Công thức kinh doanh chung cư giá rẻ hiếm người học theo được của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản

Thảo Nguyên |

Bộ bí kíp biến sản phẩm trở nên cực kỳ cạnh tranh của ông Thản như sau: Xây dựng nhanh nhất có thể; tăng mật độ xây dựng, lãi ít trên từng đơn vị nhưng bù đắp ở số lượng lớn; không sử dụng đòn bẩy tài chính; không chi tiền cho quảng cáo tiếp thị vì "mức giá siêu rẻ" đã là phương thức quảng cáo truyền miệng hiệu quả nhất; các tiện ích xuống đến mức thấp nhất.

Ông Lê Thanh Thản là doanh nhân sinh năm 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An. Ông Thản được nhiều người biết đến với vị trí ông chủ của Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và cùng các con điều hành Tập đoàn Mường Thanh. Tập đoàn này hiện có 2 mảng kinh doanh lớn gồm: Chuỗi khách sạn tư nhất lớn nhất Đông Nam Á với hệ thống gần 60 khách sạn và kinh doanh xây dựng.

Doanh nhân này được xem là người đứng đầu trong mảng xây dựng chung cư giá rẻ tại Hà Nội, như tổ hợp 12 tòa nhà HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, VP Linh Đàm, Thanh Hà Cienco 5, chung cư Đại Thanh, chung cư Xa La. Tuy nhiên đây cũng chính là nguồn cơn dẫn tới việc chủ tịch tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố.

Ngày 10/7, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Lê Thanh Thản để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng.

Cụ thể với các dự án khu nhà ở Xa La (209ha) xây thêm tầng, vi phạm mật độ xây dựng; khu chức năng hỗn hợp Đại Thanh (15,8ha) xây vượt tầng, vi phạm mật độ xây dựng và sử dụng đất sai mục đích; nhà ở CT11, CT12 tại lô CT2 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (26,9ha); công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5 xã Tân Triều, huyện Thanh Trì xây sai quy hoạch; tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp VP6, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai xây vượt quy hoạch 10 tầng.

Với mức giá gốc từ 9,5- 10 triệu đồng/m2, những dự án nhà ở của đại gia điếu cày đắt khách ngay cả trong những giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng 2012-2013. Vì sao ông Thản có thể xây nhà chung cư rẻ đến như vậy?

Tích lũy vốn

Tạp chí Forbes từng tiết lộ đất của Mường Thanh hoặc mua lại hoặc trả tiền thuê, không nhận đất do nhà nước giao. Để làm được điều này, ông Thản bắt đầu tích lũy từ hoạt động xây dựng từ những năm 1990.

Vốn quê Nghệ An nhưng sau khi giải ngũ, ông Thản làm việc tại khu vực miền núi phía Bắc. Đầu những năm 1990, ông Thản nghỉ việc nhà nước để lập xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên, triển khai các dự án tại Điện Biên và Phongsaly (Lào).

"Bấy giờ thiếu thốn không có máy móc thiết bị, nguyên vật liệu cũng thiếu, sắt thép phân phối nên rất dè sẻn. Mình còn phải cạnh tranh với công ty Trung Quốc, Thái Lan. Thực lực lúc ấy chưa bằng họ nhưng vừa làm, vừa học. Được cái thuận lợi phía Lào rất tin Việt Nam," ông Thản chia sẻ với Forbes.

Năm 1997, công ty xây dựng số 1 Điện Biên xây dựng khách sạn đầu tiên với thương hiệu Mường Thanh. Đến năm 2018 tổng số khách sạn Mường Thanh lên đến con số 60 và trở thành chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Nam Á.

Mua lại vị trí xấu

Từ vốn tích lũy từ kinh doanh xây dưng, ông Thản mở hướng kinh doanh ở Hà Nội giai đoạn 1998 – 1999. Trước đó vài năm hình hài khu đô thị Định Công và Linh Đàm xuất hiện ở cửa ngõ phía nam thủ đô Hà Nội, chủ đầu tư là tổng công ty Phát triển Nhà đô thị (HUD).

Những vị trí không đẹp, sẵn mối quen biết, ông Thản nhảy vào mua lại, trở thành nhà đầu tư thứ cấp để xây dựng chung cư giá rẻ, vũ khí sau này giúp ông Thản cạnh tranh trên thị trường bất động sản.

Theo chia sẻ của đại gia này với tờ Forbes, việc ông xây chung cư giá rẻ không hề có toan tính chiến mà nhằm xây nhà với giá vừa phải để nhân viên của mình có thể mua được, có chốn ra vào.

Công thức kinh doanh chung cư giá rẻ hiếm người học theo được của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản - Ảnh 1.

Tổ hợp chung cư giá rẻ HH Linh Đàm (12 tòa nhà) của đại gia Lê Thanh Thản. Ảnh: VOV.

Quản lý chi phí chặt chẽ

Ông Thản cho biết việc xây nhà cao tầng, xây dựng kết cấu đều như nhau, chỉ khác ở trang trí và hoàn thiện. Do đó để đưa ra mức siêu rẻ, các dự án của ông hầu như giảm tối đa khâu hoàn thiện đồng thời quản lý chặt chi phí trong khi xây dựng.

"Thông thường chi phí doanh nghiệp, đặc biệt ở doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp nhà nước rất tốn kém và phân tán. Hàng loạt chi phí dàn trải, chi phí chung, chi phí dự phòng, máy móc, các chi phí không tên khác… sẽ quyết định giá thành. Và đó là điều mà ít người dám xây nhà ở phân khúc giá thấp như tôi vì họ làm sẽ không có lãi, thậm chí lỗ.

Còn với tôi, nhờ mô hình khép kín, bớt tối đa các khâu trung gian về nhân sự, phòng ban nên chi phí quản lý được giảm tối đa", đại gia điếu cày từng chia sẻ.

Ngoài ra với mô hình hoạt động là công ty tư nhân cùng nhân sự trung thành lâu năm, khâu quản lý nguyên vật liệu của Mường Thanh làm rất chạy từ đó tránh việc bị bớt xén, bị kê khống lên làm thất thoát, tăng chi phí.

Thứ ba là về nguồn tài chính, ông Thản không dùng đòn bẩy tài chính hay vay ngân hàng. Dựa vào uy tín cá nhân ông có thể trả chậm cho các nhà cung ứng nguyên vật liệu vài tháng trong khi xong móng đã có thể chào bán, thu tiền.

Điều này giúp thời gian thi công rút ngắn tối đa và ngược lại khi Mường Thanh bán được dự án thu tiền thì trả họ ngay nên được rất tin tưởng.

Tạp chí Forbes từng tổng kết bộ bí kíp biến sản phẩm trở nên cực kỳ cạnh tranh của ông Thản như sau: xây dựng nhanh nhất có thể; tăng mật độ xây dựng, lãi ít trên từng đơn vị nhưng bù đắp ở số lượng lớn; không sử dụng đòn bẩy tài chính; không chi tiền cho quảng cáo tiếp thị vì "mức giá siêu rẻ" đã là phương thức quảng cáo truyền miệng hiệu quả nhất; các tiện ích xuống đến mức thấp nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại