Bằng chứng mới nhất
- Chắc hẳn các ông đã biết thông tin Trung Quốc tăng cường chiến đấu J-11 và radar đến Phú Lâm? Động thái này nên được nhìn nhận như thế nào?
- Carl Thayer: Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 7.4 cho thấy Trung Quốc đã triển khai thêm 2 máy bay chiến đấu đa chức năng Shenyang J-11 và hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động hay còn gọi là radar AESA hiện đại tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Quan chức Lầu Năm Góc ước tính, Trung Quốc hiện có chưa đến 10 chiếc J-11 và tiêm kích bom Xian JH-7 trên đảo Phú Lâm.
Chiến đấu cơ J-11 tương tự như Sukhoi Su-27 của Nga mà Việt Nam mua trước khi có Su-30 hiện đại hơn. Theo tạp chí Công nghệ Không quân, J-11 là loại chiến đấu cơ ưu việt có tầm hoạt động 3.530km.
Hồi tháng 2 năm nay, Trung Quốc đã đưa 8 tên lửa đất đối không HQ-9 đến Phú Lâm, trong đó 4 chiếc đã sẵn sàng hoạt động. Những tên lửa này có tầm bắn gần 220km.
Giờ đây, Trung Quốc triển khai radar điều khiển hoả lực đến để có thể theo dõi chính xác hoạt động của máy bay trong vòng bán kính 220km tính từ Phú Lâm.
Hệ thống radar AESA có thể theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc và thu thập dữ liệu về phạm vi, độ cao, đường đi và tốc độ của mục tiêu, nhằm chỉ đạo tên lửa bắn từ hệ thống HQ-9.
- Jonathan London: Việc Trung Quốc đưa chiến đấu cơ và radar đến Phú Lâm sẽ được thế giới xem là bằng chứng mới nhất về ý định quân sự hoá Biển Đông của Bắc Kinh và sử dụng biện pháp cưỡng chế để thực thi các yêu sách vô căn cứ về pháp lý của mình ở các đảo tranh chấp và các khu vực hàng hải.
Đây là một quyết định vô cùng đáng tiếc.
Tuy nhiên quyết định vô cùng đáng tiếc này lại gần như chắc chắn sẽ khiến các nước quyết tâm giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua các biện pháp hoà bình.
Một quyết định quân sự phản tác dụng
- Đâu là những nguyên nhân khiến Trung Quốc đưa chiến đấu cơ và radar đến Phú Lâm vào thời điểm này?
- Carl Thayer: Có nhiều nguyên nhân có thể giải thích cho hành động này của Trung Quốc. Có 4 diễn biến đã và đang diễn ra khiến Trung Quốc "nổi đoá" và có thể là nguyên nhân dẫn đến hành động bồi thêm chiến đấu cơ và radar đến Phú Lâm.
Một là, cuộc tập trận quân sự chung Balikatan (Vai kề vai) đang diễn ra ở Philippines với sự tham gia của quân đội Mỹ và lực lượng quân sự một số nước khác.
Hai là, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sắp thăm Philippines.
Ba là, Mỹ thông báo cuộc tuần tra thực thi tự do hàng hải FONOP thứ ba sẽ diễn ra trong tháng này.
Bốn là, Hội nghị Ngoại trưởng G7 vừa kết thúc với tuyên bố đặc biệt về an ninh hàng hải cực lực lên án các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, mà Trung Quốc cũng kịch liệt phản đối.
Về dài hạn, Trung Quốc đang gửi tín hiệu đến Mỹ, rằng các nguy cơ rủi ro sẽ tăng lên nếu Mỹ tiếp tục tiến hành trinh sát trên không ở các căn cứ quân sự nhạy cảm của Trung Quốc, chẳng hạn như sân bay trên đảo Phú Lâm.
Trung Quốc cũng có thể đang chứng minh khả năng triển khai số lượng nhỏ máy bay chiến đấu hiện đại, tên lửa đất đối không và radar điều khiển hoả lực trong thời gian ngắn tới các đường băng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông, và Mỹ có thể không có hành động ngăn chặn Trung Quốc làm như vậy.
Các nguồn tin tình báo quân sự ở Canberra được cho là đang lo ngại, rằng Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát quần đảo Trường Sa bằng việc bắt đầu xây dựng ở bãi cạn Scarborough.
Đây có thể là một phần trong phản ứng đã được lên kế hoạch trước của Trung Quốc trước bất kỳ phán quyết bất lợi nào của Toà Trọng tài Liên Hợp Quốc về vụ Manila kiện "đường lưỡi bò" phi pháp của Bắc Kinh.
- Jonathan London: Quyết định quân sự hoá đảo Phú Lâm là rất phản tác dụng và trực tiếp đi ngược lại với tinh thần tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng G7 vừa kết thúc ở Hiroshima, cũng như các tuyên bố gần đây của ASEAN và một loạt các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Philippines, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ...
Cần bình tĩnh
- Trong bối cảnh này, Việt Nam và các nước cần làm gì?
- Carl Thayer: Việt Nam nên lập tức phản đối những hành động của Trung Quốc và vận động các thành viên khác của ASEAN chỉ trích động thái của Bắc Kinh gia tăng quân sự hoá ở Biển Đông, làm phức tạp thêm tranh chấp lãnh thổ và gia tăng căng thẳng.
Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ mọi hành động của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời chia sẻ thông tin với các nước bè bạn.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên bình tĩnh. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nên bày tỏ quan ngại của mình khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Việt Nam vào tháng 5.
- Jonathan London: Trong khi chính quyền Obama tìm cách tránh phương pháp tiếp cận đối đầu, thì những động thái nói trên của Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước liên quan trong cam kết đảm bảo an ninh, an toàn của khu vực và sự toàn vẹn của các chuẩn mực quốc tế.
Ít nhất thì việc Trung Quốc đưa chiến đấu cơ và tên lửa đến Phú Lâm cũng được xem là một mối đe doạ với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Ảnh vệ tinh của ImageSat International chụp ngày 7.4 cung cấp độc quyền cho tờ Fox News và được giới chức quốc phòng Mỹ chứng thực hôm 12.4 cho thấy 2 máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm.
Fox News cũng phân tích ảnh vệ tinh cho hay Trung Quốc đã đưa một hệ thống radar điều khiển hoả lực mới ở Phú Lâm, có thể cho phép Trung Quốc theo dõi chiến đấu cơ, máy bay ném bom, máy bay thu thập tình báo của Mỹ.
Ảnh vệ tinh cho thấy 4 trong số 8 tên lửa đất đối không sẵn sàng nhắm bắn ở phía đông đảo Phú Lâm.
Hệ thống radar HQ-9 của Trung Quốc, gần giống như tên lửa S-300 của Nga, có tầm bắn 200km và có thể đặt ra mối đe dọa với các máy bay dân sự cũng như quân sự của Mỹ.
Cũng theo Fox News, giới chức quân sự Mỹ đang theo dõi một số tàu Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ tới Philippines vào cuối tuần này để thảo luận về các mối đe doạ trong khu vực.
Ông Carter cũng sẽ hoàn tất thoả thuận cho phép quân đội Mỹ đóng quân ở Philippines lần đầu tiên kể từ khi căn cứ hải quân Vịnh Subic đóng cửa năm 1992.