Theo Nghị định thư kí kết giữa Việt Nam và CHLB Nga, một số dòng xe ô tô Nga nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được áp thuế 0% từ ngày 5/10 tới.
UAZ thần thánh trở lại
Các sản phẩm ô tô Nga thâm nhập thị trường Việt Nam theo Nghị định thư nêu trên, chủ yếu là xe thương mại. Duy nhất chỉ có mẫu xe địa hình của hãng UAZ (U-Oat), thuộc phân khúc SUV, tạo được nhiều sự quan tâm hơn cả.
Trước mắt, các liên doanh sẽ được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc về bán thăm dò thị trường, được hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ôtô trong vòng 5 năm.
Là thương hiệu quá quen thuộc với người Việt Nam trước đây, hình ảnh chiếc xe UAZ màu xanh lá lăn bánh trên mọi nẻo đường vẫn chưa nhạt phai trong ký ức của nhiều người. Tuy nhiên, từ năm 1990 đến nay xe UAZ ngày càng dần vắng bóng, thay vào đó là xe Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hàn Quốc,...
Trong nỗ lực phát triển thị trường, năm 2002, Công ty UAZ đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ lắp ráp xe UAZ cho Công ty Cơ khí Ô tô Xe máy Thanh Xuân, thuộc Bộ Công an.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm xe UAZ từ đó đến nay chủ yếu là cho các cơ quan trong lực lượng vũ trang, xe chuyên dụng cho các đối tượng có nhu cầu đặc thù, và xuất khẩu sang Lào. Hầu như không có khách hàng là đối tượng tư nhân.
Có lẽ trong các thương hiệu ô tô Nga muốn quay lại thị trường Việt Nam giai đoạn hiện nay, UAZ thể hiện quyết tâm cao nhất.
Cuối năm 2015, khi Nghị định thư về ô tô còn chưa được Chính phủ 2 nước ký kết, thì UAZ đã tìm kiếm các đối tác Việt Nam. Đã có thông tin từ phía UAZ cho biết sẽ ký hợp đồng tổ chức lắp ráp xe UAZ ở Việt Nam vào cuối năm 2015. Nhưng ngay sau tuyên bố là sự "im hơi lặng tiếng" kéo dài.
Mới đây nhất, UAZ cho biết đã chọn được nhà phân phối và sản phẩm đầu tiên được giới thiệu ra thị trường sẽ là mẫu SUV Patriot, với 2 phiên bản động cơ 2.0L và 2.2L.
Đại diện nhà phân phối xe UAZ tại Việt Nam tiết lộ, công ty sẽ cung cấp ra thị trường đầy đủ các sản phẩm của UAZ.
Ngoài chiếc Patriot sẽ có dòng xe pickup, dòng chuyên offroad Hunter và một số dòng xe thương mại khác. Lô xe đầu tiên sẽ về Việt Nam trong tháng 10/2016, giá bán chưa được chốt vì còn chờ các thủ tục của Hải quan Việt Nam.
Con đường không bằng phẳng
Tuy nhiên, liệu UAZ có thành công tại Việt Nam hay không vẫn còn là câu hỏi.
Giám đốc một DN kinh doanh ô tô nhập khẩu tại Hà Nội cho hay, cách đây khoảng 4 tháng, đại diện của UAZ đã tìm đến làm việc với họ, đề nghị hợp tác để phân phối và tiến tới lắp ráp UAZ tại Việt Nam.
Lúc đầu là phân phối xe nhập nguyên chiếc theo hạn ngạch, mức giá chào chỉ có 5.000 USD/xe, cho một số mẫu xe có động cơ dung tích xi lanh 2.0L.
Các mẫu xe này đều có đổi mới hoàn toàn về thiết kế bên ngoài, nhìn cũng khá bắt mắt không khác gì những chiếc SUV hiện đại.
Giá lại khá rẻ. Với giá nhập như trên, sau khi nộp đủ các loại thuế, phí, xe có thể được bán ra ở mức khoảng 300 triệu đồng, chưa bằng giá 1 chiếc xe nhỏ thương hiệu Hàn Quốc như Kia Morning hay Hyundai i10,...
Về giá thì không có gì phải bàn nhưng theo DN này, thì chất lượng xe không cao và điều quan trọng là không có khách hàng cá nhân, vì vậy rất khó bán, nên đã từ chối.
Một DN ô tô lớn của Việt Nam, năm 2015 đã từng sang Nga tìm hiểu về xe UAZ, với ý định đưa về Việt Nam, nhưng nhận thấy khó thành công nên đã từ bỏ ý định. Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến UAZ không thể ký hợp đồng lắp xe tại Việt Nam vào cuối năm 2015 như đã từng tuyên bố.
Đại diện DN này than thở, lắp ráp và phân phối UAZ tại Việt Nam rất khó khăn. Số xe nhập khẩu nguyên chiếc với thuế 0% theo hạn ngạch không nhiều, trong khi phải đầu tư cho dây chuyền lắp ráp với chi phí lớn.
Để có 1 dây chuyền lắp ráp xe UAZ đạt tiêu chuẩn, theo tính toán chi phí hiện nay khoảng 100 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác như thuê nhà xưởng, lương công nhân, quản lý,... còn UAZ không hỗ trợ về vốn mà chỉ chuyển giao công nghệ. Vốn đầu tư ban đầu lớn, doanh số bán thấp, thì rủi ro khó tránh khỏi.
Một kỹ sư thuộc Công ty Cơ khí Ô tô Xe máy Thanh Xuân, từng lắp ráp xe UAZ, nhận xét, về tính việt dã thì chẳng xe nào bằng UAZ, đi vào khu vực rừng núi hiểm trở, khó khăn chạy rất tốt. Chi phí lại thấp, có thể quăng quật, vứt lăn lóc thoải mái, kể cả có hỏng giữa rừng lái xe cũng sửa được để tiếp tục chạy.
Tuy nhiên, là xe Nga cũng có hạn chế như vật liệu, linh kiện không tốt, ít trang bị hiện đại. Nếu lái một chiếc xe Hàn Quốc hay Nhật Bản chạy từ Hà Nội vào Vinh khoảng 300km không thấy mệt mỏi gì, thì ngược lại, với xe UAZ sẽ khá mệt do không có trợ lực tay lái, bên trong nóng, tiếng ồn lớn,...
Hơn nữa, nếu xe Nhật chạy 300.000 km vẫn còn tốt thì UAZ chỉ 100.000 km chất lượng đã giảm đáng kể.
Chính vì vậy, số lượng khách hàng đại chúng hầu như không có. Chỉ có những người làm trong lĩnh vực khai thác mỏ, hay thủy điện, đi rừng núi nhiều mới dùng, do đó số lượng bán rất hạn chế, kỹ sư này cho biết.
Rõ ràng, hình ảnh UAZ trong lòng người Việt chỉ là chiếc xe của vài chục năm trước. Sau khi xe Hàn, Nhật,... tràn vào thì khách hàng Việt dần quay lưng với nhãn xe Liên Xô này.
UAZ gần như không có công nghệ nào đáng kể, lại hay hư hỏng vặt. Ngay cả hiện nay, hàm lượng công nghệ và tính năng tích hợp trên xe U-Oat khó lòng bì kịp với xe các nước khác. Điều này cho thấy, viễn cảnh xe Nga vào thị trường Việt khó thành hiện thực ở thời điểm này.