Xui con lấy xẻng nhựa đánh lại khi bị bạn ức hiếp, mẹ trẻ gây nên làn sóng tranh luận về cách dạy con

Lou |

"Một lần đi nhà bóng, con bị 1 anh lớn tuổi đánh vào mặt, em đưa cái xẻng nhựa nhỏ xúc cát rồi bảo con là: đánh lại cho mẹ. Thế là nó đánh luôn. Chồng em chửi em không biết dạy con, lớn lên nó cầm dao đi giết người".

Sinh con ra đã là một việc vô cùng khó khăn, vất vả, ấy vậy mà việc dạy con lại càng khó khăn gấp bội. 

Trong nhiều trường hợp, trẻ nhỏ không đủ kinh nghiệm để hiểu và nhận thức vấn đề một cách tường tận nên có như cư xử rất non nớt và bản năng. Ở vai trò là những người làm cha, làm mẹ, việc sáng suốt để định hướng cách xử lý cho con là vô cùng quan trọng.

Vừa mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội quy tụ sự tham gia của đông đảo mẹ trẻ có con nhỏ, một thành viên đã có dịp chia sẻ câu chuyện mà con mình gặp phải cũng như cách cô dạy dỗ và định hướng ứng xử cho con trong trường hợp đó.

"Các mẹ ơi, em hoang mang chuyện dạy con lên 2 quá. Hôm trước, em đi đón con thì thấy có bạn đang yên đang lành tự nhiên tát nổ đom đóm mắt con nhà em, thế là con khóc. Chứng kiến cảnh ấy, em điên lắm vì em luôn dạy con không được đánh bạn. 

Từ hôm đấy, em bảo con ơi, ai đánh con thì con phải đánh lại cho mẹ, không được để ai tự ý đánh con. Sau đó là 1 chuỗi ngày các bạn trong lớp mặt mũi xây xát vì bị con em đánh.

Xui con lấy xẻng nhựa đánh lại khi bị bạn ức hiếp, mẹ trẻ gây nên làn sóng tranh luận về cách dạy con - Ảnh 1.

(Hình minh họa)

Con em hung hăng, gớm ghê nhất xóm. Một lần đi nhà bóng, con bị 1 anh lớn tuổi đánh vào mặt, em đưa cái xẻng nhựa nhỏ xúc cát rồi bảo con là: đánh lại cho mẹ. 

Thế là nó đánh luôn. Chồng em chửi em không biết dạy con, lớn lên nó cầm dao đi giết người. Thề là dạy không đánh bạn là đúng nhưng dạy tự vệ cũng không sai. Em nên dạy con như nào đây".

Ngay khi vừa được đăng tải, câu chuyện của mẹ trẻ này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo các thành viên khác trong nhóm.

 Chưa cần bàn đến tính đúng sai, tuy nhiên, cách mà bà mẹ trẻ trong câu chuyện trên dạy con đã dấy lên làn sóng tranh luận gay gắt giữa hai luồng quan điểm. Một luồng ý kiến, các mẹ cho rằng, việc hướng dẫn con đánh lại bạn để tự vệ là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở:

"Về phần mình, mình cho phép con mình đánh lại bạn nếu bạn nó đánh nó hoặc là đánh em gái nó. Đứa nào dễ bị bắt nạt sẽ luôn luôn bị bắt nạt. Chả nhẽ khi con bị đánh các mẹ có thể ở đó can thiệp à! Nó phải tự biết bảo vệ chính bản thân nó".

"Thời buổi này đừng bao giờ dạy con sống biết điều và nhường nhịn. Ai bắt nạt mình thì mình phải đánh lại. Lớn lên cũng thế, phải luôn học cách trả lại những gì mà người khác đã gây ra cho nó".

Xui con lấy xẻng nhựa đánh lại khi bị bạn ức hiếp, mẹ trẻ gây nên làn sóng tranh luận về cách dạy con - Ảnh 2.

(Hình minh họa)

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tán thành với cách thức dạy con của mẹ trẻ trong câu chuyện trên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, có rất nhiều cách thức vừa hay vừa mang tính nhân văn mà các bà mẹ có thể hướng dẫn cho con mình:

"Tự mình dạy hư con chứ có gì hay ho mà kể. Dạy con kiểu này rồi để đến lớn nó đánh suốt ngày đánh người ta thì cả ngày phải đi xin lỗi. Đã thế còn không bảo được nữa. Cần phân định rõ giữa tự vệ và đánh bạn nhé!".

"Tính cách của trẻ được định hình bởi môi trường. Nếu bạn bị con đánh, nó ắt sẽ có cách phản kháng của mình, bố mẹ không nên can thiệp, chỉ trừ những trường hợp quá nghiêm trọng thì phụ huynh sẽ gián tiếp làm việc với thầy cô giáo".

Xui con lấy xẻng nhựa đánh lại khi bị bạn ức hiếp, mẹ trẻ gây nên làn sóng tranh luận về cách dạy con - Ảnh 3.

(Hình minh hoạ)

Trẻ con như tờ giấy trắng và đôi khi có những cư xử vô cùng bản năng, nên các bậc làm cha, làm mẹ cần dành nhiều thời gian để quan sát con mình, từ đó, nhìn nhận một cách rõ nét vấn đề cũng như tính cách của con. Không can thiệp quá sâu và để con phát triển một cách tự nhiên vẫn là cách được nhiều bậc phụ huynh áp dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại