Xu hướng sử dụng rô-bốt trong tác chiến lục quân trên thế giới

Mạnh Thắng |

Trong những năm gần đây, nhiều nước có nền khoa học công nghệ quốc phòng phát triển đã tích cực nghiên cứu rô-bốt, ứng dụng trong lĩnh vực quân sự trên đất liền.

Đây được coi là xu hướng mới, giảm tổn thất sinh mạng bộ binh, tăng khả năng, hiệu quả tác chiến trên chiến trường, thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận.

Xu hướng sử dụng rô-bốt trong tác chiến lục quân trên thế giới - Ảnh 1.

Rô-bốt chiến đấu Gladiator của Lục quân Mỹ. Nguồn: globalsecurity.org

Trong chiến tranh công nghệ cao, thông tin trên chiến trường được coi là "một vũ khí" quan trọng giúp cơ quan tham mưu, tác chiến hiểu rõ hơn đặc điểm, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn; cách bố phòng, sử dụng phương tiện, vũ khí, lực lượng của đối phương... 

Có nhiều biện pháp, phương thức khai thác thông tin để giải quyết bài toán "biết đối phương", trong đó có biện pháp áp dụng rô-bốt.

Thực tế, các nước có nền khoa học quốc phòng trên thế giới, nhất là Mỹ đã chú trọng nghiên cứu, sản xuất rô-bốt chiến đấu; rô-bốt tình báo, trinh sát và giám sát (ISR), rô-bốt vận tải... 

Trong đó, xu hướng phát triển các loại rô-bốt chiến thuật và mô-đun hóa, được trang bị các gói nhiệm vụ đa năng từ ISR, chống vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và thông thường (CBRNE) tới rà phá bom mìn, phá hủy đạn dược (EOD), dọn đường, vận tải, bảo vệ căn cứ và bảo vệ lực lượng đang rất được chú trọng. 

Theo nhận định của các chuyên gia quân sự, rô-bốt được điều khiển từ xa, di chuyển ở tầm thấp, rất khó phát hiện. Nó có thể hoạt động tại môi trường ô nhiễm, sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, đồng thời truyền hình ảnh trung thực ở chiến trường tới trung tâm chỉ huy để xử lý thông tin.

Mới đây, tại diễn đàn những tiến bộ về công nghệ trang bị người lính tổ chức ở Luân Đôn, nước Anh vào ngày 14-3-2016, các quan chức Lục quân Mỹ đã nói với phóng viên Tạp chí Military Technology rằng, họ sẽ triển khai nhiều hơn các loại rô-bốt tiên tiến trong môi trường tác chiếc tương lai. 

Điều này cho thấy, sự gia tăng sử dụng các loại rô-bốt làm nhiệm vụ vận tải, bảo vệ căn cứ đóng quân, bảo vệ lực lượng là rất khả thi và đang được nghiên cứu, ứng dụng sâu vào hoạt động tác chiến.

Gần đây, Công ty các hệ thống rô-bốt Harris I của Mỹ đã sản xuất nhiều loại rô-bốt khác nhau, trong đó có họ rô-bốt REDHAWK. Hiện nay, Harris đang tập trung vào các chương trình phát triển rô-bốt đa năng, có thể triển khai hàng nghìn giờ trong các hoạt động tác chiến, có các khả năng như con người, trong khi vẫn bảo đảm an toàn tối đa cho người sử dụng. 

Đáng chú ý là, họ tập trung nghiên cứu, phát triển các hệ thống rô-bốt mô-đun có khả năng mở rộng, bao gồm các rô-bốt điều khiển không dây, rô-bốt thao tác chính xác và các rô-bốt đa năng, tiên tiến. 

Các loại rô-bốt này được trang bị để tối ưu các gói nhiệm vụ khác nhau, như: Rà, phá các IED, EOD; trinh sát và phát hiện CBRNE, ISR và dọn dẹp vật liệu nguy hiểm; các loại rô-bốt được trang bị cảm biến tiên tiến, giúp nâng cao khả năng nhận thức tình huống và bảo vệ người lính trên chiến trường.

Hiện nay Lục quân Mỹ đang triển khai rô-bốt PackBot 510. Đây là loại rô-bốt trinh sát được "sủng ái" bởi tính linh hoạt cao. Nó được dùng để dò tìm các loại bom, mìn và IDE. 

Với một cánh tay dài hơn 2 m, PackBot có thể quan sát ở hầu hết mọi ngõ ngách. Thiết kế linh hoạt cho phép PackBot di chuyển trên nhiều loại địa hình khác nhau, leo cầu thang, lăn trên địa hình lồi lõm, gồ ghề. Nhờ vào các "chân chèo", PackBot có thể liên tục quay 360°, dễ dàng di chuyển ngang, dọc trên đá sỏi, bùn, tuyết và các địa hình phức tạp khác. 

PackBot được trang bị thiết bị dẫn đường bằng GPS, la bàn điện tử, camera nhiệt, thiết bị nhận biết tình huống, thiết bị phát hiện vật liệu nổ FIDO và HAZMAT, thiết bị dọn đường, cắt cáp cơ khí... PackBot được chỉ huy bởi khối điều khiển kích thước 38 cm. Các dữ liệu về hướng đi và vị trị của PackBot được hiển thị trên màn hình 3D. 

PackBot 510 cũng có thể được trang bị gói các thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến 4,9GHz Mesh, kết nối trong địa hình hiểm trở như đường hầm, cống và các vị trí dưới lòng đất. PackBot chỉ mất 2 phút để triển khai; di chuyển hơn 13 km/h; chịu được va chạm khi rơi từ độ cao 1,8 m vào bê tông; hoạt động dưới nước có độ sâu khoảng 1 m. 

Trong thực tế, Lục quân Mỹ đã tận dụng tối đa lợi thế của rô-bốt này vào các hoạt động trinh sát, tác chiến. Họ tung Packbot qua cửa sổ của các tòa nhà, sử dụng nó để tìm ra nơi đối phương đang ẩn nấp.

Từ năm 2014, Quân đội Mỹ đã thử nghiệm các rô-bốt được trang bị súng máy tại căn cứ Fort Benning, bang Georgia. Trong đó, rô-bốt Protector được nâng cấp có khả năng sử dụng súng máy M-240. 

Trước đây, rô-bốt Protector được thiết kế có thể di chuyển tối đa 8 km/h, mang được 230 kg trang thiết bị để khai thông các tuyến đường, đào công sự. Nhưng khi gắn một súng máy trên đỉnh, Protector đã trở thành chiến binh có thể nhả đạn ở cự ly 1,8 km, trong khi người điều khiển nó ở cách xa hơn 1 km.

Quân đội Nga đặc biệt chú trọng phát triển các loại rô-bốt chiến đấu. Rô-bốt chiến đấu MRK-27-BT đã được trang bị cho Lục quân Nga năm 2012. Theo thiết kế, MRK-27-BT có chức năng tấn công tiêu diệt bộ binh, công sự và xe tăng đối phương. 

MRK-27-BT được trang bị 2 súng phun lửa, 1 súng máy, 2 súng phóng lựu và 6 lựu đạn khói. Ngoài ra, binh lính có thể lắp ghép các loại vũ khí cá nhân của họ lên MRK-27-BT hoặc sử dụng vũ khí trên MRK-27-BT để chiến đấu. 

MRK-27-BT được đánh giá là có độ tin cậy và cơ động hơn so với nhiều loại cùng chức năng. Hệ thống điều khiến từ xa của MRK-27-BT cho phép người sử dụng có thể tiến hành tác chiến từ khoảng cách tối đa 500m.

Thành tựu quân sự nổi bật năm 2015 của Nga là hoàn thành thử nghiệm và đưa vào thực chiến rô-bốt chiến đấu Platform-M và Argo. Tháng 12-2015, Quân đội Nga đã triển khai thực chiến 6 hệ thống Platform-M và 4 hệ thống Argo tại chiến trường Xi-ry. 

Theo đánh giá, các rô-bốt này đã phát huy hiệu quả rất tốt trong hoạt động ISR và tiêu diệt mục tiêu. Bằng chứng là, chỉ sau 20 phút tấn công của rô-bốt Platform-M, các chiến binh IS đã hỗn loạn tháo chạy, bỏ lại vũ khí, trang bị. 

Trên cao điểm 754,5 vùng núi Latakia, các binh sĩ Xi-ry đếm được 70 tay súng của IS thiệt mạng, Quân đội Xi-ry chỉ có 4 người bị thương. Trước khi được điều đến Xi-ry, rô-bốt chiến đấu Platform-M đã được Quân đội Nga sử dụng trong cuộc tập trận bảo vệ căn cứ hải quân ở Kamchatka, nơi đồn trú của Hạm đội tàu ngầm Thái Bình Dương của Nga.

Platform-M được trang bị súng máy 7,62 mm và súng phóng lựu 40 mm. Đặc biệt, Nga còn giới thiệu mẫu rô-bốt chưa từng được tiết lộ trước đó Uran-9, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, khoảng 20 rô-bốt này sẽ được trang bị cho Lục quân Nga vào năm 2017 - 2018. 

Uran-9 sử dụng tháp pháo được thiết kế đặc biệt mang một pháo tự động 30 mm 2A72, súng máy 7,62 mm, được điều khiển thông qua trung tâm chỉ huy đặt trên xe tải với nhiều máy tính và thiết bị liên lạc nhằm kiểm soát sự di chuyển cũng như hỏa lực của hệ thống. 

Rô-bốt chiến đấu Uran-9 được đánh giá có tính chiến đấu cao khi được tích hợp 10 tên lửa, gồm 4 tên lửa chống tăng có điều khiển 9S120 Ataka và 2 hệ thống tên lửa phòng không 9S846 Strelets, mỗi hệ thống được lắp 3 tên lửa 9K33 Igla.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại