Xung đột Armenia - Azerbaijan: Thổ Nhĩ Kỳ không ngại ra mặt, Nga khó xử

Hồng Anh |

Việc Armenia và Azerbaijan phá vỡ lệnh ngừng bắn do Nga hậu thuẫn hồi cuối tuần qua đã đặt ra thách thức vô cùng lớn với Tổng thống Putin.

Lệnh ngừng bắn thất bại ngay từ ban đầu

Cuộc gặp cấp cao giữa Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Jeyhun Bayramov và người đồng cấp Armenia Zohrab Mnatsakanyan, đã diễn ra tại Moscow vào hôm 9/10 với mục đích đạt được “thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo”. Sau 10 tiếng đàm phán đầy căng thẳng, dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Nga Lavrov, cả Armenia và Azerbaijan đều nhất trí thực thi lệnh ngừng bắn bắt đầu từ trưa ngày 10/10. Mặc dù đây chưa phải là thỏa thuận ngừng bắn chính thức, nhưng được đánh giá như một bước đột phá quan trọng.

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao của Nga, thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại cuộc gặp cấp cao ở Moscow chỉ phát huy hiệu quả trong chưa đầy 3 tiếng đồng hồ. Đến chiều ngày 10/10, các lực lượng của Azerbaijan bị cáo buộc nối lại các cuộc tấn công bằng máy bay bằng máy bay không người lái vào các khu vực ở phía bắc và phía tây nam Karabakh với ý định phá hủy các đơn vị thiết giáp và hệ thống phòng không bên trong Nagorno-Karabakh. Sau đó, hai bên đã tăng cường các hoạt động chiến đấu, trong đó có việc nối lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và đạn pháo.

Ngoài việc Azerbaijan và Armenia các buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, thì trở ngại lớn hơn đối với thỏa thuận này đến từ Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Baku thực hiện các cuộc tấn công.

Có thể nói, lệnh ngừng bắn đã thất bại ngay từ khi bắt đầu vì một số lý do. Trước hết, việc thiếu những yếu tố ràng buộc khiến các bên không sẵn sàng hợp tác. Thứ hai là có rất ít đòn bẩy và quan trọng hơn, là thiếu lệnh trừng phạt phía sau nỗ lực của Nga để buộc các bên tham chiến phải thay đổi lập trường từ xung đột sang nối lại hoạt động ngoại giao. Không có dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng trừng phạt Amernia hoặc Azerbaijan nếu hai bên vi phạm lệnh ngừng bắn. Đây là lý do khiến Moscow khó thuyết phục Baku hoặc Yerevan ngừng tấn công.

Thế khó của Moscow

Nga từ trước đến nay vẫn giữ vai trò trung gian trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Nga đã ký hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Armenia nhưng vẫn duy trì quan hệ quan hệ tốt đẹp với Azerbaijan, thậm chí còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho cả hai nước. Còn Armenia, dù có một liên minh quân sự mạnh mẽ với Nga, giống dạng thức của các đồng minh trong NATO và có khoảng 2.500 binh sỹ Nga đồn trú trên lãnh thổ nước này, song luôn tự nhận thấy khó có thể lôi kéo Nga về phía mình trừ khi Azerbaijan tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực. Cho đến nay, Nga vẫn chỉ hạn chế ở việc kêu gọi và tạo điều kiện cho các bên tiến hành đàm phán về một lệnh ngừng bắn.

Các chuyên gia cho rằng, Nga đang phải đối mặt với tình thế khó xử. Nếu cố gắng ép Azerbaijan tham gia thỏa thuận ngừng bắn nhằm duy trì lợi thế cho Armenia như trong quá khứ thì có thể khiến Baku rơi vào tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Moscow đứng ra hỗ trợ quân sự cho Armenia thì điều này có thể phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp mà Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gây dựng trong thời gian qua, vốn mang lại cho Moscow nhiều lợi ích về kinh tế và địa chính trị. Trong trường hợp xấu nhất, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể rơi vào một cuộc chiến tranh thảm khốc.

Trái ngược với lập trường trung lập của Moscow, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tỏ thái độ quyết liệt hơn đối với cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Nhờ sự hậu thuẫn của Ankara, Baku đã mở rộng quy mô các cuộc tấn công. Không chỉ sử dụng máy bay không người lái có vũ trang mà Azerbaijan còn triển khai cả tiêm kích hiện đại F-16 do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp để tấn công và tiến hành các cuộc tuần tra trên không.

Giới phân tích cho rằng, chưa có những dấu hiệu cho thấy Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ muốn rút lui khỏi các cuộc xung đột. Trong không gian chiến đấu mở rộng với việc triển khai hỏa lực và những khí tài quân sự mạnh chưa từng thấy tại Nagorno-Karabakh, tháng 10 được dự đoán sẽ là thời điểm chứng kiến những cuộc giao tranh thậm chí còn ác liệt hơn trong bối cảnh lệnh ngừng bắn chính thức chưa được thiết lập./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại