Qua thời gian, phong tục truyền thống của người Việt ta được bảo tồn và phát triển. Đôi khi mang ảnh hưởng của những nền văn hóa lân cận, nhưng những nét đặc trưng vốn có của văn hóa Việt vẫn là kim chỉ nam, được khắc sâu trong tâm hồn mỗi người dân, tạo nên dấu ấn đậm nét không thể nhầm lẫn. Tết Hàn thực là một ví dụ.
Với người Trung Quốc, việc ăn bánh trôi (họ còn gọi là 'thang viên) là một hình thức tưởng niệm những cận thần trung nghĩa, ăn vào dịp Tết Nguyên tiêu với ngụ ý sum vầy. Còn Người Việt Ta, đĩa bánh trôi, bánh chay dâng lễ dịp mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm lại thể hiện nỗi nhớ, sự biết ơn với tổ tiên.
Tết Hàn thực ôn lại chuyện xưa
Bánh trôi bánh chay không chỉ tôn vinh cội nguồn của nền văn minh lúa nước từ thời xa xưa. Loại bánh này còn gợi nhắc đến truyền thuyết trăm trứng của mẹ Âu Cơ - thủy tổ của người Việt ta. Theo quan niệm dân gian, mọi người thường bày biện ba hoặc năm đĩa bánh trôi. Trong bát bánh chay cũng thường có ba hoặc năm bánh. Trong khi đó, thông thường, nhiều người
chỉ bày đĩa bánh trôi truyền thống theo số lẻ, tròn trĩnh, trắng đều, căng mịn nằm cạnh nhau.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta quay ngược về thời gian, ôn lại tích xưa một chút.
Trong cuốn An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển, tác giả có nhắc đến điển xưa của Tết Hàn thực. "Mùng ba tháng ba là Tết Hàn thực. Người ta làm bánh trôi, cỗ bàn cúng tế gia tiên. Tết này phỏng theo người Trung Quốc kỷ niệm ngày Giới Tử Thôi chết cháy. Tục này phần nhiều không phổ biến trong dân gian.
Trung Quốc thời Xuân Thu, công tử Cơ Trùng Nhĩ (về sau là vua Tấn Văn Công) khi bôn tẩu nước ngoài gặp cảnh loạn lạc, đói quá được bề tôi đi theo là Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình nấu dâng cho ăn.
Sau 19 năm phiêu bạt, Trùng Nhĩ trở về làm vua nước Tấn, ban thưởng cho tất cả những người cùng nằm gai nếm mật với mình nhưng quên mất Giới Tử Thôi. Tử Thôi đem mẹ vào sống trong núi Điền. Lúc vua nhớ ra cho người đến với nhưng không được. Vua sai đốt rừng ép Tử Thôi phải ra. Tử Thôi ôm mẹ chết cháy quyết không chịu. Đau xót, vua lập miếu thờ trên núi. Ngày Tử Thôi chết cháy là ngày mùng ba tháng ba. Người đời thương Tử Thôi nên mỗi năm đến ngày đó không đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội.
Người Việt Nam tiếp nhận Tết này từ sớm. Đến ngày này thường làm bánh trôi, bánh chay ăn thay đồ nguội nhưng mục đích chủ yếu để cúng gia tiên, ít người biết tích truyện trên. Hiện nay, Tết này vẫn đậm nét ở miền Bắc".
Phần điển xưa được Phan Kế Bính dẫn lại trong Việt Nam phong tục có nhiều nét giống tác giả Mai Viên Đoàn Triển, có khác là thêm phần dẫn ngày chết của Giới Tử Thôi.
"Điển nguyên ở Tàu rằng về đời Xuân Thu, vua Văn Công nhà Tấn, còn khi long đong trốn nạn, nay trú nước Tề, mai ngụ nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế.
Có một hôm, vua đi đường thiếu lương thực đói quá, bọn đầy tớ không thể kiếm lương vào đâu được. Giới Tử Thôi phải cắt thịt đùi mình ra, nấu nướng ngon lành, dâng lên vua xơi, vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám cảnh vô cùng. Theo trong mười chín năm giời, trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Đến lúc Văn Công lại được giở về làm vua nước Tấn, phong thưởng cho những người có công trong tòng vong, nhỡ quên mất công của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán hận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đem mẹ vào ở ẩn núi Điền Sơn.
Sau vua nhớ ra, sai người vào núi tìm không được. Vua sai đốt rừng ấy cho ông phải ra. Nhưng ông cũng không chịu ra, đành hai mẹ con chịu chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ trên núi và phong toả cả khu rừng đó làm tự điền.
Hôm ấy ông chết là ngày mồng 5 tháng ba. Người xứ đó thương ông ấy, cứ mỗi năm đến ngày ngày ấy thì cấm đốt lửa ba ngày mà bắt đầu từ hôm mồng ba, chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn mà thôi.
Ta nhiễm theo tục ấy, thành ra ăn Tết hôm mồng ba. Mà ta thì làm bánh trôi bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng ta chỉ cúng gia tiên, chứ không ai tưởng gì đến Giới Tử Thôi. Mà tiếng là hàn thực nhưng nấu nướng chẳng có kiêng gì".
Từ tích xưa kể lại, chúng ta biết ngày Tết Hàn thực diễn ra vào ngày mồng ba tháng ba âm lịch. Thêm tư liệu từ Phan Kế Bính mới thấy ngày mất của Giới Tử Thôi vào mồng năm tháng ba. Phải chăng vì lý do này mà đến ngày Tết Hàn thực, người dân thường dâng lễ ba hoặc năm đĩa bánh trôi, bánh chay bát có 3 hoặc 5 viên?
Ấy là dựa theo tích cũ để lại, dân ta cũng chưa chắc vì ngày mồng 5 tháng 3 Giới Tử Thôi mất mà khởi phong tục. Bởi số 5 cũng là con số tượng trưng cho Ngũ hành, tinh hoa đất trời hội tụ. Hướng về tổ tiên, cội nguồn dân tộc vốn dĩ cũng là những điều tinh tuý và tốt đẹp nên chọn số 5 cũng không có gì là lạ.
Đi cùng thời gian
Trong cuốn 100 điều nên biết về phong tục Việt Nam, tác giả Tân Việt cũng nói về phong tục cổ truyền dân ta đón lễ ngày Tết Hàn thực. Ông cũng nhắc đến việc Tết này có xuất xứ từ bên Trung Quốc, làm giỗ ông Giới Tử Thôi - hiền sĩ có công phò Tấn Văn Công bị chết cháy ở núi Điền Sơn. Tuy nhiên, sau đời nhà Tống, Tết Hàn thực ở Trung Quốc đã suy yếu và đã gộp vào với Tết Thanh minh.
Bên ấy cũng có ngày Tết Đoan Dương mồng 5 tháng 5 tưởng nhớ Khuất Nguyên chết ở sông Mịch La. Đành rằng dân ta ít nhiều cũng đón những Tết ấy, nhưng nào có biết đến Giới Tử Thôi hay Khuất Nguyên, mà chỉ cúng gia tiên nhà mình. Cho nên Tết Hàn thực ta, có thể trùng tên, nhưng theo thời gian là một nét văn hóa rất riêng của người Việt.
Sử sách vàng son của ta có biết bao lương thần, dũng tướng, hiền sĩ đủ cả, cớ gì lại đi tưởng nhớ hai người phương xa chẳng liên quan. Nói đến việc tưởng nhớ công lao người đã khuất, dân ta cũng có lệ dâng bánh trôi vào lễ Hai Bà Trưng ngày 6/3 và ngay cả giỗ Tổ đền Hùng, ngoài bánh chưng, bánh dày thì những đĩa bánh trôi bánh chay cũng được dâng lên để tưởng nhớ cội nguồn.
Nói thế để thấy, Tết Hàn thực của nước ta vẫn mang màu sắc dân tộc riêng và trường tồn qua năm tháng theo quá trình dựng nước và giữ nước ngàn đời.
Và linh hồn của Tết Hàn thực chính là bánh trôi bánh chay. Thiếu hai loại bánh này thì không còn dư vị của Tết Hàn thực.
Theo An Nam phong tục sách, người Việt thường "làm bánh trôi nước, bày cỗ bàn, cúng gia tiên". Vì vậy, bánh trôi cũng được gọi là bánh Hàn thực.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi của dân Việt vào ngày Tết Hàn thực nhiều khả năng được du nhập từ thời Lê. Trong Vân đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng từng cho biết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn".
Ngoài ra, vào khoảng thế kỷ XVI, trong Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa có viết: "Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh".
Cho nên, tục ăn bánh trôi bánh chay đã có từ thời ông bà xưa, tựa như một dấu hiệu may mắn thuận theo cội nguồn dân tộc.
Bánh trôi tròn trịa, mịn đầy, tinh khiết thể hiện cho sự viên mãn, dồi dào. Bởi vậy, ăn bánh trôi vào ngày Tết Hàn thực vừa là một cách tưởng nhớ người đã khuất, vừa là cách chiêu cầu may mắn cho bản thân và gia đình. Người có thời gian thì dậy từ sớm, chuẩn bị bột để làm bánh trôi, bánh chay và dâng cả hoa tươi, quả ngọt lên bàn thờ gia tiên. Còn người bận rộn nơi phố thị cũng không quên sà vào quầy hàng bên đường mua nhanh chóng đĩa bánh trôi, bánh chay ăn lấy "khước" (lấy may).
Tục ăn bánh trôi bánh chay từ xa xưa, như tấm lòng hiếu kính thơm thảo của người đời sau nhớ về cội nguồn. Ấy là tục đẹp sẽ còn mãi với thời gian...