Ngày 9-10, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
"Chỉ truyền đạt ý kiến của lãnh đạo"
Tại tòa, luật sư bảo vệ bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tín dụng và xử lý nợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB; bị đề nghị mức án từ 14-15 năm tù về các tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền"), đã đề nghị VKSND TP HCM xem xét các luận điểm bào chữa để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Mặc dù đồng ý với việc buộc tội bị cáo Dung, nhưng luật sư phản đối 2 tình tiết tăng nặng là "phạm tội nhiều lần" và "phạm tội có tổ chức", cho rằng hành vi của bị cáo chỉ liên quan đến một gói trái phiếu duy nhất và bị cáo chỉ là đồng phạm giản đơn, không tham gia vào kế hoạch chủ mưu.
Theo cáo buộc, bị cáo Dung đã nhận chỉ đạo từ Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc SCB, để hợp thức hóa chứng từ, thực hiện lệnh dòng tiền khống và hạch toán trên hệ thống SCB, hỗ trợ Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, giúp bà Lan chiếm đoạt 2.000 tỉ đồng từ 2.431 bị hại.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Dung thừa nhận trách nhiệm với tội danh "Rửa tiền" nhưng phủ nhận cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo cho rằng vai trò của mình "chỉ truyền đạt ý kiến của lãnh đạo", không tham gia vào quyết định hay kế hoạch phát hành trái phiếu của Công ty Setra. Bị cáo Dung nhấn mạnh việc mình không có vai trò quan trọng trong các giao dịch và việc phát hành trái phiếu đã diễn ra trước khi bị cáo gửi tin nhắn trong nhóm Telegram.
Bị cáo Dung cũng cho rằng tại thời điểm đó, Dung giữ vị trí phó giám đốc khối phụ trách tín dụng và không có liên quan gì đến các gói trái phiếu. Bị cáo tham gia cuộc họp với tư cách là thư ký của lãnh đạo Trương Khánh Hoàng, chứ không có bất kỳ vai trò nào trong việc chọn công ty phát hành trái phiếu, phương án dòng tiền hay việc mua trái phiếu sơ cấp.
Bị cáo gửi lời xin lỗi tới các bị hại và thừa nhận rằng "sai lầm nào cũng phải trả giá" nhưng cảm thấy mức án mà bị cáo phải đối mặt là quá nặng.
Không có chuyên môn về chứng khoán (?!)
Luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB (bị đề nghị từ 17-19 năm tù về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới"), cho rằng các cáo buộc phạm 2 tội trên đối với thân chủ của mình là không có căn cứ. Trong đó, đối với tội danh liên quan trực tiếp đến việc phát hành trái phiếu khống, luật sư cho rằng quy trình bán trái phiếu của 4 công ty bắt nguồn từ một cuộc họp không chính thức và bị cáo Văn không nắm rõ thủ tục phát hành trái phiếu, chỉ tư vấn cho Công ty Tân Việt. Bị cáo cũng không tham gia vào việc chọn công ty phát hành trái phiếu hay các phương án chuyển đổi trái phiếu. Vai trò của Văn chỉ xuất hiện sau khi trái phiếu sơ cấp đã hoàn thành, với nhiệm vụ tiêu thụ trái phiếu và đào tạo nhân viên SCB.
Một luật sư khác của bị cáo Văn thì lập luận Văn chỉ là tổng giám đốc điều hành SCB, không có chuyên môn về chứng khoán, cũng không có thẩm quyền tư vấn, đề xuất cho bị cáo Lan về chủ trương phát hành trái phiếu. Với vai trò là tổng giám đốc, việc nỗ lực tăng thu cho ngân hàng nên bị cáo Văn tìm phương án phát hành bán trái phiếu ra thị trường cũng giống như bán các sản phẩm khác của SCB là đúng, không vi phạm.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn trình bày thêm nguyên nhân, động cơ, bối cảnh và nhiều tình tiết giảm nhẹ để HĐXX đánh giá, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trước đó, trong phần bào chữa cho mình, bị cáo Trương Khánh Hoàng (bị đề nghị từ 24-27 năm tù cho cả 3 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới", "Rửa tiền") đồng ý quan điểm bào chữa của luật sư. Song, bị cáo nói rằng khi nghe mức đề nghị cộng với mức án giai đoạn 1 thì bị cáo không biết bào chữa gì thêm, chỉ mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng đồng ý với tội danh và điều khoản mà VKS truy tố nhưng cho rằng mức độ phạm tội cần được xem xét lại. Theo luật sư, bị cáo Hoàng chỉ ký phê duyệt các lệnh chuyển tiền và nhận tiền về theo quy định của SCB, không tham gia vào việc tạo các hợp đồng khống. Bị cáo Hoàng không có động cơ vụ lợi cá nhân, mà việc chuyển tiền nhằm tạo điều kiện để SCB thu phí theo quy chế. Luật sư đề nghị HĐXX đánh giá đúng vai trò và mức độ phạm tội của bị cáo để áp dụng hình phạt phù hợp.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên, cựu thư ký của bị cáo Lan (bị đề nghị từ 30-36 tháng tù về tội "Rửa tiền"), cho biết Uyên chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Lan từ năm 2019 mà không biết đó là hành vi phạm tội và không có ý thức về việc hợp thức hóa dòng tiền bất hợp pháp. Bị cáo Uyên, vốn là người giúp việc nhà cho bà Lan, chỉ thực hiện các nhiệm vụ vặt và không hề biết về số tiền hơn 5.000 tỉ đồng bị cáo buộc phạm tội "Rửa tiền" trong vụ án này. Luật sư cũng nêu rằng bị cáo Uyên đã thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, có hoàn cảnh gia đình khó khăn và đã tự nguyện nộp 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
SCB xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu lãnh đạo, nhân viên
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung đề nghị HĐXX ghi nhận tình tiết SCB đã gửi văn bản đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các cựu lãnh đạo và nhân viên, trong đó có bị cáo Dung.
Đại diện SCB trước đó đã trả lời thẩm vấn rằng họ không có ý kiến về các số liệu trong vụ án và tôn trọng quyết định của tòa về việc khắc phục hậu quả nhưng cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho 6 bị cáo đã có nhiều năm công tác tại SCB.