Năm 2017, trên nhiều trang mạng xã hội Facebook lan truyền một bức ảnh về thế giới động vật và một câu chuyện phía sau khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Bức ảnh cho thấy, một con linh dương đang bị 3 con báo bủa vây, thậm chí nhiếp ảnh gia còn chớp được đúng khoảnh khắc 2 con báo há miệng chuẩn bị cắn vào cổ con linh dương Impala hay còn gọi là linh dương sừng cao.
Nhưng điều gây chú ý nhất là đôi mắt như "biết nói" của con linh dương trong khoảnh khắc sinh tử ấy.
Bức ảnh từng "gây bão" trên mạng xã hội.
Không biết từ đâu, người ta "sáng tạo" ra câu chuyện rằng sau khi chụp bức ảnh này, nhiếp ảnh gia đã rơi vào trầm cảm vì quá đau xót trước sự nghiệt ngã của thế giới động vật.
Người ta "thêu dệt" nên câu chuyện lấy nước mắt của nhiều người rằng đây là cách con linh dương mẹ hy sinh thân mình để bảo toàn mạng sống cho con.
Bởi khi gặp đàn báo, với sức khỏe của mình nó hoàn toàn có thể chạy thoát thân nhưng nó lại chạy chậm lại để các con mình được sống. Khi sắp bị đàn báo xé xác, con linh dương ấy vẫn hướng ánh mắt của mình về phía các con.
Mới đây, một trang mạng xã hội đã chia sẻ lại bức ảnh với câu chuyện tương tự thu hút sự chú ý của nhiều người.
Một bức ảnh đầy cảm xúc và một câu chuyện cũng cảm động không kém khiến cư dân mạng "tin sái cổ" và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội để rồi chính tác giả bức ảnh phải lên tiếng vì không muốn câu chuyện bị đẩy đi quá xa.
Theo Asiaone, tác giả bức ảnh là cô Alison Buttigieg, người Phần Lan. Sau những thông tin không chính xác trên, Buttigieg đã đăng tải dòng trạng thái đính chính để mọi người không bị hiểu nhầm.
Chia sẻ của tác giả bức ảnh nhận được hàng chục ngàn lượt thích và 5200 lượt chia sẻ.
Theo Buttigieg: "Bức ảnh của tôi đã lan truyền với một câu chuyện giả mạo hoàn toàn lố bịch kèm theo, thậm chí họ còn thêu dệt thêm rằng tôi đã rơi vào trầm cảm sau khi tôi chụp nó (nghiêm túc mà nói, ai đã nghĩ ra chuyện tào lao này vậy?!), chưa kể việc vi phạm bản quyền vì tự ý lấy ảnh mà không xin phép.
Một câu chuyện giật gân thật sự và nó giúp họ kiếm được nhiều lượt thích trên mạng xã hội. Bức ảnh với câu chuyện giả mạo đã được chia sẻ hàng trăm ngàn lần trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Hàng trăm người nhắn tin hỏi tôi rằng liệu tôi có thật sự rơi vào trầm cảm không. Thậm chí người ta còn gắn thể tôi với câu chuyện không có thật đó. Thật là tệ hại khi chúng ta phải sống trong thế giới như vậy".
Nhiếp ảnh gia Alison Buttigieg.
Buttigieg cho biết bức ảnh được chụp vào năm 2013. Nó nằm trong loạt ảnh mà Buttigieg đã chụp được. Những bức ảnh ám ảnh mô tả quá trình một con báo dạy các con của nó săn mồi.
Cô quan sát thấy rằng trái ngược với sự phấn khích của những con báo là sự sợ hãi đến "tê liệt" của con linh dương.