Xe thiết giáp Tarantula đạn bắn xuyên lốp vẫn chạy tốt

Tuấn Vũ |

Được sản xuất với sự hợp tác của Hàn Quốc, xe chiến đấu Tarantula của Indonesia sở hữu hệ thống hỏa lực mạnh cùng khả năng thoát hiểm cực ấn tượng.

Sản phẩm đỉnh cao

Trang Military Today cho biết, xe chiến đấu Tarantula do Indonesia và Hàn Quốc hợp tác chế tạo được phát triển dựa trên nguyên mẫu xe thiết giáp chở quân Black Fox hiện đang phục vụ trong quân đội Hàn Quốc.

Tarantula được ra đời để thực hiện nhiệm vụ chi viện hỏa lực, tấn công các công sự kiên cố, tòa nhà, hầm hào trú ẩn của đối phương. Ngoài ra, xe cũng có khả năng tấn công các mục tiêu bọc thép nhẹ.

Để hoàn thành những nhiệm vụ của mình, Tarantula được bọc giáp để chịu được đạn xuyên giáp 12,7 mm, mảnh đạn pháo nhỏ. Để vận hành chiếc xe này, cần 3 người gồm lái xe, pháo thủ và chỉ huy xe.

Về sức mạnh hỏa lực, Tarantula được trang bị pháo chính cỡ 90 mm do Bỉ sản xuất. Pháo có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau gồm đạn HE, đạn HEAT, đạn xuyên giáp động năng, đạn khói.

Cùng với hệ thống hỏa lực cực ấn tượng, dòng xe Tarantula được trang bị lốp run-flat có khả năng di chuyển ở tốc độ cao ngay khả khi bị bắn thủng. Với hỏa lực mạnh và khả năng thoát hiểm tốt, xe Tarantula đem lại lợi thế lớn cho quân đội sử dụng trên chiến trường.

Ngoài xe chiến đấu Tarantula, hiện nay Indonesia đã có thể tự sản xuất rất nhiều trang thiết bị quân sự quan trọng như máy bay vận tải, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu đổ bộ hạng trung, súng trường tiến công, pháo phản lực phóng loạt.

Thậm chí Indonesia sẽ là quốc gia thứ 5 ở châu Á khởi động chương trình nghiên cứu phát triển tiêm kích thế hệ 5 trong dự án KF-X/IF-X hợp tác cùng với Hàn Quốc.

Xe thiết giáp Tarantula đạn bắn xuyên lốp vẫn chạy tốt - Ảnh 1.

Xe chiến đấu Tarantula của Indonesia

Nỗ lực của Indonesia

Để có được sự phát triển và thành tựu như ngày hôm nay, CNQP Indonesia đã trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn. Indonesia đã chọn giải pháp mua vũ khí từ bên ngoài đi kèm điều khoản chuyển giao công nghệ để sản xuất loại vũ khí đó tại các nhà máy quốc phòng của họ theo giấy phép.

Sản phẩm lớn đầu tiên Indonesia làm theo phương thức này là khẩu súng trường tiến công Pindad SS1. Nguyên bản Pindad SS1 là một biến thể của khẩu FN FNC kết hợp với một vài cải tiến để phù hợp với điều kiện sử dụng tại khu vực khí hậu nhiệt đới. Trên cơ sở SS1, Indonesia đã phát triển thành mẫu súng trường tiến công Pindad SS2.

Đến mẫu súng SS2 người ta đã xem nó là sản phẩm trí tuệ của Indonesia chứ không còn đơn thuần là một sản phẩm sản xuất theo giấy phép từ nước ngoài. Bên cạnh việc mua giấy phép chế tạo, Indonesia cũng chủ động bắt tay với các nhà thầu quốc phòng lớn của nước ngoài để hợp tác sản xuất các trang thiết bị quân sự quan trọng.

Sản phẩm tiêu biểu cho kiểu hợp tác này là máy bay vận tải quân sự CN-235 hợp tác giữa Construcciones Aeronáuticas SA (CASA), Tây Ban Nha và Indonesian Aerospace ( PT. Dirgantara Indonesia ). Đây là một loại máy bay khá thành công cả trên lĩnh vực quân sự cũng như dân sự.

Thông qua quá trình hợp tác sản xuất máy bay CN-235, Indonesia đã có cơ hội tiếp cận với công nghệ hàng không quân sự tiên tiến của châu Âu vì bản thân CASA là một công ty con của Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu (EADS). Điều đó tạo ra nền tảng vững chắc cho việc nắm bắt các công nghệ quan trọng để tiến đến những nghiên cứu độc lập xa hơn trong tương lai.

Trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, Indonesia đã tạo dựng được tên tuổi đáng kể trong khu vực. Họ đã tự đóng được các loại tàu tuần tra, tàu tên lửa cao tốc. Dự án đình đám nhất đang tiến hành là tàu tên lửa cao tốc KRC-40.

Đặc biệt, Indonesia đã ký hợp đồng mua tàu đổ bộ đa năng có sàn đáp cho trực thăng lớp Makassar do Daesun Shipbuilding & Engineering, Hàn Quốc thiết kế. Hai chiếc đầu tiên đóng tại Hàn Quốc, từ chiếc thứ 3 trở đi được đóng tại Indonesia. Hai bên cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu loại tàu này cho các khách hàng nước ngoài.

Với dự án hợp tác này, Indonesia là quốc gia duy nhất ở ĐNA có khả năng đóng tàu đổ bộ đa năng với lượng giãn nước trên 10.000 tấn. Gần đây, Indonesia cũng đã đạt được một cột mốc quan trọng trong việc tiếp cận công nghệ đóng tàu ngầm phi hạt nhân.

Trong tháng 12/2011, họ đã ký hợp đồng lớn với Hàn Quốc về việc mua 3 tàu ngầm diesel-điện lớp Chang Bogo (một biến thể của tàu ngầm Type-209/1400). Trong 3 chiếc tàu ngầm này sẽ có 2 chiếc được cấp giấy phép sản xuất tại công ty đóng tàu nhà nước Indonesia PT PAL.

Trong hợp đồng bán tàu ngầm diesel-điện cho Indonesia có sự tham gia đấu thầu của tàu ngầm Kilo, Nga. Tuy nhiên, Indonesia đã chọn Hàn Quốc cho dù công nghệ đóng tàu ngầm của Seoul có thể không bằng Nga vì điều quan trọng là họ có được cơ hội tiếp cận công nghệ đóng tàu ngầm mà phía Nga không đồng ý chuyển giao.

Không chỉ có vậy, Indonesia còn cho phép các nhà thầu tư nhân tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm quốc phòng để tận dụng nguồn vốn và nhân lực sẵn có. Những bước đi chiến lược trên đã cho phép Indonesia xây dựng được một nền CNQP hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại