Nguy cơ xảy ra Thế chiến III
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, cụm từ “Thế chiến III” thường xuyên xuất hiện trong những phát biểu của các nhà lãnh đạo trên thế giới khi cảnh báo về nấc thang cao nhất mà cuộc chiến này có thể chạm tới.
Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump và các đồng minh đã nhiều lần cho rằng đường hướng đối ngoại của Mỹ dưới thời người kế nhiệm Biden có thể “đẩy nước Mỹ đến bờ vực của một cuộc thế chiến mới”. Tuy nhiên, phần lớn những lời chỉ trích bắt đầu gia tăng trong thời gian gần đây có thể bắt nguồn những động thái cụ thể của chính quyền đương nhiệm.
Sau nhiều tháng liên tục kêu gọi Mỹ nới rộng phạm vi sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, cuối cùng Ukraine đã có được cái gật đầu của Tổng thống Mỹ vào ngày 17/11. Điều này được cho là một sự đảo ngược bất ngờ đối với chính sách trước đó của Nhà Trắng, khi chính quyền ông Biden liên tục từ chối yêu cầu của Ukraine vì lo ngại những phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga.
Ngay bên trong nội bộ Nhà Trắng cũng tồn tại nhiều ý kiến cho rằng, quyết định “xé rào” của ông Biden có thể khiến Mỹ lún sâu hơn vào cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ, hoặc tệ hơn, có thể thúc đẩy sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân Nga trong xung đột với Ukraine.
Sau khi nhiều hãng thông tấn lớn đưa tin về quyết định của ông Biden, ông Donald Trump Jr., con trai của Tổng thống đắc cử, đã viết trên X: "Chính quyền đương nhiệm dường như muốn đảm bảo rằng họ sẽ tiến hành Thế chiến thứ 3 trước khi cha tôi có cơ hội tạo ra hòa bình và giảm thiểu thương vong”. Ông Michael Waltz, người được chọn là cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền mới của ông Trump cảnh báo rằng “đây là một bước leo thang căng thẳng nữa và không ai biết chuyện này sẽ đi đến đâu".
Giữa lúc căng thẳng leo thang, ông Valerii Zaluzhnyi, Đại sứ Ukraine tại Anh và cựu Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, cũng cho biết với "sự tham gia trực tiếp của các đồng minh của Nga" vào cuộc chiến ở Ukraine, có thể coi như Thế chiến III đã bắt đầu.
"Tôi tin rằng, trong năm 2024, chúng ta hoàn toàn có thể xem là Thế chiến III đã nổ ra. Lý do là vào năm 2024, Ukraine không còn chỉ đối mặt với Nga, mà còn là binh sĩ Triều Tiên", ông nhận định. New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và Ukraine vào đầu tháng này cho biết, tổng cộng 50.000 quân - gồm cả lính Nga và Triều Tiên - đang tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn ở vùng Kursk.
Xung đột leo thang
Không bất ngờ khi Điện Kremlin ngay lập tức phản ứng trước quyết định của Nhà Trắng. Hai ngày sau khi Mỹ “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công Nga, Tổng thống Putin đã chứng minh những lời cảnh báo trước đó không phải là những tuyên bố suông bằng cách ký thông qua ký học thuyết hạt nhân mới.
Học thuyết hạt nhân đã sửa đổi của Nga có tên "Nền tảng chính sách nhà nước trong lĩnh vực răn đe hạt nhân", nêu rõ Nga sẽ xem mọi cuộc tấn công của một nước không có vũ khí hạt nhân nhưng được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết những thay đổi này có nghĩa là Nga "có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị xâm lược bằng vũ khí thông thường chống lại Nga hoặc Cộng hòa Belarus".
Trong ngày 19/11 và 21/11, Tổng thống Putin cho biết Ukraine đã triến khai những các hệ thống tên lửa ATACMS và HIMARS do Mỹ sản xuất, cũng như tên lửa Storm Shadow của Anh tấn công lãnh thổ Nga. Để đáp trả, Nga đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine. Theo một quan chức Mỹ, Oreshnik là một trong những hệ thống tên lửa tầm trung mới nhất của Nga, có thể lao đến mục tiêu với tốc độ tối đa 10.800 km/h, gấp 10 lần âm thanh.
CNN dẫn lời một quan chức giấu tên cho rằng, Nga có thể đã bắn Oreshnik để răn đe Ukraine và những đồng minh phương Tây. Vũ khí này cũng không thường xuyên xuất hiện trong các hoạt động quân sự của Nga trên chiến trường.
Đài truyền hình Suspilne dẫn các nguồn tin cho biết Quốc hội Ukraine đã hoãn phiên họp ngày 22/11 vì "các vấn đề an ninh tiềm ẩn" sau vụ tấn công của Nga và cho biết cuộc họp tiếp theo chưa được lên lịch cho đến tháng 12. Có thông tin cho rằng các nhà lập pháp đã được yêu cầu giữ các thành viên gia đình tránh xa khu vực trung tâm Kiev để đảm bảo an toàn.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ đi về đâu?
Hiện cả Ukraine và các đồng minh phương Tây đều đang ráo riết chuẩn bị cho khả năng xấu nhất là Mỹ sẽ cắt đứt dòng chảy viện trợ tới Kiev sau khi Nhà Trắng đổi chủ, do Tổng thống đắc cử nhiều lần bày tỏ sự hoài nghi đối với chính sách viện trợ cho Ukraine của chính quyền đương nhiệm.
Mỹ ngày 20/11 vừa công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine giữa lúc cuộc xung đột ở Ukraine đã vượt qua mốc 1.000 ngày. Tổng thống Joe Biden cùng ngày cũng đệ trình đề xuất xóa một nửa khoản nợ viện trợ kinh tế cho Ukraine, tương đương 4,65 tỷ USD, lên Quốc hội Mỹ. CNN dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết khoản vay 50 tỷ USD của nhóm G7 dựa trên lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga ở các ngân hàng châu Âu “sẽ đảm bảo an toàn về mặt tài chính cho Kiev trong suốt năm 2025".
Hiện Nga vẫn đang nắm quyền chủ động trên chiến trường. Nga đang kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, bao gồm toàn bộ bán đảo Crimea, 80% Donbas, hơn 70% vùng Zaporizhzhia và Kherson, cùng với khoảng 3% Kharkov và một phần nhỏ Mykolaiv. Tại Kursk, cuộc phản công của các lực lượng Moscow cũng gây sức ép lớn đối với Ukraine và giúp Nga giành lại phần lớn lãnh thổ mà Kiev từng chiếm giữ, tương đương 593 km2.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc đánh mất “con bài mặc cả” Kursk và tiếp tục ở thế bị động trên chiến trường chính sẽ đặt Ukraine vào thế khó trên bàn đàm phán, đặc biệt khi ông Putin đang bày tỏ quan tâm tới kế hoạch ngừng bắn của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trước đó, ông Trump từng đề cập đến phương án Ukraine nhượng bộ lãnh thổ để đối lấy hòa bình với Nga.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn đối với các quốc gia phương Tây là khả năng xung đột Nga-Ukraine không chỉ còn giới hạn bên trong đường biên giới của hai quốc gia. Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia ngày 21/11, ông Putin cho rằng cuộc xung đột hiện nay đã mang tính "toàn cầu".
"Kể từ thời điểm đó, như chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, một cuộc xung đột quy mô khu vực mà phương Tây kích động đã có những yếu tố mang tính chất toàn cầu", ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh, trong trường hợp leo thang hành động gây hấn, Moscow “sẽ phản ứng quyết liệt và theo cách tương ứng”.