Chuyển từ vỉa hè vào trong ngõ
Những người “sành ăn” ở quận Hai Bà Trưng, đa phần đều biết tiếng của quán bánh mỳ thịt nướng ở phố Nguyễn Công Trứ.
Cứ đến 17h, khách đến ngồi ăn kín cả bậc thềm bê tông ngôi nhà mặt phố. Cạnh đó là bếp nướng thịt xiên lao xao cả góc phố.
Từ khi Hà Nội ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, quán thịt nướng cũng biến mất. Chị L. chủ quán nghỉ hàng mấy hôm, cũng đang thấp thỏm vì mất thu nhập.
Theo lời chị L., nhà có đến 6 miệng ăn, toàn trẻ con và người già. Cả nhà trông chờ vào quán nướng của chị. Nay quán bị dẹp, gia đình không biết sống thế nào.
Kế đó là quán bún móng, khá đông vào buổi trưa. Trước đây, quán bún chiếm trọn vỉa hè ngã 3 Nguyễn Công Trứ - Yên Bái. Nay cũng đã phải bỏ địa điểm để dọn vào trong ngõ cách đó 50m.
Chỗ ngồi chật chội, quán sụt giảm doanh thu rõ rệt. Bà chủ cửa hàng than thở: Khách đến ăn không có chỗ ngồi lại đi, nếu cứ tiếp tục thì chúng tôi khéo phải đóng cửa sớm.
Tại phố Hàng Bạc, quán trà đá mưu sinh lâu năm của bà Định trước đây thường bày ghế tràn ra vỉa hè. Nhà neo đơn, cuộc sống của bà đã gắn bó ở đây hơn chục năm.
Nay khi thành phố quyết liệt dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, bà đã được tổ dân phố vận động người dân cùng ngõ cho bà kê gọn bàn ghế nơi đầu ngõ.
Ông Nguyễn Thái An, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố 22 phường Hàng Đào cho biết: “không chỉ một trường hợp mà chúng tôi đã vận động giúp nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.
Ngay như đầu ngõ 100 Hàng Đào, dù là địa điểm “đắc địa”, có người trả tới 100 triệu đồng để thuê nhưng người dân trong ngõ vẫn đồng lòng cho hộ nghèo nhất vị trí đó sử dụng để bán quần áo.
Bản thân nhà ông cũng đang cho một hộ hàng xóm mượn sau khi đóng cửa hàng để buôn bán.
Khó tìm ra hướng hỗ trợ người dân
Ông An cũng đồng tình với việc dọn dẹp, làm sạch vỉa hè của TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông cần có một số cơ chế đặc thù cho tuyến phố buôn bán sầm uất bậc nhất Hà thành.
“Có chăng nên linh hoạt cho người dân nửa mét vỉa hè, không ảnh hưởng đến người đi bộ, không xả rác bừa bãi...
Bởi ngay cả những người buôn bán lớn trên phố cũng bị sụt giảm doanh thu nặng. “Tôi nghĩ nên bố trí bãi đỗ xe cho khách đến mua hàng, có thể đỗ lại vài phút.
Còn nếu xe của chủ cửa hàng thì có thể phạt thật nặng. Thậm chí tái phạm nhiều lần thì rút giấy phép kinh doanh”, ông An đề xuất.
Lãnh đạo UBND phường Hàng Đào cho biết thêm, đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, phường thông qua Ban công tác mặt trận ở địa bàn dân cư tổ chức vận động hộ dân chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Phố Huế Nguyễn Song Toàn cho biết, nếu không có phương án chuyển đổi cho người dân thì trên địa bàn phường sẽ có khoảng 15 hộ nghèo.
Đại diện UBND phường Bách Khoa cho biết thêm, hiện nay vẫn chưa có hướng nào để chuyển đổi kinh doanh cho các hộ dân bởi rất khó bố trí các điểm để kinh doanh.
Sáng 14/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với quận Bắc Từ Liêm.
Nói về việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, ông Hải khẳng định, chủ trương của thành phố là làm bài bản, có tình, có lý, thực hiện đầy đủ các bước, từ vận động, tuyên truyền đến đưa ra lộ trình tự khắc phục.
"Người dân tự giác rồi nhưng từ cấp phường, quận, các lực lượng đều phải tăng cường kiểm tra mới giữ được trật tự. Với những trường hợp không chấp hành, cố tình tái lấn chiếm phải xử lý mạnh tay.
Cố tình tái phạm có thể rút giấy phép không cho kinh doanh. Với các hộ kinh doanh không đảm bảo vệ sinh môi trường, xả rác bừa bãi cũng cần xem xét rút giấy phép kinh doanh", ông Hải nói.
Theo ông Hải, sẽ là thất bại nếu không tạo ra phong trào chấp hành pháp luật chung của toàn thành phố. "Người ta sẽ nói các đồng chí không dám làm.
Cho nên vai trò từ chính quyền, công an của thành phố đến các quận, phường phải làm đồng bộ và kiên quyết", ông Hải nói.
Hoàng Phong