Ý nghĩa tâm linh của tục lệ cúng gà trống ngày Tết

PV |

Thịt gà, ngoài giá trị dinh dưỡng còn là món ăn có giá trị văn hóa tâm linh rất lớn.

Ngày Tết là ngày đoàn tụ của các gia đình.

Trong mâm cơm sum vầy ngày Tết của người dân miền Bắc, ngoài bánh chưng xanh, dưa hành, thịt mỡ thì món thịt gà là một món ăn không thể thiếu. Ngoài giá trị dinh dưỡng, đây còn là món ăn có giá trị văn hóa tâm linh rất lớn.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Xuân Đính, tục cúng gà là tục rất cổ xưa của các các cư dân tiền công nghiệp, tức cư dân nông nghiệp.

"Sở dĩ người ta dùng gà sống bởi gà sống thể hiện tư duy lưỡng hợp của cư dân nông nghiệp, thể hiện cho tầm cao, cho ánh sáng ban ngày, sự sống", ông nói.

Ý nghĩa tâm linh của tục lệ cúng gà trống ngày Tết - Ảnh 1.

Cúng thịt gà trống trong những ngày lễ Tết trở thành phong tục của người dân Việt Nam từ nhiều năm nay.

Sau khi dâng cúng tổ tiên, cả gia đình sum vầy cùng thụ lộc và thưởng thức bữa cơm ngày Tết. "Khi dâng cúng tổ tiên, việc dâng cả con gà, cả bộ chân, bộ lòng đề cao tấm lòng trọn vẹn của con cháu với tổ tiên.

Khi con cháu hưởng lộc, đó cũng là lộc từ tổ tiên trực tiếp ban xuống", nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Xuân Đính nói.

Cúng thịt gà trống trong những ngày lễ Tết cũng trở thành phong tục, thói quen của người dân Việt Nam từ nhiều năm nay. Hoạt động này không chỉ ẩn chứa nét văn hóa mà còn mang giá trị dinh dưỡng trong những ngày này.

Nhà báo Nguyễn Trung lý giải: "Các cụ xưa có câu 'Lợn thì chầu ra, gà thì chầu vào'. Việc bày con gà quay đầu về hướng bàn thờ, bát hương tỏ lòng tôn kính với tổ tiên. Cúng gà ngoài trời thì ngược lại, phải bày gà sao cho đầu hướng ra phía ngoài đường".

Con gà là một vật tế lễ, là một trong lục súc và là một trong 12 con giáp. Con gà cũng hội tụ đủ 5 đức của tướng tài đó là văn, vũ, dũng, nhân, tín.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại