Năm 1994, khi gia đình nhà ông Yogesh Kesharwani, sống tại Jabalpur, Ấn Độ quyết định sửa sang, cơi nới và mở rộng ngôi nhà của mình, họ đã rất phân vân không biết nên xử lý thế nào với cây khổng lồ hàng trăm năm tuổi mọc trong vườn nhà.
Để lại thì vướng mà chặt đi thì tiếc. Nhưng cuối cùng, thay vì chặt cây, họ đã quyết định xây luôn một ngôi nhà 4 tầng bao quanh cái cây cổ thụ ấy.
Không ngờ ý tưởng độc đáo ấy đã giúp ngôi nhà của họ trở nên nổi tiếng, ai đi qua cũng phải ngước nhìn...
Ngày nay, nơi ở của gia đình Kesharwani đã trở thành một trong những điểm tham quan tuyệt vời nhất ở ngôi làng thuộc Jabalpur.
Trông nó chẳng khác nào một biệt thự với một thân cây khổng lồ sừng sững giữa nhà, những cành cây đâm xuyên qua cửa sổ, tường và cả mái nhà.
Thay vì chặt cây cổ thụ đi, gia đình Kesharwani đã quyết định giữ lại để làm nhà và sáng kiến của họ khiến nhiều người phải bái phục.
Ông Yogesh Kesharwani cho biết cha mẹ của ông xây ngôi nhà cách đây 25 năm. Vì tiếc cái cây lâu năm nên cha mẹ ông đã quyết định làm một việc "khác người" là xây nhà bao quanh thân cây.
Đến nay, cái cây đã được khoảng 150 năm tuổi nhưng vẫn ra hoa, kết quả đều đặn mỗi năm.
Dù mỗi khi di chuyển trong nhà, các thành viên trong gia đình Kesharwani đều phải đi vòng quanh thân cây to lớn, nhưng họ đã quen với điều đó, thậm chí còn coi cái cây là một phần thân thiết của gia đình.
Thân cây khổng lồ sừng sững giữa nhà, những cành cây đâm xuyên qua cửa sổ, tường và cả mái nhà.
Yogesh nói với AFP: "Chúng tôi đều là những người yêu thiên nhiên và bố tôi muốn giữ lại cái cây. Chúng tôi biết chặt cây đi thì dễ nhưng để trồng được một cái cây thế này thì khó lắm".
Được biết đến với cái tên "peepal" trong tiếng Hindi, đây là cây được coi là linh thiêng ở Ấn Độ và việc chặt cây này là phạm vào điều cấm.
Trong Geeta, một văn bản tôn giáo của Ấn Độ giáo, người ta tin rằng có 350 triệu vị thần và nữ thần cư ngụ trong một cây peepal.
Gia đình Kesharwani cho biết ngoài việc giữ cho ngôi nhà mát mẻ, cây khổng lồ mọc xuyên qua nhà của họ cũng rất thiết thực theo quan điểm tôn giáo bởi vợ của ông Yogesh không phải đi chùa để cầu nguyện, cô ấy chỉ cần cầu nguyện trước cái cây mỗi sáng.
Yogesh nhớ lại rằng ngay sau khi ngôi nhà được hoàn thành, các sinh viên kỹ thuật và kiến trúc địa phương cũng lấy làm lạ và tìm đến tận nơi để xem nó được xây dựng như thế nào.