Tướng Haftar đã ra lệnh cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tiến quân vào Tripoli vào ngày 4/4, sau nhiều năm xung đột với chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận ở Libya. Mục tiêu của ông này là nhằm giải phóng thủ đô khỏi “phiến quân và các phần tử khủng bố” đang kiểm soát nơi này.
Hiện tại, quân của viên tướng chỉ huy 75 tuổi này đã kiểm soát được một số khu vực quanh Tripoli và sau nhiều cuộc giao tranh qua lại, quân đội của ông đã chiếm được sân bay quốc tế Tripoli (nay đã ngừng hoạt động) vào ngày 6/4.
Trong khi đó, một số quan chức địa phương cho biết lực lượng vũ trang thân với chính quyền ở Tripoli đã tiến hành tấn công từ trên không vào hai vị trí của quân đội của ông Haftar.
Một hãng tin địa phương đưa tin rằng đã có 4 dân thường thiệt mạng khi nhà của họ bị không kích. Mặc dù vẫn chưa có thông tin nào về những thiệt hại do lực lượng của ông Haftar gây ra sau các hoạt động quân sự đáp trả cuộc không kích nói trên, song tình hình ở Libya đang ngày càng xấu đi và khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Theo Thiếu tướng của LNA Ahmed al-Mismari, ít nhất đã có 14 binh sĩ LNA thiệt mạng trong các cuộc giao tranh diễn ra trong những ngày qua, tuy nhiên các cuộc không kích của chính quyền Tripoli đã không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho LNA. Ông này cũng khẳng định, trong khi chính quyền Tripoli triển khai máy bay chiến đấu để “không kích và do thám”, LNA “tránh sử dụng” máy bay chiến đấu để giảm thiểu thiệt hại ngoài dự kiến đối với người dân.
Kể từ sau khi một cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn lật đổ chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi vào năm 2011, Libya đã bị chia cắt thành nhiều khu vực, do những chính quyền và các tổ chức vũ trang khác nhau kiểm soát.
Lực lượng LNA của ông Haftar là một trong hai thế lực lớn nhất ở quốc gia này, khi chính quyền của ông được đặt tại Tobruk và ông này khẳng định đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya. Trong khi đó, chính quyền ở Tripoli được Liên Hợp Quốc ủng hộ đang kiểm soát chỉ 7% lãnh thổ đất nước vào thời điểm cuộc tấn công của LNA bắt đầu.
Tình hình xấu đi ở Libya đã được nêu ra trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 5/4, và sau đó họ đã yêu cầu lực lượng LNA ngừng các hoạt động quân sự của mình. Một tuyên bố chung khác cũng được Ngoại trưởng các nước G7 đưa ra sau khi hội nghị của họ đã bị tạm hoãn vì các cuộc xung đột ở Libya.
Đức cho biết các nước G7 đã nhất trí sẽ gây sức ép đối với những bên đang khiến tình hình ở Libya trở nên căng thẳng, trong đó có quân đội của ông Haftar. Italy cảnh báo rằng nếu chiến dịch quân sự của ông không dừng lại, cộng đồng quốc tế “sẽ xem xét những lựa chọn có thể được thực hiện”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào ngày 6/4 cũng kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Libya hãy kiềm chế và tìm cách giải quyết những bất đồng của mình trong hòa bình. “Chúng tôi đã gửi đi thông điệp này cho tất cả các thế lực chính trị ở Libya. Chúng tôi không hề nghiêng về bất kỳ bên nào cả”, ông Lavrov phát biểu.