Ấn Độ - Pakistan có mối quan hệ ngoại giao rất phức tạp và căng thẳng, kéo dài từ năm 1947 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Giữa hai quốc gia láng giềng tồn tại nhiều mâu thuẫn về chính trị, chủ quyền, dẫn tới 3 cuộc chiến tranh lớn vào các năm 1965, 1971 và 1999.
Ngày nay, tranh chấp chủ quyền vùng Kaskmir khiến hai bên luôn trong tình trạng đề phòng lẫn nhau. Các vụ đấu súng lẻ tẻ giữa binh sĩ hai nước vẫn thường xuyên xảy ra. Do quan hệ luôn ở trạng thái bất ổn, họ đều tìm cách nâng cao sức mạnh quân sự nhằm chiếm ưu thế trước đối phương.
Trong các chương trình chạy đua vũ trang, xe tăng chiến đấu chủ lực được xem là vũ khí quan trọng, vì khả năng sử dụng trong thực chiến rất cao. Trong khi Ấn Độ xúc tiến chương trình Arjun, Pakistan cũng triển khai dự án Al Khalid.
Ấn Độ chọn con đường tự phát triển trong nước kết hợp với linh kiện nhập khẩu. Tuy nhiên năng lực công nghiệp quốc phòng của họ chưa đáp ứng được, khiến quá trình nghiên cứu Arjun kéo dài đến 35 năm, trong khi đặc tính kỹ thuật không như mong đợi.
Pakistan chọn hợp tác với Trung Quốc để sản xuất biến thể sửa đổi từ xe tăng Type 90, giúp họ rút ngắn thời gian và giảm thiểu rủi ro kỹ thuật.
Thiết kế
Xe tăng Arjun của Ấn Độ (trên) và Al Khalid của Pakistan (dưới)
Arjun là một xe tăng phát triển mới hoàn toàn theo yêu cầu của Lục quân Ấn Độ. Theo bản thuyết minh ban đầu, Arjun sử dụng pháo chính 105 mm với khối lượng chiến đấu khoảng 40 tấn. Tuy nhiên cột mốc đưa Arjun vào sản xuất năm 1985 không hoàn thành, buộc phải thiết kế lại vì pháo 105 mm lúc đó đã lỗi thời.
Thay đổi lớn nhất của Arjun mới là sử dụng pháo 120 mm. Bề ngoài của nó khá giống Lepard 2A5 của Đức với pháo, động cơ, hệ thống điều khiển hỏa lực nhập ngoại. Quá trình kết hợp các hệ thống có nguồn gốc khác nhau gặp khá nhiều rắc rối kỹ thuật.
Al Khalid là phiên bản sản xuất tại Pakistan từ nguyên mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực Type 90 II với một số cải tiến. Ngoại hình của Al Khalid không khác nhiều Type-90, đây thực chất là dự án "thải" của Trung Quốc.
Sau khi không được Quân đội Trung Quốc phê duyệt, nhà sản xuất Norinco tìm cách xuất khẩu và Pakistan trở thành khách hàng đầu tiên. Đặc tính kỹ thuật của Al Khalid cũng là một ẩn số vì chương trình không được chấp nhận chắc chắn có vấn đề.
Vũ khí
Arjun được trang bị pháo nòng trơn 120 mm có khả năng bắn tên lửa chống tăng Lahat của Israel. Một vài nguồn tin nói rằng đạn xuyên giáp bắn từ pháo chính của Arjun có thể phá tan giáp xe tăng chiến đấu chủ lực T-72.
Xe tăng Arjun khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Defence Update
Pháo chính của Arjun có nhiều điểm tương tự pháo trên xe tăng Challenger II của Anh - một trong những pháo tăng tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, thử nghiệm thực địa cho thấy khả năng bắn chính xác của Arjun khá tệ. Vũ khí phụ gồm súng máy đồng trục 7,62 mm, đại liên 12,7 mm.
Al Khalid mang pháo chính 125 mm bắn được tên lửa chống tăng AT-11 qua nòng. Khẩu pháo này nhận đánh giá khá cao vì nó giữ nguyên đặc tính của loại tương tự lắp trên xe tăng Trung Quốc.
Xe tăng Al Khalid sử dụng hệ thống nạp đạn tự động, cho tốc độ bắn 8 phát/phút. Vũ khí phụ cũng gồm súng máy đồng trục 7,62 mm và đại liên 12,7 mm. Về hỏa lực, Al Khalid được đánh giá cao hơn Arjun.
Khả năng bảo vệ
Giáp của Arjun là Kanchan, một loại giáp hỗn hợp chế tạo trong nước, được cho là tương tự giáp Chobham của Anh dùng trên xe tăng Challenger II và M1 Abrams của Mỹ. Theo đánh giá, Kanchan có khả năng chống chịu đạn 125 mm bắn ra từ xe tăng T-72 của Liên Xô.
Giáp Kanchan có chất lượng khá tốt, tuy nhiên điều đó khiến trọng lượng xe tăng vọt từ 40 tấn ban đầu lên đến 62 tấn. Phiên bản Arjun Mk II bổ sung giáp phản ứng nổ để tăng khả năng bảo vệ, tuy nhiên khối lượng lên đến 68 tấn.
Al Khalid sử dụng giáp hỗn hợp composite, vòng cung phía trước lắp thêm giáp phản ứng nổ. Ngoài ra, xe tăng này còn trang bị hệ thống phòng vệ chủ động VARTA. Về tính năng bảo vệ, Arjun được đánh giá cao hơn.
Cơ động
Al Khalid có khả năng cơ động trên chiến trường cao hơn so với Arjun. Ảnh: Military Today
Arjun lắp đặt động cơ diesel công suất 1.400 mã lực, tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng là 22,5 mã lực/tấn. Tuy nhiên, khối lượng chiến đấu nặng nề khiến nó không thể hoạt động ở khu vực sa mạc phía bắc Ấn Độ, việc vận chuyển ra chiến trường cũng hết sức khó khăn.
Tốc độ tối đa của Arjun chỉ khoảng 58 km/h, xe tăng này không thể chiến đấu ở khu vực biên giới với Pakistan.
Trong khi đó động cơ của Al Khalid là loại diesel 6TD-2, công suất 1.200 mã lực do Ukraine sản xuất. Mặc dù công suất thấp hơn Arjun nhưng do khối lượng chiến đấu của Al Khalid chỉ 45 tấn nên tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng lên đến 26,6 mã lực/tấn.
Al Khalid có tốc độ tối đa 70 km/h, độ cơ động vượt trội Arjun. Đặc biệt, xe tăng của Pakistan có thể hoạt động ở mọi địa hình trong nước, còn Arjun bị hạn chế ở một số khu vực.
Gần đây Pakistan đã giới thiệu phiên bản Al Khalid 2 sử dụng động cơ công suất 1.500 mã lực, nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực, mang lại sức mạnh tác chiến vượt trội. Ấn Độ cũng đang phát triển phiên bản Arjun Mk II với nhiều cải tiến hơn trước.
Nhưng quá trình nâng cấp của Arjun càng khiến nó trở nên nặng nề hơn, còn Al Khalid vẫn giữ được khả năng cơ động tốt nhờ động cơ mạnh mẽ gấp bội.
Tóm lại, Arjun và Al Khalid đều có những điểm mạnh - yếu riêng. Xe tăng nào sẽ thắng trong cuộc đối đầu trực tiếp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Thông số kỹ thuật trên giấy không quyết định tới thắng lợi trên chiến trường.