Xung đột kéo dài, những người trẻ tuổi ở Ukraine suy tính lại về tương lai

Thu Hằng |

Xung đột với Nga kéo dài đã thay đổi hướng đi cuộc đời của những người trẻ tuổi ở Ukraine, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của họ, làm chệch hướng ước mơ của họ, buộc họ phải trưởng thành chỉ sau một đêm.

Xung đột kéo dài, những người trẻ tuổi ở Ukraine suy tính lại về tương lai - Ảnh 1.

Các sinh viên trong trang phục truyền thống Ukraine trong đêm khiêu vũ hiếm hoi ở Kiev giữa thời chiến. Ảnh: Washington Post

Những người trẻ tuổi ấy đã nghĩ, chỉ trong một đêm thôi, họ sẽ sử dụng tầng hầm của tòa nhà trường đại học không phải làm hầm tránh bom mà là nơi để khiêu vũ, tôn vinh di sản Ukraine, để một lần nữa được tận hưởng tuổi trẻ và quyên góp cho tiền tuyến.

“Họ đã quên đi cuộc sống bình thường. Khiêu vũ… thật tuyệt”, sinh viên Valerii Valiiev, 18 tuổi, nói. Cậu từng quản lý một xưởng sản xuất bom xăng trong thời kỳ Nga tấn công thủ đô Kiev, nhưng vào buổi tối tụ tập đông đúc đó của sinh viên, đã giúp bán vé vào cửa.

Kể từ khi xung đột bùng phát tháng 2, một số người trẻ tuổi ở Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, hoặc bị ly tán khỏi gia đình. Những người khác tình nguyện hoặc được triển khai ra tiền tuyến. Nhiều người thân, bạn bè hoặc hàng xóm của họ mãi mãi ra đi. Tất cả đều đang vật lộn với việc một cuộc xung đột đã buộc họ phải trưởng thành chỉ sau một đêm, thay đổi hướng đi của cuộc đời họ, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của họ, và làm chệch hướng ước mơ của họ.

Số tiền thu được từ buổi khiêu vũ của sinh viên hồi tháng 9/2022 đã được chuyển thẳng đến tiền tuyến, để hỗ trợ tiểu đoàn mà cha của Sviatoslav Syrotyuk, 18 tuổi, đang chiến đấu. Syrotyuk đã từng chiến đấu bên cạnh cha mình vào đầu năm nay trong cuộc kháng cự ở khu vực thủ đô Kiev. Kinh nghiệm đã biến cậu từ một sinh viên đại học năm thứ nhất chuyên ngành khảo cổ học thành một người lính.

Xung đột kéo dài, những người trẻ tuổi ở Ukraine suy tính lại về tương lai - Ảnh 2.

Các sinh viên trong trang phục truyền thống Ukraine trong đêm khiêu vũ hiếm hoi ở Kiev giữa thời chiến. Ảnh: Washington Post

Nằm trong một chiến hào chuẩn bị cho cuộc tấn công của Nga vào tháng 2/2022, chàng thanh niên không hề sợ hãi: cậu đã được huấn luyện sử dụng vũ khí từ khi còn là bé và đang dạy những tân binh khác cách bắn súng. Tuy nhiên, trong những tuần sau đó, Syrotyuk đã trải nghiệm thực sự về chiến tranh. Cậu nhìn thấy những quả đạn pháo bay vút qua đầu. Bản thân Syrotyuk đã giúp sơ tán dân thường khỏi một thị trấn tiền tuyến và bị chấn động khi một quả mìn chống tăng phát nổ gần.

Sau khi các lực lượng Nga rút khỏi thủ đô Kiev vào tháng 4, cha của Syrotyuk tiếp tục ra tiền tuyến, nhưng khuyến khích cậu ở lại theo đuổi việc học. "Tôi hiểu rằng tôi là người trong tương lai sẽ xây dựng lại đất nước", Syrotyuk nói.

Valiiev, một sinh viên luật và là bạn thân của Syrotyuk, lại đối mặt với cuộc xung đột theo một cách hoàn toàn khác. Khi chiến sự bắt đầu, mẹ của Valiiev yêu cầu cậu về ở lại ngôi làng nhỏ, cùng với mẹ và em 5 tuổi đang sống gần Bucha, với hy vọng sẽ an toàn hơn. Nhưng Valiiev từ chối, cậu quyết ở lại thủ đô hỗ trợ lực lượng chiến đấu.

Valiiev nhanh chóng mất liên lạc với gia đình. Suốt hơn một tháng, khi Valiiev dốc hết sức lực vào việc đóng gói và phân phát hàng trăm quả bom xăng, cậu nơm nớp lo sợ mẹ và em trai có thể đã không còn. Mãi cho đến khi lực lượng Nga rút lui, cậu mới nắm được tình hình. Làng quê Valiiev bị chiếm, nhưng cả mẹ và em cậu đều còn sống.

Valiiev thừa nhận rằng các ưu tiên và giá trị của mình đã thay đổi: “Ngày trước, tôi đã băn khoăn về một điều gì đó lớn hơn - một mức lương lớn, những thứ vật chất lớn. Bây giờ tôi nghĩ điều đó không quan trọng. Điều gì quan trọng là có thể sống một cuộc sống bình thường.”

Tuy nhiên, cuộc xung đột đã tiêu tốn nhiều thời gian. Valiiev bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cách đọc những con số thương vong, và bên cạnh học tập, cậu cố gắng tập luyện sức khỏe để chuẩn bị nhập ngũ.

Xung đột kéo dài, những người trẻ tuổi ở Ukraine suy tính lại về tương lai - Ảnh 3.

Hai chị em Daria Mileyko và Maria khi còn ở Kiev. Ảnh: Washington Post

Maria Mileyko, 19 tuổi, và em gái là Daria, 16 tuổi đã trải qua năm 2022 cách xa nhà mình ở Kiev, khi cùng mẹ sơ tán đến một ngôi làng tương đối an toàn ở miền Tây Ukraine. Cả hai trợ giúp cho thủ đô bằng cách nấu ăn cho quân đội ở đó.

Maria sau đó có cơ hội tình nguyện tham gia một nhóm xây dựng ký túc xá cho những người Ukraine di cư từ phía Đông. Cô nói, như vậy cô có thể “tự tay mình làm ra thứ gì đó để giúp đất nước”.

Đối với nhiều thanh niên Ukraine, khả năng thích nghi và phục hồi vẫn là một thách thức hàng ngày. Hai chị em Katya, 27 tuổi và Nastya, 15 tuổi đã sống ở thành phố Izyum phía Đông Bắc, vốn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga trong thời gian dài. Họ sống không có điện, khí đốt, nước hoặc bất kỳ cách nào để liên lạc với thế giới bên ngoài.

Katya nói: “Chúng tôi chỉ nghĩ đến việc sống sót". Một lần hiếm hoi hai chị em mạo hiểm ra ngoài, và đã trúng đạn chùm, những mảnh đạn găm vào cánh tay và lưng của Katya. Cô không dám đi khám vì sợ sẽ được gửi sang Nga để điều trị. Các mảnh vỡ chỉ được lấy ra sau khi một người lính đưa cô đến bệnh xá quân sự dã chiến.

Sau đó, cô em Nastya bắt đầu hoảng sợ trước bất kỳ tiếng nổ nào. Một số người hàng xóm đã thiệt mạng khi đạn pháo rơi trúng nhà họ. "Những âm thanh thực sự đáng sợ", cô gái kể lại. "Chỉ nghe tiếng rít trong gió, bạn lập tức hiểu nó đang bay và sắp chạm đất".

Nastya đang học lớp 9 thì xung đột nổ ra. Vào mùa thu vừa qua, cô cố gắng tự học chương trình lớp 10 để không bị tụt hậu.

Xung đột kéo dài, những người trẻ tuổi ở Ukraine suy tính lại về tương lai - Ảnh 4.

Hai chị em Katya (trái) và Nastya vẫn an toàn sau sáu tháng thành phố Izyum của họ bị lực lượng Nga kiểm soát. Ảnh: The Washington Post

Mặc dù các lực lượng Ukraine đã giành lại Izyum vào tháng 9, nhưng cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường. Hầu hết cơ sở hạ tầng của thành phố đã bị phá hủy và các con đường rải rác chất nổ. Rất nhiều người vẫn mất tích, nhiều thi thể được phát hiện trong rừng.

Hai chị em Katya chẳng nghĩ gì nhiều về tương lai. Họ chỉ sợ chiến sự sẽ quay trở lại. Nastya từng thích nghiên cứu về nhân quyền và các vấn đề pháp lý. Còn bây giờ, cô nói bản thân cũng không biết mình thích gì nữa.

Ở Kiev, Syrotyuk đã có thể suy ngẫm về những cuộc giao tranh, mất mát và cái chết mà cậu chứng kiến. Điều cậu mong muốn nhất bây giờ là “làm nên lịch sử” hoặc là thông qua việc ra tiền tuyến chiến đấu, hoặc là thông qua việc học hành. Với Syrotyuk, đó không chỉ là giấc mơ, mà còn trở thành nhiệm vụ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại