Xuất khẩu dầu Nga sang 1 nước châu Á tăng 25 lần; EU cấm vận dầu, Nga thiệt hại bao nhiêu?

Hồng Anh |

Phản ứng trước động thái của EU, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna Mikhail Ulyanov tuyên bố: Nga sẽ tìm đến những khách hàng khác.

Xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ tăng gấp 25 lần

Đài RT (Nga) dẫn nguồn hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, kể từ tháng 2 năm nay, Ấn Độ đã nhập khẩu 34 triệu thùng dầu giảm giá của Nga - gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu được Reuters dẫn từ Refinitiv Eikon, chỉ tính riêng trong tháng 5 này, Ấn Độ đã nhận hơn 24 triệu thùng dầu thô từ Nga, tăng đáng kể từ con số 7,2 triệu thùng trong tháng 4 và khoảng 3 triệu thùng trong tháng 3. Dữ liệu cho thấy, quốc gia Nam Á này sẽ nhập khoảng 28 triệu thùng dầu Nga trong tháng 6.

Năm ngoái, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ trung bình chỉ đạt 960.000 thùng mỗi tháng, nghĩa là con số 24 triệu thùng trong tháng 5 đã gấp 25 lần so với mức trung bình của năm 2021.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva đã tạo cơ hội cho các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tăng cường mua dầu của Nga (chủ yếu là dầu thô Urals) với giá hời, vì một số khách hàng châu Âu do lo ngại trừng phạt mà né tránh dầu thô Nga.

Ấn Độ đã bị phương Tây chỉ trích vì tiếp tục mua dầu của Nga. Tuy nhiên, New Delhi đã bác bỏ những lời chỉ trích và nói rằng những mặt hàng nhập khẩu này chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng nhu cầu của đất nước. Các nhà chức trách cũng cho biết Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu "giá rẻ" của Nga vì việc dừng mua đột ngột có thể làm tăng các chi phí cho người tiêu dùng.

Dầu Nga bị EU cấm vận: Nga thiệt hại bao nhiêu?

Hãng thông tấn AP đưa tin, trong cuộc họp vào đêm muộn ngày 30/5 vừa qua, các nhà lãnh đạo liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga, nhưng tạm thời miễn trừ cho hình thức nhập khẩu bằng đường ống.

Theo kết luận của hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về nội dung gói trừng phạt Nga thứ 6 sẽ bao gồm "lệnh cấm vận dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ được vận chuyển từ Nga vào các quốc gia EU bằng đường biển, nhưng tạm thời vẫn cho phép nhập khẩu dầu thô bằng đường ống."

EU đã phải mất khá nhiều thời gian để đạt được thỏa thuận này, do một số quốc gia thành viên không giáp biển và phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, như Hungary, Cộng hòa Séc và Slovaka, bày tỏ lo ngại về hậu quả nặng nề của lệnh cấm vận đối với nền kinh tế của họ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo các lãnh đạo EU đã "thống nhất về nguyên tắc" về lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023. "Đây là bước đi quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm giải quyết 10% còn lại", bà Von der Leyen nói.

Xuất khẩu dầu Nga sang 1 nước châu Á tăng 25 lần; EU cấm vận dầu, Nga thiệt hại bao nhiêu? - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen

Phản ứng trước động thái của EU, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna Mikhail Ulyanov tuyên bố: Nga sẽ tìm đến những khách hàng khác.

Được biết, trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với đài MSNBC (Mỹ), bà Von der Leyen đã giải thích lý do EU cần tiếp tục mua dầu Nga là để ngăn Nga kiếm lợi từ nơi khác. Điều này trái ngược với tuyên bố mới nhất của bà này về lệnh cấm vận của EU.

Ông Ulyanov bình luận trên Twitter: "Điều đáng chú ý là hiện tại bà ấy đang mâu thuẫn với tuyên bố ngày hôm qua của chính mình. Sự thay đổi nhanh chóng trong suy nghĩ cho thấy EU đang ở trong trạng thái không tốt".

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg (Mỹ) ước tính rằng Nga sẽ thiệt hại khoảng 10 tỷ USD mỗi năm do lệnh cấm vận dầu mới được EU thông qua.

Bloomberg lý giải rằng các chuyến hàng được vận chuyển bằng đường biển chiếm khoảng 2/3 lượng hàng xuất khẩu của Nga. Do đó, khi EU tung ra lệnh cấm vận, hãng tin này ước tính rằng Nga sẽ thiệt hại lên đến 10 tỷ USD mỗi năm.

Theo hãng tin của Mỹ, lệnh cấm vận sẽ buộc Nga phải bán dầu với giá chiết khấu cho châu Á, nơi họ vốn đang bán dầu với giá thấp hơn 34 USD/thùng so với giá dầu Brent giao sau.

Giá dầu tăng vọt sau tuyên bố của EU về lệnh cấm vận

Theo ghi nhận của đài CNBC (Mỹ), trong phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu thô kỳ hạn tháng 7 của Mỹ đã tăng 2,81%, lên 118,29 USD, trong khi giá dầu Brent kỳ hạn tăng 0,93% lên 115,42 USD, và giá dầu Brent tăng 1,17% lên 118,98 USD/thùng.

Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga, một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Lệnh cấm vận của EU có thể khiến thị trường năng lượng thêm khủng hoảng. Giá năng lượng đã tăng vọt trong năm qua, là một trong những lý do khiến lạm phát tăng nóng.

NYT: Hiện tại Nga vẫn ổn trước lệnh cấm vận dầu của EU

Nhận định về lệnh cấm vận dầu Nga của EU, báo The New York Times (Mỹ) cho biết hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga - một trong những nền tảng của nền kinh tế nước này - sẽ bị ảnh hưởng, nhưng có thể nó sẽ chưa gây ra nhiều thiệt hại cho đến khi các lệnh hạn chế thực sự có hiệu lực.

Hiện tại, các nhà phân tích cho rằng sản lượng dầu của Nga đang cho thấy khả năng phục hồi khi những người mua ở châu Âu và các quốc gia khác chớp lấy cơ hội săn hàng giá rẻ.

Theo công ty dữ liệu Kpler, ước tính sản lượng dầu của Nga thực tế đã tăng thêm khoảng 200.000 thùng/ngày trong tháng 5 so với tháng 4, túc 10,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoảng 800.000 thùng/ngày so với mức của tháng 2.

Kpler dự đoán rằng lệnh cấm vận của EU có thể khiến sản lượng dầu Nga giảm thêm 1 triệu thùng/ngày khi các lệnh hạn chế chính thức có hiệu lực - tương đương khoảng 10%.

Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ góp phần vào sự suy thoái diện rộng của ngành năng lượng Nga trong những năm tới, khi các công ty dầu mỏ lớn rời khỏi nước này và các lệnh trừng phạt khiến Nga bị hạn chế nhập khẩu công nghệ phương Tây.

Xuất khẩu dầu Nga sang 1 nước châu Á tăng 25 lần; EU cấm vận dầu, Nga thiệt hại bao nhiêu? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Xuất khẩu dầu của Nga sang EU bằng đường biển đã giảm khoảng khoảng 440.000 thùng/ngày từ tháng 2 đến tháng 3, nhưng kể từ đó giữ tương đối ổn định ở mức khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. Italy là một khách hàng lớn, nhập khẩu khoảng 400.000 thùng dầu Nga/ngày, mặc dù khoảng 1/4 lượng dầu đó được chuyển đến Trung Âu thông qua Trieste.

Ông Viktor Katona, nhà phân tích của Kpler, cho biết: "Người mua đã quen với việc giao dịch với hàng hóa của Nga."

Kpler ước tính rằng trong tháng 5, có khoảng 600.000 thùng dầu mỗi ngày được Nga giao tới các nước như Hungary, Slovakia, Ba Lan và Đức.

Đầu tháng này, công ty dầu mỏ Hungary, MOL, cho biết lợi nhuận từ lọc dầu của họ đã "tăng vọt" nhờ mua được dầu thô Urals giảm giá của Nga. Ấn Độ cũng mua thêm số lượng lớn dầu giá rẻ của Nga trong tháng 5.

Nhà báo Anh: "EU nên quên chuyện trừng phạt đi"

Theo bình luận được đăng tải trên báo The Guardian, nhà báo, tác giả sách Simon Jenkins đã nêu luận điểm: Những lệnh trừng phạt Nga đang gây hại cho châu Âu nhiều hơn là có lợi.

Cụ thể, ông Jenkins nêu lên thực tế: "6 triệu hộ gia đình ở Anh phải đối mặt với nguy cơ bị mất điện vào buổi sáng và buổi tối trong mùa đông này để duy trì các lệnh trừng phạt Nga, và tương tự đối với người tiêu dùng châu Âu."

EU trừng phạt nhằm khiến Nga thay đổi, nhưng thực tế đã cho thấy các biện pháp trừng phạt chỉ là một biện pháp răn đe nhằm có tác dụng trong trung và dài hạn.

Nhà báo Anh lập luận: "Trừng phạt có thể làm tổn hại đến mức độ tín nhiệm của Nga, nhưng chỉ riêng việc giá khí đốt thế giới tăng 70% đã làm tăng thêm cán cân thanh toán của nước này. [...] Các biện pháp trừng phạt rõ ràng đang làm tổn thương các quốc gia ở Tây và Trung Âu - những nước áp đặt chúng."

"Hàng triệu người vô tội trên khắp châu Âu và xa hơn thế nữa sẽ phải chịu đựng khi giá lương thực và năng lượng tăng cao. Các đường cung cấp bị gián đoạn. Các liên kết thương mại sụp đổ. Nạn nhân chủ yếu là những người nghèo" - nhà báo Jenkins kêu gọi EU thức tỉnh trước khi quá muộn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại