Trong cuốn sách "Dám kỷ luật" của tiến sĩ tâm lý học người Mỹ-James Clayton Dobson- có một đoạn nói về các quy tắc dành cho trẻ em: "Nếu có lan can bên mép vực thì người ta mới dám dựa vào lan can mà nhìn xuống vì không sợ ngã.
Nếu không có lan can, tất cả mọi người đều dừng ở phía xa vách núi huống chi là đứng trên mép vực nhìn xuống".
Theo vị tiến sĩ này, trong cuộc sống, lan can chính là thứ cha mẹ vẽ ra cho trẻ. Khi trẻ được kiểm soát đúng cách sẽ biết tự chủ với cuộc sống của bản thân chúng hơn.
"Cuộc đời là một cuộc đua marathon, cha mẹ mãi mãi chỉ có thể đồng hành cùng một nửa chặng đường.
Sau này, khi chúng ta không thể hộ tống con cái, cho dù tình huống như thế nào thì những phẩm chất tốt đẹp được xây dựng từ cha mẹ chính là gốc rễ giúp con cái vượt qua các góc cua và khó khăn trong cuộc sống", James Clayton Dobson nói.
Từ nghiên cứu của tiến sĩ James Clayton Dobson, nhìn vào thực tế về cách dạy con trở thành "thiên tài" của 4 bậc cha mẹ ở Trung Quốc, càng thấy thấm thía và xác đáng. 4 thanh niên "thiên tài" ấy vừa được tập đoàn Huawei chiêu mộ với mức lương cao chót vót khiến dư luận không khỏi trầm trồ, thán phục.
Trong đó hai cái tên Trương Tế và Diêu Đình nổi bật hơn cả bởi cùng tốt nghiệp tiến sĩ từ Trung tâm nghiên cứu quốc gia về quang điện tử thuộc Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung, với mức lương lần lượt là 2,01 triệu tệ (6,7 tỷ đồng) và 1,565 triệu tệ (5,2 tỷ đồng) mỗi năm - mức lương được cho là "cao khủng khiếp" so với mặt bằng chung.
Không thể phủ nhận tài năng vượt trội của họ so với những đứa trẻ bình thường khác.
Tuy nhiên, họ sinh ra không phải là những đứa trẻ xuất chúng bẩm sinh, thậm chí xuất phát điểm của họ rất bình thường, sinh ra trong những gia đình hết sức bình thường.
Nhưng, điều khác biệt kiến tạo nên cuộc đời họ chính là phương pháp giáo dục từ cha mẹ.
Diêu Đình đã vận dụng uyển chuyển những lời dạy dỗ của cha mẹ để gặt hái được thành công vượt bậc trong hiện tại.
Thành tích học tập của Diêu Đình thời ấu thơ không mấy khả quan. Cấp 2 làng nhàng, điểm số không lọt vào bất kỳ trường cấp 3 nào của tỉnh Hồ Nam - nơi gia đình cô sinh sống.
Sau đó, Diêu Đình miễn cưỡng phải nhập học một trường cấp 3 hạng trung bình của thành phố. Còn kết quả kỳ thi đại học năm đầu tiên của Trương Tế khá tệ, anh thậm chí còn phải ở nhà ôn thi lại một năm.
Sang năm thứ hai dù rất cố gắng, nhưng Trương Tế vẫn chỉ đỗ vào một đại học "bậc 3" ở Trung Quốc – Học viện công nghệ Vũ Xương.
Là những đứa trẻ bình thường trong gia đình bình thường, Trương Tế và Diêu Đình dựa vào đâu để có những thành tích vượt trội?
Để có thành tích như ngày hôm nay, Trương Tế từng chia sẻ cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời anh.
Thay vì điều kiện tài chính, các lớp học kèm, cha mẹ đã nuôi dưỡng những thói quen và đức tính tốt cho con trai để phát triển về sau.
Theo Trương Tế, mẹ anh là giáo viên mẫu giáo còn cha là giáo viên tiểu học. Triết lý nuôi dạy con của họ là "trau dồi phẩm chất" thay vì chạy đua thành tích.
Trương Tế chưa bao giờ bị bố mẹ ép buộc đi học thêm. Cậu luôn được khuyến khích suy nghĩ độc lập, không áp đặt từ bố mẹ.
"Khi gặp vấn đề nào đó mang tính cá nhân, cả gia đình sẽ ngồi thảo luận. Bố mẹ sẽ phân tích điểm mạnh điểm xấu của vấn đề, còn quyết định thế nào là do tôi lựa chọn", chàng trai này chia sẻ.
Bằng cách này, Trương Tế đã quen với việc suy nghĩ độc lập từ khi còn nhỏ, và thói quen này tiếp tục ảnh hưởng đến anh trong cuộc sống về sau.
Chàng trai 28 tuổi từng nói, bố luôn dặn dò việc học tập của con người cũng giống như xây một tòa nhà.
Có thể nó không được xây bằng nguyên liệu tốt nhất, người xây cũng không có tay nghề nhanh nhất nhưng phải ổn định nhất. "Miễn là con không bỏ cuộc, phải xây bằng được cho mình một ngôi nhà vững chãi", ông nói với anh.
Bởi vậy khi trượt đại học năm đầu, Trương Tế tiếp tục thi ở năm sau mà không gặp phải sự thất vọng của bố mẹ. "Trượt một lần, cuộc đời con không phải dừng lại ở đây", mẹ anh động viên.
Từ sự định hướng và dạy dỗ của người lớn, 10 năm tiếp theo, việc học tập của Trương Tế khá vững chắc. Không thi đỗ đại học thì thi lại.
Tốt nghiệp đại học thì tiếp tục học lên tiến sĩ. Theo đánh giá của các giáo sư đã từng dạy Trương Tế, tính chủ động trong học tập của thanh niên này rất cao, có vấn đề phải giải quyết cho bằng được và ít khi đầu hàng trước cái khó.
Sau này Trương Tế nói rằng, anh rất cảm ơn cách dạy dỗ của cha mẹ mình. Đó là không ép con cái học hành mà cho con sự tự chủ ngay từ nhỏ.
"Sự tự chủ có thể không thể đạt được thành tích tốt ngay từ đầu nhưng lại rất có lợi trong hành trình của tôi sau này", thanh niên "thiên tài Huawei" nói.
Những thói quen tốt là cách duy nhất để thành công
Diêu Đình thừa nhận: "Tôi không chăm chỉ nhất, không thông minh nhất nhưng mọi việc phải thực hiện một cách thuần thục nhất. Đó là điều bố mẹ dạy dỗ tôi". Dưới đây là cách bố mẹ định hướng Diêu Đình từ tấm bé:
Mục tiêu phải rõ ràng
Những giáo viên từng dạy Diêu Đình cho biết, cô gái này có kế hoạch học tập rõ ràng và luôn biết phải làm gì, khi nào thực hiện là tốt nhất.
"Một khi đã đề ra mục tiêu, dù khó khăn đến mấy, Diêu Đình cũng sẽ thực hiện cho bằng được", cô giáo chủ nhiệm cấp 3 nhận xét về học sinh của mình.
Tự giác và tập trung
Khi vào lớp 12, điểm số của cô không phải là cao nhất. Nhưng Diêu Đình học ra học, chơi ra chơi. "Một khi đã học tập, cô bé này rất tập trung, không bị ảnh hưởng của môi trường xung quanh", cô giáo chia sẻ.
Sau này, Diêu Đình từng tham gia rất nhiều hội nhóm và thi cử: Cuộc thi hùng biện tiếng Trung - Anh, dự án thể thao của trường, các cuộc thi diễn thuyết, nhiều cuộc nghiên cứu khoa học và có nhiều bài viết được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành.
Trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu, cô nhận được không ít giải thưởng, học bổng và lời mời làm việc từ các hãng công nghệ danh tiếng như Western Digital, Tencent, Alibaba...
Tất cả các đề tài, viết luận, trao đổi học tập ở nước ngoài, cô gái này luôn dựa vào tính tự giác để thúc đẩy bản thân, không cần ai nhắc nhở.
Dám thách thức và không sợ thua
Diêu Đình từng thất bại khi bị một trường đại học tại Mỹ đánh trượt lên tiến sĩ, dù cô đã nỗ lực hết mình.
Trước thất bại này, cô gái viết trong nhật ký "Bất cứ nơi nào mà tôi có thể tiến bộ và bứt phá nhờ nỗ lực đều là nơi tôi thích nhất".
Ý kiến và suy nghĩ của cô gái này rõ ràng đã vượt qua hầu hết mọi người.
Nếu như người khác bị đánh trượt sẽ tỏ ra hậm hực hoặc có ấn tượng không tốt, thì Diêu Đình vẫn nhận đó là ngôi trường mà cô thích nhất bởi rèn luyện cho bản thân sự bứt phá.
Với thành công của mình, Diêu Đình xác nhận được hình thành từ trong cách giáo dục của gia đình.
"Môi trường học tập, thói quen sinh hoạt, phẩm chất, tính cách... gia đình như bến đỗ tâm hồn, là nguồn năng lượng bổ sung không ngừng cho tôi".
Trường hợp của 2 "thiên tài" này, mạng xã hội Trung Quốc đặt ra câu hỏi: "Vậy điểm chung trong cách dạy dỗ của hai gia đình là ở đâu?".
Không phải những thứ đao to búa lớn, mà bí quyết gói gọn trong 2 chữ: TỰ CHỦ
Khi trẻ lớn lên, sự tự chủ thậm chí còn quan trọng hơn cả chỉ số IQ. Sự tự chủ giúp trẻ bình tĩnh định hướng tương lai, hiểu rõ bản thân, phát huy tối đa thế mạnh, tự tin vào năng lực cá nhân.
Đó cũng là cách trẻ được cha mẹ tôn trọng, tin tưởng, bởi lẽ: "Cuộc đời là một cuộc đua marathon, cha mẹ mãi mãi chỉ có thể đồng hành cùng một nửa chặng đường, phần còn lại trẻ sẽ phải tự đi bằng chính đôi chân của mình, bằng trí tuệ của mình".