Sáng 17/10, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục với phần xét hỏi những người làm chứng để làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ án gian lận điểm, kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Cán bộ Sở Giáo dục im lặng khi luật sư hỏi "liêm sỉ của các ông còn không?"
Lúc 9h, ông Trần Quốc Huy (chuyên viên Phòng Trung học – Sở Giáo dục Đào tạo Hà Giang) với tư cách là nhân chứng trả lời trước HĐXX rằng ông có quan hệ đồng nghiệp với các bị cáo. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, ông Huy là thành viên trong Ban vận chuyển, Ban thư ký.
Ông có một người cháu ruột tham gia tại Hội đồng thi Trường THPT Chuyên Hà Giang, nhân chứng này khẳng định khoảng ngày 30/6/2018 đã gặp bị cáo Hoài nhờ "giúp đỡ" và không hứa hẹn đưa tiền, vật chất.
Về kết quả điểm thi cháu ông Huy được nâng điểm, vị cán bộ này cũng khẳng định, lực học của đứa cháu rất yếu.
Luật sư Hoàng Văn Doãn tham gia chất vấn đã hỏi thêm ông Huy "ông hãy trình bày cho HĐXX biết ông là thành viên Ban thư ký, là cán bộ Sở giáo dục, ông nghĩ như thế nào về việc ông nhờ bị cáo Hoài nâng điểm cho cháu?" Huy đáp lại lời luật sư rằng, tất nhiên đến giờ phút này ông đã biết việc làm như thế là sai.
Các bị cáo tại phiên xử. Ảnh: Hoàng Cư.
"Việc anh Hoài nâng điểm cho các thí sinh khác tôi không biết, còn việc của tôi là tôi có cơ hội tiếp cận với anh Hoài nên tôi mới nhờ anh ấy", ông Huy nói.
Khi luật sư hỏi tiếp, tại sao không nhờ người khác mà tập trung hết vào ông Hoài? Ông Huy tỏ thái độ bức xúc "tại sao tôi nhờ ông Hoài tôi cũng không thể biết được".
Còn luật sư Hoàng Văn Hướng hỏi thêm ông Trần Quốc Huy với tư cách là thành viên trong Hội đồng thi, là một cán bộ, một nhà giáo ông cũng nhận thức được là sai, vậy cơ quan đã đưa ra hình thức kỷ luật, kiểm điểm nào chưa? Nếu luật sư đề nghị cơ quan điều tra làm ra đúng sự thật có tiêu cực, với trách nhiệm của một người làm giáo dục ông nghĩ như thế nào?
Ông Huy nói sau sự việc, ở cơ quan ông đã bị lãnh đạo kiểm điểm, nếu trước đây ông nhận thức đúng thì đã không có ngày hôm nay.
"Ông với tư cách là một nhà giáo, một người làm giáo dục ông thấy liêm sỉ của các ông có còn không?", luật sư Hướng đáp lời khiến ông Huy phải im lặng.
Nhân chứng khai báo không trung thực
Cũng trong phần xét hỏi, bà Nguyễn Thị Hương (vợ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài) khai nhận, trong khoảng thời gian các tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2018, bà thường xuyên đi dạy học tại Trường THCS Minh Khai, sau giờ làm mới có mặt ở nhà.
Nữ nhân chứng cho biết, thường ngày nếu chồng có khách thì bà thường xuống dưới bếp, không ở trên nhà. Bà khẳng định, không có ai đến nhờ nâng điểm, xem điểm và cũng không thấy ai đến biếu quả cáp cho chồng.
Bản thân ông Hoài cũng không có trao đổi gì về việc có người nhờ giúp đỡ. Khi sự việc xảy ra, dư luận thông tin rộng rãi, bà Hương mới biết chồng mình làm việc sai trái.
Vợ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài trả lời HĐXX. Ảnh: Hoàng Cư.
Cũng trong phần xét hỏi, một vị luật sư hỏi lại bà Hương trong khoảng thời gian từ tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2018, cá nhân bà và con cái, anh chị em ruột có những khoản tiền nào ông Hoài đưa về khoảng vài tỷ để gửi tiết kiệm, mua nhà hay phục vụ công việc khác không? Bà Hương bảo chưa hề có.
Khi bà Hương vừa dứt lời, vị luật sư hỏi thêm có kiến nghị cơ quan điều tra trung ương mở một cuộc điều tra thật khách quan, để minh chứng cho chồng bà không có vụ lợi không? Bà Hương phân trần rằng, chồng đã bị giam 15 tháng, bà hy vọng tòa án, VKS và cơ quan điều tra làm rõ, làm đúng.
Sau phần trả lời của bà Hương, HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Thanh Hoài đứng dậy cho ý kiến về lời khai báo của những nhân chứng đã nói. Ông Hoài phát biểu, những người làm chứng ngày hôm nay có người ông không hề quen biết, còn những người ông quen thì một số khai báo trung thực, có những người lại không hề trung thực.
Theo ông Hoài lý giải, những người không trung thực trước đây đều nhờ ông giúp nâng điểm cho các thí sinh.
Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất rồi đưa danh sách 93 thí sinh cho Vũ Trọng Lương sửa kết quả bài thi để nâng điểm. Ngoài ra, Lương còn trực tiếp nhận nâng điểm cho 14 thí sinh khác. Sau đó, một mình vị Phó trưởng phòng Khảo thí đã sửa kết quả 309 bài thi các môn để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Bị cáo Phạm Văn Khuông đã cung cấp thông tin của con ông này để nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng thêm 13,3 điểm.
Cựu công an Lê Thị Dung có mối quan hệ quen biết nên nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh. Sau đó, 20 em này đều được nâng điểm.
Riêng bị cáo Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao và chuyển danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài nhờ nâng và xem điểm thi.
Cơ quan điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh có vụ lợi hay tiền bạc trong vụ án. Công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không ai khai nhận đưa tiền hay vật chất để nhờ nâng điểm.
Bên cạnh đó, 2 bị cáo Hoài và Lương cũng không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do quen biết, bạn bè, người thân.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định được 210 người là bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm. Căn cứ lời khai, cơ quan điều tra đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo xử lý những phụ huynh này theo quy định.