Nhóm phiến quân Houthi hôm 5/12 đã kiểm soát hoàn toàn thủ đô Sanaa, Yemen, một ngày sau cái chết của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, từng là một đồng minh của nhóm phiến quân song sau đó đã trở thành kẻ thù khi quyết định “đổi phe” và muốn đối thoại với Saudi Arabia. Những diễn biến mới này có nguy cơ làm trầm trọng hơn nữa cuộc nội chiến tại Yemen, quốc gia cũng đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới”.
Người dân ở thủ đô Sanaa của Yemen, vốn đã không có ngày bình yên kể từ năm 2015, hôm qua (5/12) tiếp tục phải trải qua những thời khắc kinh hoàng.
Trong khi nhóm phiến quân Houthi tăng cường các chiến dịch truy quét và thanh trừng những người thân cận với cựu Tổng thống Saleh, thì liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu cũng không ngừng dội bom xuống thủ đô. Theo các nguồn tin, ít nhất 7 vụ không kích trúng dinh tổng thống nằm giữa khu dân cư đông đúc nhưng chưa có thông tin về thương vong.
Từng là một đồng minh của nhóm phiến quân Houthi, cựu Tổng thống Saleh hồi tuần trước đã bị lực lượng này coi là “kẻ phản bội” khi tuyên bố ý định “làm hòa” với Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu liên quân Arab tham gia chống các nhóm nổi dậy tại Yemen từ năm 2015.
Cuộc xung đột trong nội bộ nhóm nổi dậy đã không ngừng leo thang trong suốt hơn 1 tuần qua. Theo Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế, ít 234 người thiệt mạng và 400 người khác bị thương tại thủ đô Sanaa kể từ hôm 1/12 vừa qua.
Sau cái chết của ông Saleh, Tổng thống Mansur Hadi đã kêu gọi người dân Yemen đoàn kết chống lại nhóm Houthi và chỉ đạo quân đội tiến về thủ đô. Cộng đồng quốc tế lo ngại, những diễn biến mới nhất này tại Yemen có nguy cơ làm trầm trọng hơn cuộc xung đột, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.750 người kể từ khi bùng phát hồi tháng 3/2015, trong đó hơn 1.500 là trẻ em, cùng hơn 50.600 người khác bị thương, phần lớn là dân thường.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (5/12) đã kêu gọi tất cả các bên “giảm căng thẳng” và tham gia trở lại “một cách vô điều kiện” tiến trình chính trị do Liên Hợp Quốc dẫn đầu nhằm đi tới một lệnh ngừng bắn bền vững.
Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc Koro Bessho, Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tháng 12 nói: "Các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bày to lo ngại sâu sắc về tình trạng căng thẳng leo thang tại Yemen.Chúng tôi một lần nữa nhắc lại sự ủng hộ đối với các nỗ lực của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed và kêu gọi tất cả các bên giảm căng thẳng và trở lại vô điều kiện tiến trình chính trị do Liên Hợp Quốc dẫn đầu nhằm đi tới một lệnh ngừng bắn bền vững.
Các nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng lo ngại sâu sắc về tình hình an ninh xuống cấp trầm trọng tại Yemen, với 8 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và sự bùng nổ các ca mắc tả đã lên tới 970.000 người. Yemen đang phải đối mặt với nạn đói thảm họa".Trong một dấu hiệu cho thấy quy mô khu vực của cuộc xung đột, cả Saudi Arabia và Iran hôm qua đều có những tuyên bố công khai chỉ trích lẫn nhau.
Trong khi Chính phủ Iran cho rằng, người Yemen sẽ dùng hành động của mình để khiến "những kẻ xâm lược" phải hối tiếc, ngầm ám chỉ Saudi Arabia, thì đối thủ lớn nhất của nước Cộng hòa Hồi giáo tại khu vực cũng không ngần ngại bày tỏ hi vọng, Yemen sẽ sớm thoát khỏi sự bao vây của "những kẻ khủng bố".
Cần phải nhắc lại rằng, cũng giống như nhiều cuộc xung đột khác tại khu vực, cuộc xung đột hiện nay ở Yemen phần nào bắt nguồn từ cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo Saudi Arabia và người Hồi giáo Shiite nắm quyền ở Iran.Saudi Arabia luôn coi việc "giữ chân" được Iran là một trong những mục đích quan trọng đối với an ninh chính trị của mình và không đâu khác, chính Yemen như "một mũi giáo sắc nhọn của Iran và cần phải bẻ gãy".
Mối quan ngại của Saudi Arabia đang ngày càng được thể hiện rõ, dù là trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq, Syria hay cuộc khủng hoảng chính trị tại Lebanon vừa qua.Ông Abdul Aziz Yusuf, chuyên gia phân tích chính trị Saudi Arabia nhận định: "Saudi Arabia vốn luôn coi Yemen là sân sau của mình và vì thế chắc chắn sẽ không chấp nhận thêm bất cứ điều gì xảy ra tại Yemen có thể gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của mình.
Khi lực lượng được Iran hậu thuẫn vẫn còn tồn tại ở Yemen, thì Saudi Arabia sẽ tìm cách để giải quyết vấn đề".Tuy nhiên, điều mà quốc tế lo ngại là bên thực sự hưởng lợi trong cuộc chiến quyền lực tại Yemen và xa hơn nữa là cuộc chiến ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran lại là các nhóm khủng bố như al-Qaeda hay IS.
Một khi khủng hoảng không được giải quyết, các nhóm khủng bố vẫn có thể tìm thấy lãnh thổ để mở rộng lực lượng.Hơn nữa, quyết định của Mỹ rút các cố vấn khỏi Yemen một mặt được phía Saudi Arabia coi là động thái bật đèn xanh của Mỹ cho nước này tự do trong cuộc đối đầu với Iran, thì mặt khác đây lại cũng là một trở ngại lớn cho hoạt động chống khủng bố.
Chính vì thế, theo các nhà phân tích, những diễn biến vừa qua tại Yemen đang thực sự đặt ra những mối lo ngại lớn cho cộng đồng quốc tế và có thể khiến Mỹ không thể tiếp tục đứng ngoài. Nếu Yemen tiếp tục lún sâu vào chiến tranh, al-Qaeda và IS "thực sự sẽ có một thiên đường" để phát triển, một tương lai mà chắc chắn không một nhà lãnh đạo thế giới nào lại không nghĩ tới trong thời điểm hiện nay.
Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin