phán quyết được đưa ra. Lường trước được kết quả không có lợi cho mình, Trung Quốc lo ngại Manila sẽ ra một thông cáo khiến nước này thêm phần bẽ bàng.
Duterte bỗng trở nên nghiêm túc. Ông khó chịu không phải chỉ vì sự ngạo mạn trong những yêu sách của Trung Quốc, mà bởi hôm trước, chính Tổng thống đã trực tiếp gặp và trấn an đại sứ. "Ông ta không tin những gì tôi nói sao?", ông Duterte hỏi.
"Cái này tôi nói riêng ở đây thôi, Tổng thống nhấn mạnh. Thực ra chính tôi cũng đã định sẽ tuyên bố một vài điều trong số ấy. Nhưng vì đại sứ quán [Trung Quốc] cứ muốn tôi phải nói, nên giờ tôi sẽ không nói nữa".
Người lãnh đạo mới của Philippines nhanh chóng nhận được bài học về kiểu can thiệp thô bạo của Trung Quốc.
Mắc kẹt giữa Mỹ - Trung
Ông Duterte mắc kẹt trong cuộc đối đầu nhằm giành thế thượng phong trong khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong mắt nhiều người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vai trò của Manila chỉ nhỉnh hơn con tốt của Mỹ trong ván cờ này một chút.
Liệu Rodrigo Duterte, người vẫn chưa được kiểm chứng trên vũ đài quốc tế, có khí chất và kỹ năng chính trị để hành xử khéo léo giữa 2 người khổng lồ hay không?
Trước khi PCA ra phán quyết phủ nhận quyền lịch sử của Trung Quốc ở biển Đông, cũng như nêu rõ những vi phạm của nước này khi xây đảo nhân tạo trái phép và va chạm với ngư dân Philippines, những người chỉ trích ông Dutertec cho rằng ông sẽ nhún nhường.
Khi còn vận động tranh cử, ông Duterte thậm chí còn nói, ông có thể đổi chủ quyền trên biển lấy một tuyến đường sắt mà Trung Quốc xây dựng tại quê nhà Mindanao.
Ông Duterte cũng cam kết sẽ không để quân đội Philippines đứng trước nguy cơ xung đột với Trung Quốc, cuộc đối đầu mà họ khó lòng chiến thắng. Nếu cần, Duterte nói đùa, ông sẽ cưỡi mô-tô nước tới bãi cạn Scarborough và tự mình bảo vệ khu vực tranh chấp.
Thực ra, Duterte không phải là người lựa chọn cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc; ông đã "thừa hưởng" nó từ người tiền nhiệm Benigno Aquino III. Tuy nhiên, sau phán quyết của PCA, Duterte lại muốn sử dụng nó để làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán song phương.
Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III.
Thế nhưng, Trung Quốc đã phủ nhận phán quyết và khẳng định sẽ không đàm phán với Manila trên cơ sở những kết luận của Tòa.
Về phần mình, Washington đang thận trọng quan sát tân Tổng thống Philippines. Ông Duterte cũng không che giấu sự nghi ngờ trước những cam kết mà Mỹ dành cho Philippines.
Ramon Beleno, giáo sư Đại học Ateneo de Davao cho biết: Ông Aquino tin rằng Philippines luôn có Mỹ "đứng sau hậu thuẫn", trong khi ông Duterte "muốn có một chính sách độc lập hơn, không cần viện tới sự hỗ trợ từ Washington".
Điều đó không có nghĩa là ông Duterte muốn bỏ rơi đồng minh của mình. Trong phiên họp nội các, ông đã tuyên bố rằng, ông hoan nghênh động thái phô diễn sức mạnh của tàu sân bay Mỹ. "Hãy để họ đưa tàu tới", ông nói. "Các vị bảo họ: Tới đi. Nhưng tôi thì không thể nói công khai như vậy".
Dù vậy, Chito Sta. Romana - Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines cho rằng, "Có một sự xoay chuyển". Ông Duterte đã "ra tín hiệu muốn hợp tác với Bắc Kinh chứ không phải đối đầu".
Benigno Aquino cũng đã bắt đầu với tham vọng đó. Nhưng sau khi tàu Trung Quốc phong tỏa Scarborough năm 2012, Aquino đã thay đổi và bắt đầu so sánh Bắc Kinh với Đức Quốc xã. Ngay năm sau, ông đưa vụ việc ra tòa.
Ông Duterte còn là người dễ thay đổi hơn - và ông đem theo cả lối hành xử theo kiểu "đường phố" vào quan hệ ngoại giao quốc tế.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, mới đầu ông Duterte còn từ chối gặp đại sứ Mỹ, người đã phê phán ông vì buông lời đùa cợt về vụ cưỡng hiếp và sát hại một nhà truyền giáo Australia năm 1989. Ông Duterte sau đó đã phải xin lỗi.
Trung Quốc chắc chắn sẽ mong muốn Duterte lưu ý tới lối hành xử của bản thân. Tại Bắc Kinh, "Người trừng phạt" - cái tên mà người ta đặt cho Duterte vì chiến lược trấn áp tội pháp mạnh tay của ông - có lẽ đã gặp phải đối thủ.