"Bắt đàn ông cách xa trẻ em 1 mét": Xin đừng bảo vệ con chúng ta bằng nỗi sợ

Phạm Trung Tuyến |

Những vụ ấu dâm liên tiếp xảy ra đang khiến dư luận xã hội như lên một cơn sốt.

Mạng xã hội, báo chí, đâu đâu cũng nói đến ấu dâm. Hình ảnh của những nghi phạm tràn lan trên mạng.

Các cuộc hội thảo, tọa đàm chính thức và phi chính thức diễn ra khẩn trương. Những lời kêu gọi trừng trị đanh thép, những thông điệp mạnh mẽ thúc giục để bảo vệ trẻ trước nạn ấu dâm.

Lên tiếng và hành động là cần thiết, nhưng nếu không tỉnh táo, thì sẽ tạo nên một bầu không khí sợ hãi và nghi kỵ, như thể xung quanh chúng ta có rất nhiều tội phạm ấu dâm, và mọi đứa trẻ đều là nạn nhân.

Sáng hôm nay (14/3) tôi kinh hoàng khi mở điện thoại và thấy một thông điệp "Tất cả đàn ông hãy cách xa trẻ em 1 mét!".

Nhiều người chia sẻ thông điệp đó như một tuyên ngôn nhằm thể hiện thái độ của mình đối với nạn ấu dâm.

Tôi cảm thấy kinh hoàng bởi sự thái quá của thông điệp ấy được chia sẻ rất nhiều.

Thế giới của chúng ta đáng sợ đến thế sao? Liệu nó có thực sự tệ hại đến mức chúng ta phải nghi ngờ tất cả những người xung quanh minh đều có thể xâm hại tình dục trẻ con?

Bắt đàn ông cách xa trẻ em 1 mét: Xin đừng bảo vệ con chúng ta bằng nỗi sợ - Ảnh 1.

Ấu dâm được hiểu là một loại bệnh lý với biểu hiện tâm lý ham muốn tình dục với trẻ em. Mặc dù vậy, không phải người bệnh ấu dâm nào cũng xâm hại tình dục trẻ em, và không phải kẻ xâm hại tình dục trẻ em nào cũng mắc bệnh ấu dâm.

Điều đó có nghĩa là chúng ta không có cách nào để chẩn đoán chính xác được ai có thể, vào lúc nào đó sẽ có thể là một kẻ lạm dục tình dục trẻ em. Vậy điều đó có đáng sợ không? Tôi cho rằng không đáng sợ như cái cách hoảng hốt của cư dân mạng.

Chúng ta khó có thể biết trước được ai đó có thể sẽ tấn công tình dục con em mình. Nhưng điều đó cũng giống như chúng ta khó có thể biết trước được ai đó, vào một lúc nào đó, sẽ có thể trở thành một tên kẻ cắp, một kẻ dã man. Cuộc sống ngày càng khó lường hơn.

Sự an toàn của trẻ em trước nguy cơ bị tấn công tình dục không lớn hơn nguy cơ chúng ngộ độc thực phẩm ở trường, bị tai nạn giao thông trên vỉa hè, chết đuối trong bể bơi, bị bắt cóc tại khu vui chơi, bị tấn công bởi một gã tâm thần…

Tất cả những rủi ro đó đều là những nguy cơ có thật. Nhưng nếu sợ hãi, chúng ta sẽ phải sợ hãi tất cả mọi điều trong cuộc sống này.

Chúng ta cần bảo vệ con em mình, giữ cho chúng một không gian sống an toàn, tránh xa các nguy cơ rủi ro. Điều đó đúng! Song, bảo vệ trẻ con không có nghĩa là tạo cho con em mình một thói quen sợ hãi, nghi kị tất cả mọi người xung quanh, rằng ai cũng có thể tấn công chúng.

Nỗi sợ có thể giúp con trẻ không phải lớn lên với những thương tổn về thể xác, nhưng lại què quặt về tâm hồn bởi thay vì được sống với tuổi thơ lại phải chịu đựng một tuổi thơ với nỗi sợ bất trắc.

Bắt đàn ông cách xa trẻ em 1 mét: Xin đừng bảo vệ con chúng ta bằng nỗi sợ - Ảnh 2.

Bảo vệ con trẻ trước những mối hiểm nguy tiềm tàng từ những kẻ ấu dâm không nhất thiết phải khiến chúng nghi kị tất cả những người sống quanh mình.

Hãy trang bị cho con trẻ những kiến thức để nhận biết hành vi nguy hiểm, những kỹ năng để thoát hiểm và tìm kiếm sự trợ giúp, và hãy để mắt tới con mình nhiều hơn.

Thay vì chỉ dõi mắt vào điện thoại để lo sợ và lên án những kẻ ấu dâm, tất cả chúng ta hãy dõi mắt về phía những đứa trẻ để kịp thời hỗ trợ khi chúng cần trợ giúp.

Vì sự an toàn của con trẻ mà vô tình tạo ra nỗi sợ hãi, nghi kỵ không phải cách để giúp chúng an toàn, là cách "tốt nhất" để khiến cuộc sống của chúng trở nên nguy hiểm, bất trắc hơn.

Tội ác có thể sinh ra bởi nhiều cách khác nhau, nhưng dễ nhất chính là từ những nỗi sợ hãi vô minh. Và chúng ta, hẳn đều không muốn con em mình được lớn lên bởi sự vô minh đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại