Khói lửa bốc lên từ các tòa nhà sau khi Israel oanh tạc thành phố Gaza ngày 8/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hamas đã phát động một cuộc tấn công tập trung, có tổ chức và chuẩn bị vào Israel, kết quả của nó là thảm khốc, làm trên 700 người Israel thiệt mạng. Đáp lại Tel Aviv tuyên chiến lần đầu tiên kể từ năm 1973, phát động chiến dịch “Những thanh kiếm sắt”, tấn công dữ dội nhiều mục tiêu ở dải Gaza. Các cuộc không kích đáp trả dồn dập của quân đội Israel ngay trong đêm đầu tiên đã phá hủy nhiều tòa nhà ở thành phố Gaza, trong đó có các văn phòng của lực lượng Hamas, khiến hơn 400 người Palestine thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương.
Theo tờ Defense Express, vụ tấn công tổng lực Hamas dàn dựng ở Israel sẽ tác động đến Ukraine bằng cách này hay cách khác, bất chấp thực tế là hai vùng xung đột này cách nhau 1,5 nghìn km. Rất có thể tác động của những sự kiện này sẽ còn lớn hơn những gì có thể dự đoán ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Trước hết, cuộc tấn công lần này của Hamas không phải đơn lẻ mà là một cuộc tấn công có kế hoạch, phối hợp và quy mô lớn của phiến quân, khiến hàng chục nạn nhân thiệt mang ngay trong những giờ đầu tiên.
Để đáp lại, Israel đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn - 'Chiến dịch Những thanh kiếm sắt', một cuộc triệu tập lực lượng dự bị đã được công bố và cuộc không kích vào các mục tiêu của Hamas đã diễn ra suốt đêm.
Sau đó, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào quyết định nào sẽ được đưa ra liên quan đến bản chất và phạm vi của hành động phản hồi. Dù thế nào, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rằng đây "không phải là một chiến dịch, không phải một sự leo thang - đó là một cuộc chiến".
Và chiến tranh có thể diễn ra theo những kịch bản khác nhau. Lựa chọn đầu tiên - Israel có thể tuyên bố bắt đầu một chiến dịch trên bộ toàn diện, mục tiêu của nó có thể là loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào từ Dải Gaza về lâu dài. Thứ hai là hạn chế triển khai các đơn vị xung quanh Dải Gaza nhằm tạo vùng đệm và nhắm mục tiêu từ xa vào các tay súng Hamas.
Một tên lửa phát nổ ở thành phố Gaza trong cuộc không kích của Israel vào đêm 8/10/2023. Ảnh: AFP
Nhưng trong cả hai kịch bản, sẽ đều có tác động đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Mặc dù Israel không chuyển giao và thậm chí ngăn chặn việc tái xuất khẩu vũ khí của mình cho Lực lượng vũ trang Ukraine nhưng có thông tin rằng đạn dược từ kho của quân đội Mỹ ở Israel đã được gửi đến Ukraine.
Giờ đây, nguồn đạn dược này rõ ràng sẽ không thể sẵn sàng Ukraine, vì Israel sẽ phản đối mạnh và cố gắng hết sức để đảm bảo rằng loại đạn dược mà họ có thể sử dụng cho nhu cầu dự trữ vẫn trong tay mình.
Tuy vậy, các sự kiện ở Israel khó có thể có bất kỳ tác động lớn nào đến việc cung cấp vũ khí từ các nước khác cho Ukraine.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF, quân đội Israel) có tất cả các phương tiện cần thiết để tiến hành một chiến dịch quân sự toàn diện ở Dải Gaza. Tình huống Israel cần bổ sung vũ khí chỉ có thể phát sinh trong trường hợp chiến dịch quân sự kéo dài, nhưng trên thực tế một cuộc chiến tranh toàn diện là điều mà Israel sẽ cố gắng tránh bằng mọi cách.
Mối quan hệ Hamas - Iran
Nhưng có một khía cạnh cực kỳ quan trọng khác liên quan đến sự tồn tại của Hamas. Giới phân tích phương Tây cho rằng các tổ chức vũ trang của người Palestine đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Nga, cả về hình thức huấn luyện và cung cấp vũ khí. Các cuộc họp của quan chức Hamas và Nga đã diễn ra ở cấp chính thức.
Phó Chủ tịch Phòng Chính trị Hamas, Musa Abu Marzouk, (trái) và Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov bắt tay. Ảnh: Defense Express
Iran thậm chí còn cung cấp sự hỗ trợ cởi mở hơn cho Hamas và Palestine, theo tuyên bố chính thức của người Palestine, bao gồm hỗ trợ vật chất, quân sự và kỹ thuật.
Gần đây nhất, hôm 8/10, trả lời phỏng vấn Đài BBC (Anh), ông Ghazi Hamad - người phát ngôn Phong trào Hồi giáo Hamas - cho biết họ đã nhận được sự hỗ trợ từ đồng minh Iran để thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hôm 7/10. Ông Hamad cho biết thêm các bên khác cũng hỗ trợ Hamas, nhưng không nêu tên cụ thể.
Xem xét thực tế rằng Hamas đã thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn, có kế hoạch và phối hợp, việc chuẩn bị cho cuộc tấn công này được thực hiện một cách bí mật, giới phân tích cho rằng họ khó có khả năng làm một mình.
Phái đoàn Hamas thăm Iran. Ảnh Mã nguồn mở
Mối bận tâm của phương Tây
Theo chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, xung đột Israel - Hamas sẽ làm giảm sự ủng hộ mà phương Tây dành cho Ukraine bởi vì họ có thêm mối bận tâm mới. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng Mỹ và các đồng minh nên tập trung giải quyết xung đột Palestine - Israel thay vì can thiệp vào việc riêng của Nga và viện trợ quân sự cho Ukraine.
Bên cạnh đó, một số nhân vật ảnh hưởng trên mạng xã hội Nga cũng liên tục đưa tin với nội dung "viện trợ Ukraine sẽ bị suy giảm vì tình hình Israel".
Điều này dự báo luồng thông tin xoay quanh cuộc chiến ở Ukraine sẽ bị tác động không nhỏ trong thời gian tới. Theo các chuyên gia ISW, các luồng tin tức sẽ biến động khó đoán trong thời gian tới do không thể dự báo được các bước tiếp theo của Hamas và Israel.
Israel là một đồng minh của Mỹ và nhận hàng chục tỷ USD viện trợ an ninh từ Washington. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã phần nào làm giảm sự chú ý của Mỹ, suốt từ Trung Đông sang châu Âu.
Tình hình leo thang ở Dải Gaza có thể buộc Mỹ quay lại dành sự quan tâm nhiều hơn cho khu vực này. Nếu vậy, đó sẽ là điều đáng lo ngại cho Ukraine khi cuộc phản công đang ở giai đoạn then chốt. Giới quan sát dự đoán, Ukraine chỉ còn vài tuần nữa để phản công trước khi thời tiết chuyển bất lợi vào mùa đông. Hơn nữa, 2 thành viên NATO gồm Slovakia và Ba Lan đã đóng băng viện trợ cho Kiev.