Erin Meyer, tác giả cuốn "Cuture Map" (tạm dịch: "Bản đồ văn hóa"), kể lại kỷ niệm trong khi thực hiện chương trình đào tạo cho một cặp vợ chồng người Đức mới chuyển đến Nhật Bản, với sự hỗ trợ của Hiroki, một chuyên gia văn hóa Nhật Bản tài năng và hài hước.
Vợ chồng người Đức hỏi Hiroki làm thế nào để các đồng nghiệp Nhật Bản chịu mở lời. "Họ sống khuôn mẫu và trầm tính. Tôi e là khi bản thân không xây dựng được niềm tin với họ, tôi sẽ không nhận được thông tin cần thiết nào", một trong hai người họ nghi ngại.
Khi đó, Hiroki chỉ từ tốn đáp lại pha chút hài hước: "Chiến lược thông minh nhất là uống với họ… uống đến khi bạn ngã xuống thì thôi".
Nếu tìm hiểu nước Nhật, bạn sẽ thấy đây là nền văn hóa dựa trên mối quan hệ, mặc dù điều này không nặng nề như Trung Quốc hay Ấn Độ. Người Nhật thường tạo cơ hội xây dựng các mối quan hệ vào buổi tối, đây có thể là thời khắc quan trọng đối với sự thành công trong kinh doanh.
Nhiều người Nhật uống đến "say mềm".
Trong văn hóa Nhật, nơi mục tiêu hòa hợp nhóm và tránh gây ra xung đột là mục tiêu hàng đầu, uống rượu (bia) là cơ hội để người ta cởi bỏ lớp vỏ bọc và thể hiện suy nghĩ của mình.
Uống rượu hay bia cũng là lúc bộc lộ những cảm xúc giấu kín, nhận ra nơi chất chứa những cảm xúc tiêu cựu hay những mâu thuẫn sắp nảy sinh đồng thời cố gắng giải quyết trước khi chúng hình thành nên vấn đề.
Uống là một nghi thức quan trọng không chỉ với các khách hàng mà còn trong nội bộ mỗi nhóm.
Nhiều người Nhật dùng rượu để tạo ra các mối liên kết. Các nhân viên bán hàng thường mời chào khách hàng của mình thông qua việc uống rượu. Mặc dù việc thương lượng không bao giờ hoàn tất trong lúc uống rượu nhưng một thỏa thuận khó có thể hoàn thiện nếu như thiếu bước này.
Không chỉ ở Nhật, uống để tạo dựng lòng tin còn là phong tục phổ biến ở khắp khu vực Đông Á. Dù bạn đang làm việc ở Trung Quốc, Thái Lan hay Hàn Quốc, uống rượu với khách hàng hay cộng sự là bước đi chung trong quá trình xây dựng lòng tin.
Tại Nhật Bản, uống rượu là cách hay để xây dựng lòng tin giữa các đối tác làm ăn.
Hai vợ chồng người Đức cũng đặt câu hỏi tại sao phải trở thành kẻ ngốc trước mặt những người họ muốn gây ấn tượng.
Nhưng họ nên biết rằng, một khi cùng nâng ly với đối tác kinh doanh, tức là bạn thể hiện mình còn điều gì đó giấu giếm. Và khi họ uống đến "say mềm" với bạn, điều đó đồng nghĩa họ hoàn toàn không còn đề phòng bạn nữa.
"Đừng lo lắng về việc bạn trông ngốc nghếch đến độ nào. Bạn càng sẵn sàng loại bỏ rào cản xã hội đến mức nào thì họ càng thấy bạn đáng tin đến mức đó", Hiroki trấn an anh bạn người Đức.
Rượu không phải là cách duy nhất để xây dựng mối quan hệ trong kinh doanh. Nếu không uống được rượu, bạn vẫn có những lựa chọn khác như đến phòng karaoke hoặc đi spa. Trong văn hóa Arab vốn kiêng kị rượu, bạn có thể thay bằng loại đồ uống khác như trà.