Xuống tiền nhầm vào dự án "ma", chung cư sai phạm: Vì đâu đến nỗi?

Hoàng Linh |

Sai phạm tại Dự án CT6 (Hà Đông, Hà Nội) của ông Lê Thanh Thản đang gây xôn xao dư luận. Để không đổ tiền oan, mua phải chung cư sai phạm là mối quan tâm của không ít khách hàng bất động sản.

Mua nhà là chuyện hên xui?

Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh và cũng là người đại diện pháp luật của công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes Lê Thanh Thản vừa bị khởi tố và xem xét về những sai phạm của dự án nhà ở CT6 ở khu đô thị Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, để xử lý nghiêm hành vi của Bị can Lê Thanh Thản theo quy định pháp luật.

Trước đó, báo cáo của UBND TP Hà Nội năm 2017 cho hay, dự án được phê duyệt với hai cao ốc CT6A và CT6B, tòa CT6C cao 30 tầng với hơn 400 hộ dân tại đây không có trong quy hoạch được phê duyệt trước đó.

Xuống tiền nhầm vào dự án ma, chung cư sai phạm: Vì đâu đến nỗi? - Ảnh 1.

Tòa nhà CT6C của công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes. Ông Lê Thanh Thản là người đại diện pháp luật của chủ đầu tư dự án vừa bị khởi tố tội danh "Lừa dối khách hàng".

"Bỏ ra số tiền không nhỏ để mua nhà – một việc hệ trọng của đời người, không ai mong muốn mình rơi vào tình huống rủi ro như mua phải chung cư sai phạm, không được cấp sổ đỏ hoặc không đúng thiết kế trước đó. Nhưng quả thật, tình trạng này đang rất nhiều.

Ngoài bản thiết kế trên giấy và những lời quảng cáo của chủ đầu tư hoặc sàn bất động sản, người mua chẳng biết nhiều hơn", anh Trần Minh Tùng (trú tại Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

Trên các diễn đàn về bất động sản, người tiêu dùng khá băn khoăn về việc đưa quyết định đầu tư bất động sản sau thông tin về chung cư CT6C của đại gia Thanh Thản.

"Dự án có hay không vi phạm thì người mua làm sao ngờ được. Không phải là sử dụng sai mục đích thiết kế ban đầu thì lại không đảm bảo an toàn PCCC, rồi cắt xén diện tích sân chơi, phòng sinh hoạt cộng đồng.

Không lẽ, giờ mua nhà lại chọn các tầng giữa trở đi cho an toàn, chứ tầng thấp thì là cải tạo sai mục đích ban đầu, trên cao lại là vượt tầng", Nguyễn Thanh Bình (trú tại Láng Hạ) bày tỏ quan điểm.

Đây không phải lần đầu khách hàng cảm thấy bất an bởi có khả năng xuống tiền oan ở những dự án nhập nhèm thiết kế, quy hoạch. Trước đó, không ít người ngã ngửa khi biết đổ tiền mua phải dự án giấy, dự án "ma" như vụ địa ốc Alibaba (Đồng Nai).

Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Tiến Đạt (Hà Nội) phân tích, về cơ bản khách hàng chỉ tiếp cận những thông tin bề mặt của dự án mà không tìm hiểu các yếu tố pháp lý quan trọng. Đây chính là yếu tố dẫn đến những rủi ro có thể về sau.

"Thậm chí, có những dự án, người mua chỉ xem được mặt bằng căn hộ. Những mặt bằng các tầng không gian chung như khu sinh hoạt cộng đồng, tầng hầm đỗ xe… không được chủ đầu tư cấp hoặc ít được tiếp cận.

Điều này dẫn đến việc, sau khi mua chung cư, thì dự án không như quảng cáo trước đó vì phần không gian chung đã bị chuyển đổi mục đích sang kinh doanh hoặc làm việc khác.

Nếu chủ đầu tư không uy tín thì người mua chịu thiệt thòi nhất", chuyên gia cho biết.

Từ câu chuyện của dự án CT6C khiến ông Lê Thanh Thản bị khởi tố, nhìn nhận ở góc độ trách nhiệm của các bên, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, tình trạng dự án sai phạm xảy ra ở đây có sự buông lỏng của cơ quan chức năng, sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư.

Cuối cùng, người dân với sự coi thường tầm quan trọng của việc tìm hiểu thấu đáo dự án có thể phải gánh chịu những rủi ro không đáng có.

"Khách hàng thường chủ quan mua theo uy tín của chủ đầu tư mà ít khi yêu cầu chủ đầu tư, sàn giao dịch hoặc đơn vị bán hàng cung cấp hồ sơ, giấy tờ pháp lý của dự án. Đây là một thói quen rất nguy hiểm.

Không chỉ riêng dự án cơi nới của ông Lê Thanh Thản, mà chính vì sự "tin một chiều" này mà người dân thậm chí đổ tiền vào những dự án "ma", đơn cử như vụ địa ốc Alibaba gây xôn xao thời gian qua", ông Đính cảnh báo.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, các đơn vị phân phối dự án bất động sản, trước khi kí hợp đồng với chủ đầu tư cũng phải nắm rõ các hồ sơ pháp lý, quy hoạch của dự án. Điều này là vô cùng quan trọng để tư vấn đúng cho khách hàng dự án uy tín.

Lấy ví dụ về hồ sơ theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, chuyên gia Nguyễn Văn Đính cho rằng, một dự án đảm bảo pháp lý phải có văn bản của sở xây dựng địa phương, dựa trên việc kiểm tra, lập biên bản hiện trạng.

Theo đó, văn bản ghi rõ dự án này đủ điều kiện được huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng phải có giấy phép xây dựng, hồ sơ thi công, cùng văn bản cam kết và xác nhận từ phía ngân hàng dự án chưa dùng để thế chấp.

"Phải có đủ điều kiện về pháp lý, chủ đầu tư mới được mang bán, nếu không là sai luật. Đạo đức, ý thức của đơn vị phân phối, môi giới dự án cũng vậy", ông Đính khẳng định.

Có những tình huống ngoại lệ?

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Đính, có những trường hợp mà vì lí do nào đó, dự án bị chậm giấy tờ pháp lý nhưng vì uy tín, nên khách hàng vẫn tìm đến. Khi đó, một giải pháp vẫn đang được vài chủ đầu tư hiện nay áp dụng, đó là mời bên thứ ba - là tổ chức tài chính tín dụng tham gia quá trình ký kết giữa các bên.

"Khách hàng đồng ý đặt một tài khoản ở ngân hàng. Chủ đầu tư cam kết số tiền ký quỹ của khách ở ngân hàng là số tiền đặt cọc mua căn hộ. Trong trường hợp, chủ đầu tư quá lâu không thể triển khai dự án như kế hoạch, khách hàng không có nhu cầu mua nữa thì có thể yêu cầu ngân hàng trả lại số tiền ký quỹ", ông Đính nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng khẳng định, điều tiên quyết là chủ đầu tư phải tuân thủ quy định về pháp luật, thực hiện đúng trách nhiệm, đạo đức, cam kết khi cung cấp dự án cho khách hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại