Nhiều người quan niệm, Tết là dịp buộc phải chi tiêu, đi làm cả năm thì Tết chính là dịp sắm sửa. Dĩ nhiên, tùy thuộc vào cách chi tiêu cũng như ngân sách của mỗi gia đình, việc dành bao nhiêu tiền cho ngày Tết là những con số khác nhau. Và điều mà nhiều người tiêu dùng luôn quan tâm là giá cả hàng Tết làm sao được bình ổn.
Giá cả thị trường dịp cận Tết
Tại một trong những chợ truyền thống lớn nhất ở Hà Nội, không khí mua sắm diễn ra vô cùng tấp nập và nhộn nhịp. Năm nay, khách hàng khá ưa chuộng những món ăn, mâm cỗ được chuẩn bị sẵn vì tính tiện lợi. Mỗi mâm cỗ đây đủ món sẽ có giá dao động từ 1 - 1,4 triệu.
Chỉ trong 2 tiếng buổi sáng, một gian hàng đã bán được 100 mâm cỗ đủ món. Theo như chủ hàng chia sẻ, từ ngày ông Công ông Táo đến rằm tháng Giêng sẽ là thời gian nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao nhất.
Trong khi đó, tại các siêu thị cũng ghi nhận lượng khách hàng tăng cao trong những ngày cận Tết Nguyên đán.
Theo Bộ Công thương, để đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo cung ứng hàng hóa, cần tiếp tục theo dõi sát hình hình thực tế để điều chỉnh kịp thời, giữ ổn định lượng hàng hóa và giá cả.
Tổng số hàng hoá chuẩn bị cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán 2024 sẽ được các địa phương và nhà cung cấp phân phối qua siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng chuyên doanh, đảm bảo hàng hoá kiểm soát được chất lượng và giá cả tới tay người tiêu dùng. Ngoài ra, các loại thực phẩm tươi sống ghi nhận giá cả khá bình ổn, không có hiện tượng tăng giá cục bộ.
Các làng nghề hối hả sản xuất dịp Tết Nguyên đán
Trong thời gian từ nay đến 29 Tết, các hộ sản xuất tại làng nghề Tranh Khúc sẽ cung cấp khoảng 120.000 bánh chưng ra thị trường, với mức giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc tuỳ loại và kích cỡ.
Những ngày qua, màu đỏ ngập tràn đang đến với làng hương Quảng Phú Cầu. Để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, một cơ sở đã lên kế hoạch sản xuất trước nửa năm trước. Theo chủ cơ sở, thường vào ngày Tết, sản lượng sẽ tăng khoảng 20 - 30% so với đầu năm và giữa năm.
Với những người dân ở các làng nghề, thời điểm cận Tết là thời điểm không khí tấp nập, nhộn nhịp nhất trong năm. Dù có thể phải tăng giờ làm, bận rộn hơn những ngày thường nhưng đây lại là thời điểm giúp người dân nâng cao thu nhập, đón Tết đầm ấm, tạo niềm vui, động lực để họ tiếp tục duy trì, phát triển nghề...
Xu hướng chi tiêu Tết của người dân Đông Nam Á
Không chỉ người dân Việt Nam mà người dân các nước châu Á có Tết con rồng cũng chi tiêu mạnh tay hơn dịp này.
Công ty Milieu Insight có trụ sở tại Singapore gần đây đã thực hiện một cuộc khảo sát với 4.000 người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á. Kết quả cho thấy, 52% số người được hỏi cho biết, tổng chi tiêu của họ cho dịp Tết Nguyên đán năm nay có thể sẽ cao hơn so với năm ngoái. Người tiêu dùng Việt Nam và Thái Lan được cho là có xu hướng chi tiêu tích cực hơn so với Malaysia và Singapore nhờ kỳ vọng tài chính hộ gia đình lạc quan hơn trong 6 tháng tới.
Đối với các hoạt động vui chơi giải trí, những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Đông Nam Á là đi du lịch nội địa, đến rạp chiếu phim và xem các dịch vụ phát trực tuyến. Phần lớn người tiêu dùng tại Đông Nam Á dự định sẽ đón Tết ở trong nước, tuy nhiên, tại Singapore, khoảng 12% người tiêu dùng dự kiến sẽ dành kỳ nghỉ Tết ở nước ngoài.
Nói tới tết âm lịch thì chắc chắn phải nhắc tới Trung Quốc. Thị trường tỷ dân này dĩ nhiên cũng sôi động hơn mỗi dịp Tết đến. Năm ngoái, ngành dịch vụ của Trung Quốc đã ghi nhận sự bùng nổ trong dịp Tết nhờ việc nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch. Năm nay, dù nền kinh tế nước này còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu dồn nén hay lượng tiền tiết kiệm tích lũy của người dân không còn mạnh mẽ như trước nhưng ngành dịch vụ vẫn đang trông đợi vào một triển vọng tích cực.