Yêu cầu bất thường của ông Putin để đặt chân đến một nước NATO: Gần 2 năm vẫn không thể tiến hành

Hữu Hiển |

Tổng thống Nga Putin đã trì hoãn chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong gần hai năm vì những yêu cầu đặc biệt của ông.

Theo trang Middle East Eye (MEE, Anh), kể từ năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoãn chuyến thăm chính thức tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều lý do đã được các quan chức đưa ra. Một số ý kiến nói rằng ông Putin đã tránh tới bất kỳ quốc gia nào không thuộc Liên Xô cũ kể từ khi chiến sự Ukraine bắt đầu. Những người khác cho rằng đó là do cuộc bầu cử ở Nga vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, các nguồn tin thân thuộc với người Nga nói với Middle East Eye rằng, các điều kiện của Tổng thống Putin để đến Ankara là lý do chính khiến ông liên tục trì hoãn chuyến thăm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kiểm tra máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57 tại Zhukovsky, ngoại ô Moscow, vào ngày 27/8/2019. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Rủi ro bị bắn hạ trên không

Các nguồn tin của MEE cho hay, ông Putin muốn bay đến Thổ Nhĩ Kỳ với sự hộ tống của các máy bay chiến đấu Nga, có thể là do lo ngại về nguy cơ máy bay bị phía Ukraine bắn hạ trên không.

Yêu cầu của Moscow về việc cho phép máy bay chiến đấu Nga hộ tống chuyên cơ tổng thống và hạ cánh trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ là một vấn đề phức tạp, vì các hệ thống phòng không của NATO tại quốc gia này có thể coi những máy bay như vậy là mục tiêu tấn công.

Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận về chuyến thăm của Tổng thống Nga cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền vô hiệu hóa các hệ thống của NATO để đáp ứng yêu cầu từ phía Nga.

Trong các cuộc trao đổi mới nhất, các quan chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về việc Tổng thống Putin sẽ thực hiện chuyến thăm Ankara vào tuần đầu tiên của tháng 10. Tuy nhiên, đòi hỏi cụ thể về máy bay chiến đấu khiến việc lên lịch và tổ chức chuyến thăm trở nên khó khăn.

Theo MEE, lần gần đây nhất ông Putin đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ là vào năm 2014.

Hai cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ - từng tham gia chặt chẽ vào nghi thức ngoại giao xung quanh các chuyến thăm của các nguyên thủ nước ngoài - nói với MEE rằng yêu cầu của Nga là rất bất thường.

"Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể cử máy bay chiến đấu hộ tống các nguyên thủ quốc gia nước ngoài", một trong những cựu đại sứ cho biết. "Tuy nhiên, tôi không thể nhớ bất kỳ chuyến thăm nào mà các nguyên thủ quốc gia nước ngoài muốn mang theo máy bay chiến đấu của nước mình."

Một cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ khác cho biết, không có cơ chế cụ thể nào để xử lý yêu cầu như vậy, khiến vấn đề này phải được đàm phán.

Không chỉ giới hạn ở máy bay chiến đấu

Các quan chức Nga cũng phàn nàn rằng ba khách sạn lớn nhất ở Ankara (bao gồm: Hilton, Sheraton và JW Marriott) đều là các doanh nghiệp do Mỹ sở hữu. Những người am hiểu về vấn đề này nói với MEE rằng, Moscow coi các chuỗi khách sạn của Mỹ là không an toàn cho nguyên thủ quốc gia Nga.

Điều này làm dấy lên đồn đoán Ankara có thể sử dụng nhà khách của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp đón Tổng thống Putin - một động thái rất bất thường và không có tiền lệ nào gần đây.

Các nguồn tin vào năm ngoái đã nói với MEE rằng những lo ngại về an ninh của Tổng thống Putin có thể đã đóng một vai trò trong việc hoãn chuyến thăm Ankara của ông.

Vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO, các quan chức Nga đặc biệt lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra đối với sự an toàn của Tổng thống Putin hoặc đoàn tháp tùng của ông, các nguồn tin cho biết.

Thoạt nhìn, những lo ngại của Nga về các chuỗi khách sạn có vẻ hợp lý, nhưng ông Putin không cần phải ở khách sạn nếu chỉ ghé thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong một ngày.

Ví dụ, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã có chuyến thăm chính thức tới Ankara vào tuần trước, đến vào buổi trưa và rời đi vào buổi tối sau khi tham dự một loạt các cuộc gặp.

Ông Putin muốn bay đến Thổ Nhĩ Kỳ với sự hộ tống của máy bay chiến đấu Nga, có thể là do lo ngại về nguy cơ máy bay bị Ukraine bắn hạ trên không. Ảnh: Getty

Mối quan hệ nhiều thăng trầm

Theo Middle East Eye, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có mối quan hệ chiến lược dựa trên năng lượng, thương mại và du lịch, nhưng đôi khi giữa hai nước vẫn có những thăng trầm.

Một số quan chức cấp cao của Nga đã nhiều lần nói rằng Moscow muốn xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thứ hai tại Sinop của Thổ Nhĩ Kỳ, sau nhà máy mà họ đã xây dựng ở Akkuyu.

Hai nước cũng đang thảo luận về việc thành lập một trung tâm khí đốt ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, vào đầu năm nay, Tổng thống Nga Putin đã chỉ trích Ankara vì cung cấp vũ khí cho Ukraine. Moscow cũng bày tỏ lo ngại về hệ thống ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phần lớn giao dịch với Nga sau khi lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ được áp dụng vào tháng 12/2023, đe dọa các tổ chức tài chính giao dịch với các ngân hàng Nga. Động thái này dẫn đến sự sụt giảm của một số hoạt động thương mại song phương.

Mới đây, theo tạp chí Newsweek (Mỹ), khi phát biểu trực tuyến tại hội nghị "Nền tảng Crimea" do Ukraine tổ chức hôm 11/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố bán đảo Crimea - được Liên bang Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014 - phải được trả lại cho Ukraine theo luật pháp quốc tế.

"Sự ủng hộ của chúng tôi đối với toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và nền độc lập của Ukraine vẫn không thay đổi. Việc trả lại Crimea cho Ukraine là một yêu cầu của luật pháp quốc tế", ông Erdogan nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại