Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Iryna Zolotar, ngày 27/3, quân đội nước này đã tiếp nhận những chiếc xe tăng Challenger-2 và Leopard 2 đầu tiên từ Anh, Đức. Sự bổ sung này được cho sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng tấn công của lực lượng thiết giáp Ukraine trong đợt phản công mùa xuân.
20 năm không được nâng cấp
Xe tăng Challenger 2 được đưa vào phục vụ trong quân đội Anh từ năm 1994 và từng tham gia một số cuộc xung đột ở Nam Tư cũ và Iraq. Qua một số trận đánh Challenger 2 được đánh giá có khả năng tác chiến tốt hơn các dòng xe tăng do Liên Xô chế tạo trước đây.
Tuy nhiên theo EurAsian Times việc Challenger 2 có thể giúp Ukraine tạo nên bước đột phá trên chiến trường khó có thể xảy ra, nhất là khi họ chỉ có trong tay 14 chiếc xe tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Iryna Zolotar (giữa) chụp ảnh với dàn xe tăng và xe bọc thép vừa được các nước phương Tây viện trợ hôm 27/3. (Ảnh: APA)
Theo cách phân chia đơn vị thiết giáp của Ukraine hiện tại, 14 chiếc Challenger 2 sẽ được phân thành 2 đại đội xe tăng, trong quá trình hành quân hoặc chiến đấu con số này có thể giảm dần.
Do đó, các chuyên gia tin rằng có khả năng Anh sẽ sớm viện trợ thêm Challenger 2 cho Ukraine nếu muốn dòng xe tăng này làm nên chuyện trong cuộc xung đột.
Ngoài việc phải vận hành số lượng xe tăng hạn chế, quân đội Ukraine cũng phải đối mặt với một vấn đề khác trên Challenger 2 đó là dòng xe tăng này gần như không được nâng cấp lớn kể từ năm 1998.
Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt, những chiếc Challenger 2 đã trở nên lỗi thời và chúng không được nâng cấp kể từ năm 1998. Quân đội Anh gần như không quan tâm tới với việc hiện đại hóa của Challenger 2 và tập trung nguồn lực phát triển Challenger-3.
EurAsian Times dẫn lời một số chuyên gia quân sự Nga cho rằng Anh viện trợ Challenger 2 cho Ukraine chỉ đơn giản vì muốn loại bỏ chúng một cách nhanh nhất. London hiểu rõ Challenger 2 không có khách hàng tiềm năng và không ai muốn mua lại những chiếc xe tăng cũ lỗi thời.
Dù vậy việc tiếp nhận xe tăng Challenger 2 đối với quân đội Ukraine được xem là sự bổ sung cần thiết và đúng thời điểm. Ngoài ra London còn chuyển cho Kiev 20 xe bọc thép Bulldog và 30 hệ thống pháo tự hành AS-90.
Challenger 2 có thể làm gì ở Ukraine?
Một số chuyên gia phương Tây cho rằng Challenger 2 của Anh có thể thách thức đáng kể phần lớn xe tăng chủ lực đang được Nga triển khai trên chiến trường và có thể giúp Ukraine tung những "cú đấm thép" uy lực nhằm vào lực lượng thiết giáp đối phương.
Một trong những ưu điểm của Challenger 2 là hệ thống giáp bảo vệ tích hợp của xe tăng, đôi khi được gọi là hệ thống giáp Chobham hoặc Dorchester - một trong những hệ thống giáp xe tăng tốt nhất thế giới.
Cấu tạo của giáp Challenger 2 cho đến nay vẫn là một bí mật nhưng về cơ bản nó cứng hơn gấp 2 lần so với các loại giáp bằng thép thông thường, giúp Challenger 2 chịu được các đòn tấn công trực tiếp từ xe tăng Nga.
Xe tăng Challenger 2 được kỳ vọng sẽ giúp quân đội Ukraine tạo ra đột phá trong đợt phản công mùa xuân. (Ảnh: The Independent)
Ngoài lớp giáp chính, Challenger 2 còn được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) và giáp lưới bổ sung giúp tăng đáng kể khả năng bảo vệ xe tăng trước hệ thống tên lửa chống tăng.
Theo một số chuyên gia, điểm tạo nên sức mạnh của Challenger 2 là pháo chính 120 mm nòng rãnh xoắn - Royal Ordnance L30 và có tầm tấn công hiệu quả lên đến 4.000 m.
So với pháo nòng trơn, thiết kế của pháo L30 giúp Challenger 2 bắn chính xác hơn từ 5-7%. Kết hợp với đó hệ đạn pháo mà dòng xe tăng này được trang bị như đạn nổ mạnh đầu đạn dẻo (HESH) và đạn xuyên giáp dưới cỡ (APFSDS). Đạn HESH có thể giúp Challenger 2 phá hủy gần như mọi công trình hoặc vị trí phòng thủ của đối phương với tầm bắn lên đến 4.000 m.
Sử dụng kết hợp đạn HESH, APFSDS và đạn khói phốt pho trắng, Challenger-2 có thể mang theo cơ số đạn lên đến 49 viên.
Tuy nhiên Challenger 2 cũng có những hạn chế nhất định so với các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới của Nga. Với kích thước lớn và nặng hơn, khả năng cơ động của xe tăng Anh sẽ kém đi khi chúng tiến vào các khu rừng thừa ở Ukraine.
Vấn đề tiếp theo là Challenger-2 chỉ được trang bị hệ thống hỗ trợ quan sát ảnh nhiệt lỗi thời. Dù chúng là thiết bị đột phá vào đầu những năm 1990, nhưng tới thời điểm hiện tại, tính năng của chúng đã lỗi thời. Thậm chí, tính năng thiết bị ảnh nhiệt trên xe tăng Anh còn kém cả phiên bản lắp đặt trên xe tăng nâng cấp của Nga. Có thể lấy ví dụ, xe tăng T-90M của Nga đã được trang bị thiết bị ảnh nhiệt thế hệ thứ 3.
Một điều quan trọng khác là khả năng đảm bảo hậu cần và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu xe tăng Challenger-2 của Ukraine cũng đang là dấu hỏi lớn. Ukraine không có đủ hệ thống hậu cần đạt chuẩn để duy trì hoạt động của xe tăng Anh.
Xe tăng Challenger-2 thường được so sánh với T-90M của Nga. Dựa trên tính năng đánh giá xe tăng Nga có lợi thế hơn về khả năng cơ động và tốc độ thay đạn. Nếu đối đầu, xe tăng Anh sẽ trúng ít nhất 2 phát đạn trước khi vào tầm phản kích lại xe tăng Nga.