Abrams sinh ra để thích nghi với địa hình
Các chuyên gia và cựu quân nhân Mỹ nhận định với Insider rằng, tác động của thời tiết trên chiến trường và rủi ro các phương tiện bị sa lầy trong bùn đất đã bị phóng đại. Theo họ, đây không phải vấn đề lớn với Abrams, vốn được phát triển để thích nghi với những điều kiện như vậy.
"Abrams được sản xuất cho môi trường này", Robert Greenway - một chuyên gia quốc phòng và an ninh quốc gia tại Viện Hudson đánh giá. Theo ông: "Bùn lầy có thể khiến hầu hết phương tiện không thể đi qua nhưng thực tế là Abrams được trang bị tốt nhất để thích nghi với môi trường này, tốt hơn nhiều so với bất kỳ xe bánh xích nào hiện nay".
Xe tăng Abrams của Mỹ. Ảnh: Lục quân Mỹ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận hồi tuần trước rằng xe tăng Abrams đã đến nước này, đồng thời cho biết chúng đã sẵn sàng để tăng cường sức mạnh "cho các lữ đoàn của chúng tôi".
M1 Abrams đến tay Ukraine vào thời điểm then chốt. Các lực lượng của Kiev đang đạt được tiến triển chậm nhưng ổn định trước hệ thống phòng tuyến của Nga tại khu vực Zaporizhzhia ở phía Nam. Tuy nhiên, cuộc phản công, hiện đã bước sang tháng thứ tư, có thể đối mặt với một số trở ngại khi mùa thu bắt đầu, đem theo mưa và bùn lầy.
Trong suốt mùa thu và mùa xuân năm ngoái, khi mặt đất biến thành bùn lầy, nhiều báo cáo ghi nhận các phương tiện quân sự cũng như các hệ thống pháo của hai bên bị mắc kẹt trong bùn. Điều đó đã đặt ra hàng loại câu hỏi về việc các chiến dịch tấn công và tuyến hậu cần của Ukraine sẽ xử lý như thế nào khi thời tiết thay đổi.
Chiến thuật tiếp theo của Ukraine
"Giao tranh ở Ukraine thực sự bị tác động bởi các điều kiện thời tiết", George Barros, nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho hay.
Dù vậy, chuyên gia này nhận định điều đó không có nghĩa là giao tranh sẽ dừng lại. Nhịp độ tiến công có thể sẽ chậm hơn và sẽ có nhiều khó khăn gia tăng trong việc tiến hành chiến dịch bằng xe tăng và các hệ thống pháo nhưng Ukraine đã cho thấy ý định sẽ tiếp tục chiến đấu dù bất kỳ điều gì xảy ra. Vì thế, các lực lượng của Kiev sẽ không để mất đà tiến công họ đã xây dựng trong những tháng qua.
Quân đội Ukraine có thể lựa chọn các chiến thuật họ đang sử dụng để tiến công qua các phòng tuyến của Nga ở phía Nam. Theo đó, lực lượng bộ binh tiến công bằng cách đi bộ sẽ ít phụ thuộc vào xe tăng và các phương tiện chiến đấu nhưng khó có thể dự đoán bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào chiến trường.
Hiện còn quá sớm để dự đoán mùa bùn lầy sẽ diễn ra như thế nào bởi các khu vực ở Ukraine có các kiểu khí hậu khác nhau.
Phía Nam Ukraine, đặc biệt là khu vực quanh Zaporizhzhia là vùng khô hạn nhất khi hầu như có rất ít mưa so với các khu vực ở phía Tây như Kiev hay các khu vực ở Đông Bắc như Kharkiv. Do đó xe tăng Abrams có lẽ không phải đối mặt với lớp bùn quá dày.
Bùn lầy có thể không phải là ác mộng của xe tăng Abrams
Nặng 60 tấn, xe tăng Abrams nằm trong số những xe tăng nặng nhất mà Ukraine sở hữu cũng như nặng hơn đáng kể so với các xe bọc thép thời Liên Xô của Kiev. Chẳng hạn, xe tăng T-72 nặng khoảng 45 tấn. Chiếc xe tăng T-64 mà Ukraine ghi nhận việc bị mắc kẹt vào mùa xuân năm ngoái nặng chưa tới 40 tấn.
Tuy nhiên, trọng lượng lớn không có nghĩa là xe tăng có rủi ro cao bị lún trong bùn lầy.
"Điều đáng nói là các xe tăng không phải lúc nào cũng dễ tổn thương trước bùn lầy", Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Quốc tế cho hay.
"Chúng được thiết kế để vượt qua các địa hình", chuyên gia này nhận định, đồng thời cho biết bánh xích rộng sẽ phân tán trọng lượng của xe tăng trên một khu vực rộng hơn. Do đó, sức ép lên mặt đất của Abrams hoặc lực mà trọng lượng của nó tác động nên một khu vực nhất định khá thấp.
Dĩ nhiên vẫn có rủi ro xe tăng này bị mắc kẹt trong bùn lầy, đặc biệt trong địa hình hiểm trở nhưng các đặc điểm của Abrams có thể giúp nó hạn chế nguy cơ này.
Xe tăng này cũng có động cơ tua bin khí mạnh mẽ. Các bánh xích và hệ thống treo được thiết kế để cho phép xe tăng di chuyển và chiến đấu trong các địa hình khác nhau, đảm bảo tính linh động và sự nhanh nhẹn mặc dù trọng lượng lớn.
Một đánh giá quân sự năm 1974 của chương trình XM1 đã xem xét vai trò tiềm năng của xe tăng này trên chiến trường và viết rằng "các chiến lược gia quân sự ở cả phương Tây và Liên Xô đều coi xe tăng này là vũ khí chủ chốt trong tác chiến mặt đất".
Báo cáo trên cũng nhận định, Mỹ phải ưu tiên khai thác khả năng thực chiến của một xe tăng "có khả năng chiếm ưu thế và đánh bại mối đe dọa" từ các phương tiện bọc thép của đối phương.
Được phát triển lần đầu tiên vào cuối những năm 1970, xe tăng Abrams được thiết để giúp Mỹ chiếm ưu thế trước Liên Xô trong kịch bản của một cuộc chiến tranh mặt đất.
"Nó được chế tạo để hoạt động trên các cánh đồng ở Trung Âu nhằm đối phó với Liên Xô. Nó có thể hoạt động trong những môi trường khác nhưng nó được sản xuất riêng cho địa hình này", chuyên gia Greenway nói.
Ngoài ra, một lợi thế quan trọng khác của Abrams, đặc biệt khi nó hoạt động trong địa hình bùn lầy, đó là động cơ tua bin khí mạnh mẽ, đôi khi được so sánh với động cơ máy bay. Nó ngốn nhiều nhiên liệu hơn động cơ diesel, thậm chí cả khi không hoạt động nhưng nhờ vậy M1 Abrams có thể di chuyển với vận tốc lên tới 72km/h. Theo chuyên gia Greenway, thậm chí nếu xe tăng bị mắc kẹt trong bùn lầy, động cơ của nó có thể dễ dàng đẩy xe tăng này thoát khỏi tình huống đó.
Để bảo trì động cơ Honeywell AGT1500 của Abrams, Ukraine cần sự ủng hộ lâu dài và chuỗi cung ứng liên tục để có thể cung cấp đủ các bộ phận dự phòng. Các quan chức Mỹ đã đảm bảo các lực lượng của Ukraine sẽ nhận được nhiều bộ phận dự phòng của xe tăng và được hỗ trợ trong suốt quá trình bảo trì. Dù vậy, giới quan sát cho rằng đây vẫn là một thách thức với Ukraine.
Douglas R. Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ mặc dù khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine nhưng ông thừa nhận việc bảo trì xe tăng Abrams "ở một cấp độ khó hoàn toàn khác" so với các phương tiện Mỹ từng cung cấp cho Kiev như Bradley. Tuy nhiên, nếu được bảo trì và sử dụng hiệu quả, Abrams sẽ tạo một cú hích lớn cho khả năng chiến đấu của Ukraine trong toàn bộ cuộc xung đột.